Truyền thông rõ ràng về tỉnh mới, tên mới

TS NGUYỄN SĨ DŨNG 08/05/2025 04:30 GMT+7

TTCT - Sắp xếp, tái cấu trúc bộ máy cần có truyền thông rõ ràng, cách đặt tên tỉnh mới, xã mới cần lường trước tâm lý cộng đồng và tạo thuận lợi cho người dân khi thay đổi giấy tờ.

tỉnh mới - Ảnh 1.

Bản đồ dự kiến 34 tỉnh, thành sau khi sáp nhập. Đồ họa: NGỌC THÀNH

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh là một quyết sách cải cách thể chế sâu rộng, mang tính chiến lược và lâu dài. Đây là bước đi nhằm tái cấu trúc toàn diện không gian thể chế, nâng cao năng lực quản trị và tạo dựng một nền tảng hiệu quả hơn cho phát triển quốc gia.

Cải cách gắn với Chính phủ điện tử

Lịch sử nước ta từng chứng minh rằng một hệ thống hành chính tinh gọn có thể vận hành hiệu quả. Dưới triều Minh Mạng, nước ta chỉ có 31 tỉnh - một con số phản ánh rõ tư duy tổ chức nhà nước theo hướng tập trung nhưng hiệu lực. Sau đổi mới, việc chia tách nhiều tỉnh được thực hiện nhằm tăng cường quản lý cơ sở, ổn định đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển ở từng địa phương. 

Tuy nhiên, mô hình phân mảnh này đã dần bộc lộ nhiều giới hạn: quy hoạch bị chia cắt, đầu tư phân tán, chi phí hành chính tăng cao, trong khi hiệu quả quản trị lại đi xuống. Bộ máy trở nên cồng kềnh, và tư duy phát triển vùng vẫn chưa hình thành một cách nhất quán.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà hiệu quả phát triển cần được đặt cao hơn ranh giới địa phương. Điều cần thiết lúc này là một tư duy tổ chức hành chính mới - tư duy dám nhìn rộng, nghĩ lớn và hành động quyết liệt. Khi các đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô lớn hơn, không gian phát triển rộng hơn và năng lực điều hành mạnh mẽ hơn thì mới có thể thực hiện được phân quyền thực chất. 

Trong bối cảnh Đảng lãnh đạo toàn diện, chính quyền cấp tỉnh giữ vai trò trụ cột trong hệ thống quyền lực, nên việc cải cách này cần được Trung ương chủ động dẫn dắt. Đây là lúc cần tập quyền để cải cách - và sau đó là phân quyền để phát triển.

Thực tế cho thấy hiện nay có không ít tỉnh dân số dưới 1 triệu người, nguồn thu ngân sách hạn chế, nhưng vẫn phải duy trì đầy đủ một bộ máy cấp tỉnh. Mô hình này không chỉ thiếu hiệu quả, mà còn làm suy yếu sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. 

Việc sáp nhập tỉnh sẽ giúp mở rộng quy mô hành chính, giảm chi phí bộ máy, tổ chức lại quy hoạch một cách đồng bộ, thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các địa phương và nâng cao năng suất quản trị. Những đơn vị hành chính lớn hơn cũng sẽ có vị thế tốt hơn trong thu hút đầu tư, tiếp nhận các dự án hạ tầng chiến lược và điều phối phát triển vùng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đi trước trong cải cách hành chính tương tự. Pháp vào năm 2016 đã giảm số vùng hành chính từ 22 xuống còn 13 để tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý. 

Nhật Bản thực hiện "đại hợp nhất" trong thời kỳ Heisei, sáp nhập hàng loạt đơn vị nhỏ để hình thành các đô thị mạnh. Đức sau thống nhất cũng nhanh chóng tinh giản hệ thống hành chính để phù hợp với mô hình nhà nước liên bang hiện đại. 

Tất cả những quốc gia này đều hướng tới mô hình hành chính tinh gọn, quyền lực phân tầng hợp lý và phát triển vùng hiệu quả. Việt Nam đang đi trên cùng một con đường - và đang đi đúng thời điểm.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ hiện đại cho phép chúng ta quản lý từ xa, tích hợp dữ liệu, đơn giản hóa thủ tục - những việc mà trước đây đòi hỏi nhiều tầng nấc trung gian. Một tỉnh có quy mô lớn, nếu được tổ chức khoa học và ứng dụng tốt công nghệ, hoàn toàn có thể vận hành hiệu quả, thậm chí hơn cả các tỉnh nhỏ hiện nay. Vì vậy, cải cách hành chính cấp tỉnh không thể không gắn với tư duy chuyển đổi số, dữ liệu lớn và chính phủ điện tử.

Truyền thông hiệu quả

Tuy nhiên, cải cách lớn nào cũng đi kèm với những thách thức lớn. Điều đầu tiên cần lường trước là tâm lý cộng đồng. Khi tên gọi cũ bị thay đổi hoặc tỉnh không còn là trung tâm mới, nhiều người dân có thể hụt hẫng, tiếc nuối, thậm chí phản ứng tiêu cực nếu thiếu sự chuẩn bị về mặt truyền thông. Để vượt qua điều này, cần đẩy mạnh công tác tư tưởng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, lắng nghe ý kiến người dân, và làm rõ lợi ích dài hạn của việc sáp nhập.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc bộ máy và nhân sự cũng là một bài toán không dễ. Nếu không công bằng, minh bạch trong bố trí cán bộ, sẽ dễ phát sinh tâm lý "người cũ - người mới", gây mất đoàn kết nội bộ. Vì thế, cần có phương án nhân sự rõ ràng, lấy năng lực làm chuẩn, luân chuyển cán bộ hợp lý, và từng bước kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn.

Việc thay đổi tên địa giới hành chính cũng kéo theo nhiều khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, đặc biệt là trong cập nhật giấy tờ, dữ liệu định danh và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Để xử lý hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ người dân trong đổi giấy tờ, cho phép dùng song song tên cũ và mới trong một thời gian chuyển tiếp, đồng thời bảo đảm cập nhật dữ liệu hành chính một cách đồng bộ, nhất quán.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương sáp nhập. Nếu không có chính sách cân đối, dễ dẫn đến tình trạng khu vực phát triển hơn lấn át khu vực yếu hơn, làm sâu thêm khoảng cách nội vùng. Vì vậy, cần xây dựng các đề án phát triển vùng trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho những khu vực còn khó khăn và áp dụng mô hình phân quyền linh hoạt trong nội tỉnh để bảo đảm tính tự chủ tương đối.

Giai đoạn chuyển tiếp sau sáp nhập cũng đòi hỏi một cơ chế đặc thù để tránh gián đoạn hoạt động quản trị. Cần có tổ công tác liên tỉnh điều phối các bước chuyển đổi, xây dựng lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn, và có thể đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng tạo hành lang pháp lý linh hoạt cho thời kỳ chuyển tiếp.

Cùng với việc sáp nhập, đặt tên cho tỉnh mới cũng là một thách thức không nhỏ. Đây không chỉ là quyết định hành chính, mà còn mang tính biểu tượng, tâm lý - xã hội và văn hóa sâu sắc. Một cái tên có thể khơi gợi niềm tự hào hoặc gây ra sự chia rẽ, tùy vào cách chọn lựa và truyền thông. Do đó, việc đặt tên phải hết sức cẩn trọng, thấu đáo và nhân văn.

Tên gọi nên tôn trọng yếu tố lịch sử, văn hóa; ưu tiên giữ lại tên cũ nếu có truyền thống và mức độ phổ biến cao; đồng thời phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhận diện và dễ dùng trong hệ thống dữ liệu điện tử. 

Quan trọng hơn cả là tên mới cần có được sự đồng thuận xã hội. Muốn vậy, phải truyền thông hiệu quả, giải thích rõ ràng. Một cái tên dài dòng, ghép nhiều địa phương, tuy có ý đồ bao quát nhưng lại dễ gây bất tiện, thiếu tính biểu tượng và khó sử dụng trên các nền tảng số. Vì vậy, cần tránh cách đặt tên máy móc, mà nên chọn tên thể hiện bản sắc vùng, có chiều sâu văn hóa và có thể dùng linh hoạt cả trong đời sống lẫn quản lý hành chính hiện đại.

Việc chuẩn hóa tên gọi đến cấp xã, phường cũng là vấn đề cần lưu tâm, nhằm phục vụ hiệu quả cho việc số hóa quản trị. Nếu không có quy chuẩn rõ ràng, nguy cơ rối loạn dữ liệu và định danh sẽ rất lớn. Vì vậy, cần thiết kế tên gọi có mã hóa đơn giản, dễ tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư và các dịch vụ công trực tuyến.

Sáp nhập tỉnh và đặt tên mới là hai mặt của một quyết sách cải cách toàn diện. Đây là bước ngoặt lịch sử, mở ra cơ hội nâng cấp bộ máy hành chính, tái cấu trúc không gian phát triển, thúc đẩy hiệu quả quản lý và gia tăng sức cạnh tranh quốc gia.

 Nhưng để thành công, cải cách ấy cần được tiến hành một cách bài bản, có lý có tình, khoa học và nhân văn. Khi làm tốt, chúng ta không chỉ có một hệ thống hành chính tinh gọn, mà còn có một xã hội đồng thuận, một bản sắc vùng sâu sắc, và một nền tảng vững chắc để bước vào kỷ nguyên phát triển mới - mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và trường tồn hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận