25/09/2023 12:33 GMT+7

Và những mái nhà cháy ở A Râng đã hồi sinh

Rạng sáng đầu năm mới, dân làng A Râng, một ngôi làng vùng biên viễn Việt - Lào, còn chìm trong giấc ngủ thì lửa bùng cháy dữ dội khiến cả loạt năm ngôi nhà của người Cơ Tu bị thiêu rụi.

Những căn nhà mới dựng khang trang nhờ sự giúp sức của chính quyền và nhà hảo tâm - Ảnh: LÊ TRUNG

Những căn nhà mới dựng khang trang nhờ sự giúp sức của chính quyền và nhà hảo tâm - Ảnh: LÊ TRUNG

Sau nửa năm, bằng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đoàn thể và nghĩa tình nhà hảo tâm, những ngôi nhà mới khang trang được dựng lên, dân làng ổn định chỗ ở trước mùa mưa bão. Người làng A Râng không đơn độc mà được tiếp sức từ những vòng tay yêu thương của xã hội.

Sau vụ cháy, trong lúc xây nhà mới thì cha tôi già yếu nên mất mà chưa kịp nhìn thấy căn nhà được xây từ nghĩa tình của xã hội. Giờ có nhà mới, gia đình tôi sẽ vượt khó, ổn định cuộc sống và cố gắng thoát nghèo.
Ông A Lăng Zang

"Bà hỏa" viếng thăm bất ngờ

Làng A Râng (xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng xanh với những ngôi nhà gỗ xếp vòng quanh.

Buổi lễ bàn giao nhà được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tây Giang tổ chức gọn nhẹ. Đại diện chính quyền xã, mặt trận cùng các hộ dân ký biên bản bàn giao nhà.

Có người không biết viết chữ, phải dùng tay điểm chỉ vào biên bản, rồi họ dắt díu nhau về ngôi nhà mới toanh sau nửa năm sống cảnh "ở đậu" nhà người khác.

Tự tay gắn tấm biển nhà đại đoàn kết, dân làng ai cũng mừng vui khôn xiết. Trước đó nửa năm, "bà hỏa" viếng thăm làng bất ngờ. Vụ cháy kinh hoàng khiến cả chòm năm căn nhà bị thiêu rụi, chỉ còn đống đổ nát và một màu đen ngòm than tro bao trùm A Râng.

Bảy người trong gia đình ông A Lăng Zang (44 tuổi) vui mừng dọn vào căn nhà mới với nhiều phòng ngủ, phòng khách, nhà vệ sinh, phòng tắm đầy đủ với kinh phí xây dựng gần 600 triệu đồng. Đây là căn nhà xây ghép của hộ ông và cha của mình.

Đến giờ, cả nhà chẳng tin nổi rằng có nhà to vậy. "Mừng lắm, từ khi nhà bị cháy rụi, chúng tôi phải chia nhau tá túc nhà người thân, khó khăn lắm", ông Zang nói.

Cảnh "bà hỏa" ghé thăm vẫn còn ám ảnh ông. Hơn 3h sáng 2-2, cả gia đình đang ngủ thì bật dậy vì sức nóng của lửa.

Rồi họ tìm cách vượt qua biển lửa, chạy ra ngoài thoát thân. "Nhà cháy như ngọn đuốc. Khi thoát ra ngoài, mình chạy ra phía sau nhà của người cha 93 tuổi và chị gái thì thấy cả hai người cũng đã kịp thoát ra, lúc này mới yên tâm", ông nhớ lại.

Ngọn lửa bùng phát từ căn bếp ngôi nhà của ông A Lăng Bh Đói (93 tuổi, cha ông Zang), sau đó bùng lên dữ dội cháy lan sang nhà Zang và ba nhà dân khác liền kề. 19 người chỉ kịp chạy ra ngoài thoát thân, tất cả vật dụng trong nhà thành tro trong biển lửa.

"Thấy lửa cháy mà khiếp" - anh A Lăng Tỏa, trưởng thôn A Râng, rùng mình. Dân làng gọi nhau í ới, anh báo cho biên phòng, công an, dân làng cùng nhau dập lửa. Nhưng việc cứu những nhà cháy gần như vô vọng vì làm bằng gỗ rất dễ bắt lửa, công cụ dập lửa hầu như không có.

"Chúng tôi chỉ kịp vận chuyển đồ đạc, tháo dỡ khung nhà thứ sáu bên cạnh đó không cho cháy lan. Gần đến sáng thì vụ cháy được dập tắt, tất cả chỉ còn lại đống hoang tàn" - anh Tỏa nhớ lại, may là cách ly được biển lửa ở căn nhà thứ sáu.

Vợ chồng anh A Lăng Túy vui mừng bên ngôi nhà mới - Ảnh: LÊ TRUNG

Vợ chồng anh A Lăng Túy vui mừng bên ngôi nhà mới - Ảnh: LÊ TRUNG

Sau cháy, đất ở đây đen ngòm, dân sợ xui xẻo nên không dám ở. Chúng tôi phải thuê xe múc lớp đất cũ sâu hơn 1m, đổ đất mới tạo mặt bằng, bà con mới yên tâm làm nhà ở.
Ông Briu Quân

Tiếp sức A Râng

Sau vụ cháy kinh hoàng, chính quyền xã và huyện hỗ trợ ban đầu để bà con mua vật dụng cần thiết trước mắt. 19 người chia nhau ở nhờ nhà người thân, hàng xóm.

Khó khăn bủa vây A Râng. Một cuộc vận động cứu trợ giúp dân dựng nhà mới được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tây Giang phát động.

Ông Pơloong Anhiết, chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã A Xan, kể rằng chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nguồn tiền đổ về A Râng gồm nguồn cứu trợ từ mặt trận, chính quyền, nghị định 20 Chính phủ, nhất là sự quyên góp của nhà hảo tâm trên cả nước với tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.

Các đoàn từ thiện khắp nơi cũng đổ về tiếp sức cho dân sau thảm họa bằng áo quần, lương thực, chăn mền…

"Tiền thì có, nhưng cái khó là tập tục của bà con nên việc xây nhà gian nan lắm" - ông Briu Quân, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tây Giang, nói.

Theo ông, khi vùng đất xảy ra cháy nhà, bà con người Cơ Tu thường quan niệm là đất xấu, mang đến điều xui xẻo nên bỏ chỗ đó tìm đất khác dựng nhà. "Nhưng khắp nơi toàn đồi núi, chẳng có chỗ nào bằng phẳng, chúng tôi rất nan giải", ông Quân kể.

Sau đó lại tiếp tục một đợt tuyên truyền để dân làng bỏ đi cái suy nghĩ không hay ấy. Biết bao nhiêu cuộc họp, rồi lần lần dân làng mới thống nhất ở lại chỗ cũ.

"Sau cháy, đất ở đây đen ngòm, dân sợ xui xẻo nên không dám ở. Chúng tôi phải thuê xe múc lớp đất cũ sâu hơn 1m, đổ đất mới tạo mặt bằng, bà con mới yên tâm làm nhà ở", ông Quân nhớ lại.

Tự tay gắn tấm biển nhà đại đoàn kết rồi dọn vào nhà mới, anh A Lăng Túy cứ ngỡ mình đang mơ. Ngôi nhà rộng rãi hơn 100m2 dựng lên với nguồn hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng, anh nói mùa mưa bão đến có nơi trú ngụ, hạnh phúc chẳng gì bằng.

"Những tưởng nhà sẽ không có tiền dựng mới lại, nhưng chính quyền, các nhà hảo tâm đã vươn vòng tay yêu thương giúp sức cho gia đình, thật không biết lấy gì để cảm ơn" - chị A Lăng Thị Ất, vợ anh Túy, tâm sự.

Còn bà Pơloong Dít (79 tuổi) mắt rơm rớm khi dọn vào căn nhà mới. "Mế sống từng tuổi này rồi, cũng ở chẳng được bao lâu nữa. Còn con cháu mình có nhà mới tá túc, mế xin cảm ơn tất cả lòng tốt", bà Dít xúc động.

Bí thư Đảng ủy xã A Xan Hồ Văn Nhia nói rằng sau thảm họa, làng được sự quan tâm của tỉnh, huyện, các nhà hảo tâm đã kịp thời hỗ trợ bà con dựng nhà mới, đây là điều trân quý. Theo tập quán khi xảy ra cháy nhà, bà con sợ nên bỏ làng không dám ở chỗ cũ.

"Chúng tôi quyết liệt vận động bà con ở lại nơi cũ, dựng nhà mới ổn định cuộc sống. Tôi xúc động vì dân nhận được nhiều vòng tay yêu thương của xã hội, nỗi lo nhà ở đã được giải quyết", ông Nhia bộc bạch.

Một bữa cơm trưa ấm cúng được dân làng góp lại rất "cây nhà, lá vườn". Sự sống sinh sôi ở A Râng, dân làng bắt đầu cuộc sống mới sau thảm họa.

Vụ cháy kinh hoàng khiến cả chòm 5 nhà dân bị thiêu rụi - Ảnh: P.M.X.

Vụ cháy kinh hoàng khiến cả chòm 5 nhà dân bị thiêu rụi - Ảnh: P.M.X.

Đừng để thêm một A Râng nữa

"Mong bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống phát triển kinh tế. Đây là bài học lớn trong việc lơ là phòng cháy chữa cháy.

Làm sao mỗi hộ gia đình có ít nhất một bình chữa cháy.

Hiện nay chúng tôi cũng phát động phong trào này, sắp tới sẽ tuyên truyền, vận động mạnh mẽ việc phòng cháy chữa cháy ở địa bàn thôn bản, đừng để xảy ra thảm họa như A Râng" - ông Briu Quân, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tây Giang, nói.

Giữ nét văn hóa lồng đèn xưa

Đến mùa Vu lan báo hiếu, mùa Trung thu... làng nghề lồng đèn truyền thống Phú Bình (quận 11, TP.HCM) và khu trung tâm mua bán lồng đèn trên trục đường Lương Nhữ Học (quận 5) lại tưng bừng nhộn nhịp.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

19 năm về trước, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng rời quê hương Bình Phước mang theo khát vọng đổi đời ở miền đất hứa TP.HCM.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Nhiều người sau khi làm bùa yêu không chỉ mất tiền mà còn khủng hoảng tâm lý nặng nề vì bị những kẻ biến thái dụ dỗ.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar