
Sản phẩm du lịch phải gắn với bản sắc văn hóa - Ảnh: NAM TRẦN
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025, diễn ra tại Hà Nội, ngày 9-7.
Thêm dư địa để phát triển du lịch
Theo bộ trưởng, việc sáp nhập địa giới hành chính mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch khi các địa phương có thêm dư địa về tài nguyên.
"Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là các địa phương cần thực hiện ngay việc tái cấu trúc sản phẩm du lịch sau khi sáp nhập.
Tập trung phát triển kinh tế để đưa ngành du lịch thực hiện mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước đạt 8%. Ngành du lịch cần hợp lực để cùng bứt tốc, đưa du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á", ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng lấy ví dụ một số địa phương có sự thay đổi đáng kể về tài nguyên du lịch sau khi sáp nhập như Gia Lai, Quảng Trị, Ninh Bình.
Gia Lai hiện tại không chỉ còn là rừng núi với cao nguyên đại ngàn, không chỉ là hồ T’Nưng lộng gió, mà bây giờ phải nghĩ đến vị mặn mòi của Ghềnh Ráng, cần làm gì để vị mát của gió biển hòa với gió chiều ở hồ T’Nưng.
Hay Ninh Bình khi kết nối từ Phủ Giày đến Bái Đính, làm sao để trở thành trung tâm du lịch tâm linh của khu vực.

Trải nghiệm văn hóa đặc sắc, cùng cách làm du lịch thú vị của người dân bản địa tại Hà Giang - Ảnh: NAM TRẦN
Để du lịch bứt phá
Trong 6 tháng đầu năm, du lịch Việt được nhận định là một trong 10 điểm sáng của bức tranh kinh tế. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 518.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh - cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - chia sẻ để tạo sự bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới, toàn ngành sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, sửa đổi Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và thuận lợi cho công tác quản lý.
Cùng với đó đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế; phối hợp ngành hàng không đề xuất mở rộng kết nối với các thị trường quốc tế.
Ngành du lịch cũng tiếp tục định hướng phát triển theo chiều sâu, chất lượng, xây dựng các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, mạo hiểm, chữa bệnh, ẩm thực… mang tầm vóc điểm đến toàn cầu.
Bà Đặng Hương Giang - giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết thủ đô đặt mục tiêu phục vụ 31 triệu lượt khách trong năm 2025, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch thủ đô sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tham mưu với thành phố báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể chùa Hương.
Thứ hai, tổ chức công bố các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch mới; xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch đường sông, cộng đồng.
Thứ ba, tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá du lịch thủ đô theo hướng chuyên nghiệp như: Festival áo dài Hà Nội, Festival thu Hà Nội…
Bình luận hay