
Đơn vị thi công phong tỏa một làn đường trên cầu Long Thành sửa chữa khe co giãn khiến dòng phương tiện di chuyển qua đoạn này bị "nghẽn" - Ảnh: MINH HÒA
Ngày 16-7, cơ quan chức năng đóng một làn đường của cầu Long Thành (chỉ có 2 làn đường) trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thi công sửa chữa khe co giãn. Sau đó, cao tốc ùn ứ nghiêm trọng đoạn từ quốc lộ 51 đến chân cầu Long Thành (hướng tỉnh Đồng Nai đi TP.HCM).
Lực lượng đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 6 Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết nhằm hạn chế ách tắc kéo dài, lực lượng đã đóng nút giao đường 319 lên đường cao tốc, buộc các phương tiện phải quay đầu.
Tương tự tại nút giao quốc lộ 51 với cao tốc cũng bị đóng, các xe được phân luồng di chuyển qua quốc lộ 51 đi khoảng 25km để ra quốc lộ 1 hướng về TP.HCM.
Điều đáng nói các xe từ quốc lộ 1 đi thêm khoảng 2km nữa thì gặp điểm "thắt cổ chai" thứ 2 do cơ quan chức năng cũng đóng một làn đường ĐT 743 giao với quốc lộ 1. Việc đóng làn đường này, theo cơ quan chức năng, là để làm nút giao Tân Vạn (thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM).
Tình trạng ùn ứ tại điểm "thắt cổ chai" thứ 2 này còn nghiêm trọng hơn các điểm kẹt xe trên cao tốc.
Chiều 16-7, quốc lộ 1 từ ngã tư bồn nước (phường Trấn Biên, Đồng Nai) đến khu vực ngã ba 621 (TP.HCM) ùn tắc nghiêm trọng. Đặc biệt khu vực trạm thu phí cũ phía trước cầu Đồng Nai, hàng ngàn xe tải, container, xe khách, xe con… nhích từng chút một trên đường.
"Chúng tôi đi trên quốc lộ 51 về TP.HCM bị kẹt hơn 3 tiếng, xe nhích từng chút, trên xe tôi có con nhỏ rất mệt mỏi, sốt ruột", anh Trần Văn Hùng (tài xế ô tô) chia sẻ.
Việc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị ùn ứ ở nhiều điểm đã tạo ra một "nút thắt cổ chai kép" khiến hàng chục km đường bị "tê liệt".
Theo một chuyên gia giao thông, đây có thể là do thiếu phối hợp và xây dựng kịch bản điều tiết giao thông linh hoạt khi ngăn đường thi công các hạng mục giao thông.
Trong khi cao tốc là tuyến nhanh, lưu lượng xe lớn, việc "ngăn một phần đường" khiến lượng lớn xe dồn về các tuyến đường khác như quốc lộ 1, vốn đã ùn ứ càng thêm nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.
"Khi một tuyến đường bị ùn ứ, người dân hy vọng tuyến khác có thể giúp thoát nhanh. Nhưng nếu ở cửa ngõ cũng bị ùn ứ thì người tham gia giao thông chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc chờ đợi", vị chuyên gia phân tích.

Dòng xe ùn ứ kéo dài do đơn vị thi công đóng một làn cao tốc để sửa chữa khe co giãn - Ảnh: MINH HÒA

Các công nhân đang thi công sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành - Ảnh: MINH HÒA

Ùn tắc cục bộ trên quốc lộ 1 kéo dài nhiều cây số từ Đồng Nai qua TP.HCM (ảnh chụp chiều 16-7) - Ảnh: A LỘC
Bình luận hay