
Khách nước ngoài đạp xe tham quan phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.
Chuyển động này không chỉ là thay đổi trên bản đồ, mà sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cách tổ chức sản phẩm, thương hiệu và thị trường điểm đến ngành du lịch.
Một ví dụ dễ hình dung là Đà Nẵng và Quảng Nam, hai địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh, đặc trưng rõ ràng. Nếu sáp nhập, vùng này có thể hình thành một "điểm đến thành phố" tầm khu vực, sánh với Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia).
Tuy nhiên sáp nhập không tự thân tạo ra sức hút, nếu thiếu chuẩn bị bài bản, nguy cơ sẽ vượt qua cả cơ hội. Bởi du khách không thay đổi hành vi chỉ vì một cái tên mới trên bản đồ, họ vẫn nhớ và tìm đến nơi đã được tiếp thị lâu nay. Trong khi đó các quốc gia cạnh tranh trong khu vực vẫn đang cải tiến không ngừng mà không chờ Việt Nam sắp xếp lại bộ máy.
Với TP.HCM, nơi đón gần 45% lượng khách quốc tế của cả nước, việc mở rộng không gian phát triển nếu sáp nhập với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng cần một tư duy hoàn toàn khác. Không thể chỉ cộng các điểm đến, các sự kiện và nguồn khách hiện có để thành "siêu điểm đến".
Cần phân vai rõ ràng: TP.HCM là trung tâm hội nghị - giải trí - ẩm thực; Vũng Tàu phát triển du lịch sinh thái hay Bình Dương phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao.
Sáp nhập tạo ra một bức tranh cơ hội lớn với nhiều động lực phát triển mới. Tuy nhiên ẩn dưới đó sẽ là rất nhiều rủi ro về mặt kỹ thuật nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng và bài bản.
Ngay trước mắt đã có thể thấy rõ những rủi ro trong xung đột biểu tượng giữa các địa phương cũ, cấu trúc thị trường khách, trung bình hóa thương hiệu điểm đến hay giá trị cốt lõi của điểm đến...
Thử thách sẽ càng lớn hơn, rủi ro cũng sẽ càng rõ ràng hơn đối với những điểm đến mới được tạo thành bởi những nơi có ngành du lịch phát triển trước đây.
Các cơ quan quản lý du lịch cần ưu tiên kiện toàn và xử lý các thử thách trước mắt để xây dựng được nền tảng vững chắc nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng không đáng có đến thị trường, thương hiệu hay sự vận hành của du lịch địa phương.
Sẽ là một thiếu sót nếu các địa phương chỉ chăm chăm xây dựng kế hoạch phát triển điểm đến mới sau sáp nhập bằng cách cộng cơ học các thứ có sẵn của hai ba tỉnh cũ lại với nhau để tạo ra tiềm năng mới, thị trường mới, thương hiệu mới.
Cả nước cần một cơ chế điều phối điểm đến liên vùng, năng lực quản trị du lịch tập trung hơn. Do đó, trong 6 tháng còn lại của năm 2025, ưu tiên hàng đầu là cơ quan quản lý cần củng cố bộ máy, thống nhất chiến lược phát triển điểm đến mới.
Khác với lần thử thách trước thời dịch COVID-19, lần này du lịch Việt Nam sẽ phải vừa thực hiện chuyển đổi thương hiệu, sản phẩm và cả thị trường vừa phải bảo đảm mọi thứ vẫn chạy để không bị ảnh hưởng tới trải nghiệm du khách hay mục tiêu tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh thế giới ngoài kia vẫn đang chạy đều.
Sáp nhập là cơ hội để chúng ta có những điểm đến tầm khu vực. Nhưng nếu chỉ dừng ở việc cộng cơ học những gì sẵn có, ngành du lịch Việt Nam sẽ bỏ lỡ một cơ hội tái cấu trúc sản phẩm sâu hơn, hiệu quả hơn.
Bình luận hay