
Cá mập sẽ rơi vào trạng thái bất động, "đơ đơ" khi ta chạm vào phần đầu mõm và lật ngửa nó lại - Ảnh: Bunjywunjy
Một con cá mập khỏe mạnh đang bơi, nhưng nếu bạn lật ngửa nó lại thì nó dừng hoàn toàn mọi chuyển động, chỉ còn nhịp thở chậm rãi, giống như rơi vào trạng thái bị thôi miên, theo mô tả của Joel Gayford, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh thái biển tại Đại học James Cook (Úc).
Tình trạng này được các nhà khoa học gọi là "tonic immobility", không chỉ làm cá mập mất khả năng vận động, mà còn giảm phản xạ cảm giác, nhịp tim, huyết áp và mức độ nhạy cảm với đau.
Không chỉ khi bị lật ngửa bụng, cá mập cũng sẽ rơi vào trạng thái "tonic immobility" khi phần mõm, nơi tập trung nhiều thụ thể điện, bị kích thích.
Nhờ hiện tượng này, các nhà khoa học có thể lắp thiết bị theo dõi vào cá mập một cách an toàn và ít gây căng thẳng cho chúng. Sau khi thao tác xong, cá mập sẽ được lật lại và nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.
Câu hỏi đặt ra là cá mập phát triển đặc điểm này để làm gì? Đây là cách chúng phòng vệ hay là tàn dư tiến hóa?
Một số giả thuyết cho rằng đây là cơ chế phòng vệ thụ động, giống như cách rắn giả chết hay kiến lửa "đóng kịch" khi bị đe dọa. Trong giao phối, cá mập đực cũng tìm cách lật ngửa cá mập cái để giao phối, và lúc đó cá cái cũng rơi vào trạng thái này, cho thấy có thể liên quan đến hành vi sinh sản.
Tuy nhiên, giả thuyết phòng vệ không thuyết phục với mọi nhà khoa học. "Nếu chỉ nằm im thì khó mà khiến kẻ săn mồi sợ hãi", Gayford nhận định. Thậm chí, cá voi sát thủ còn lợi dụng điều này để lật cá mập lại và ăn thịt dễ dàng hơn.
Một nghiên cứu công bố năm 2025 trên tạp chí Reviews in Fish Biology and Fisheries còn đưa ra một giả thuyết gây tranh cãi: trạng thái này có thể không có mục đích gì cả, chỉ đơn giản là tàn dư từ quá trình tiến hóa và nhiều loài cá mập hiện nay đã mất đi phản ứng này theo thời gian.
"Chúng tôi phát hiện tonic immobility đã biến mất độc lập nhiều lần trong lịch sử tiến hóa của cá mập và cá đuối", Gayford chia sẻ. Điều này cho thấy nó có thể không còn cần thiết trong môi trường sống hiện tại.
Hiện tại khoa học vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát về vai trò thực sự của tonic immobility. Nhiều giả thuyết đang được đặt ra, nhưng chưa có giả thuyết nào được kiểm chứng đầy đủ.
"Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu về hiện tượng kỳ lạ này", nhà nghiên cứu Jillian Morris từ tổ chức Sharks4Kids (chuyên bảo tồn cá mập tại Mỹ) nói. "Vẫn còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá về cá mập, một trong những cư dân cổ xưa của đại dương".
Cá mập không phải là loài động vật duy nhất bị "tonic immobility". Một số loài động vật khác cũng bị đông cứng không tự nguyện trong một số điều kiện nhất định như thỏ, gà, chim, cá sấu, tôm hùm và rắn.
Bình luận hay