10/08/2018 14:07 GMT+7

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Mưa lũ dị thường

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Những năm gần đây, tần suất thiên tai xuất hiện thường xuyên hơn với cường độ dữ dội hơn. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh thiên tai ngày càng cực đoan là do con người hủy hoại môi trường.

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Mưa lũ dị thường - Ảnh 1.

Bão Harvey hoành hành ở Houston (bang Texas) tháng 8-2017 - Ảnh: Getty Images

Trong những ngày bão Harvey càn quét bang Texas vào cuối tháng 8-2017, người dân thành phố Houston đã theo dõi bão bằng cách xem bản đồ hoạt động của chuỗi cửa hàng Waffle House. Cửa hàng Waffle House bán bánh kẹp và cà phê, hoạt động 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết.

Bản đồ hoạt động của cửa hàng gồm ba màu: màu xanh là hoạt động bình thường, màu cam là hạn chế phục vụ và màu đỏ là đóng cửa. Ngay cả Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) cũng thừa nhận "chỉ số Waffle House" trong quá trình theo dõi diễn biến bão.

Bài học rút ra từ bão Harvey: cho dù Mỹ là quốc gia giàu nhất thế giới cũng không đủ khả năng bảo vệ người dân trước bão tố

Bà VALÉRIE MASSON - DELMOTTE (chuyên gia vật lý khí hậu LHQ)

Nạn hồng thủy từ bão Harvey

Bão Harvey là một trong những cơn bão mạnh bất thường ở Bắc Đại Tây Dương. Nửa đêm ngày 25-8-2017, bão Harvey mạnh cấp 4 (theo thang bão Saffir-Simpson gồm năm cấp) đổ bộ vào bang Texas với sức gió lên đến 215km/h. 

Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 15 năm qua tại Mỹ với lượng mưa có nơi lên đến 1.250,3mm.

Thành phố Houston ngập hoàn toàn trong nước. Một số khu vực ngập kéo dài cả tháng. Tối thiểu 90 người thiệt mạng, 30.000 người cần cứu trợ khẩn cấp và gần 0,5 triệu người bị ảnh hưởng.

Sau đó đến lượt hai cơn bão cấp 5 càn quét vùng Caribê gồm bão Irma (134 người chết) và bão Maria (547 người chết). Đây là lần đầu tiên có bão cấp 5 xuất hiện trong khu vực.

Sang đầu tháng 10, bão Nate trên vịnh Mexico tuy chỉ ở cấp 1 cũng đã làm 45 người chết. Tháng 4-2018, Tổ chức Khí tượng thế giới đã phải xóa tên bốn cơn bão chết người Harvey, Irma, Maria và Nate ra khỏi danh sách tên bão.

Tại Mỹ, phần lớn các cơn bão đều suy yếu trước khi vào đất liền, song bão Harvey thì ngược lại. Tiến sĩ Ed Rappaport, quyền giám đốc Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, giải thích Harvey là cơn bão quái lạ vì bao gồm nhiều yếu tố hiếm khi xảy ra, như bão từ suy yếu đã mạnh trở lại thành bão chỉ trong 36 tiếng, bão dừng lại trên một khu vực rất lâu và lượng mưa lớn lịch sử.

Chuyên gia Brian McNoldy tại Đại học Miami nhận xét: "Cực kỳ hiếm có cơn bão lớn như thế lại đứng yên sau khi đổ bộ vào đất liền".

Thời tiết ngày càng cực đoan

Trong khi thế giới tập trung chú ý bão Harvey ở Mỹ, cách Houston 15.000km, đã càn quét khu vực Nam Á. Các chuyên gia ghi nhận mùa mưa năm 2017 là mùa mưa dữ dội nhất trong hai thập niên vừa qua ở Nam Á. 

Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đánh giá từ 15 năm nay, mùa mưa tại Nam Á có xu hướng ngày càng dữ dội hơn và tàn phá nặng nề hơn.

Tại Ấn Độ, lũ lụt hoành hành chủ yếu ở miền bắc. Thủ đô kinh tế Mumbai với 22 triệu dân tê liệt trong nước. Chỉ trong 12 tiếng ngày 29-8-2017, lượng mưa tại Mumbai lên đến 200mm, tương đương 11 ngày mưa theo mùa.

Tại Bangladesh, tình hình ngập lụt xảy ra nghiêm trọng chưa từng thấy lan rộng từ miền bắc đến miền trung. 1/3 diện tích của Bangladesh và Nepal chìm trong biển nước. Miền nam Pakistan cũng không thoát khỏi cảnh lũ lụt.

Ông Jagan Chapagain, phó tổng thư ký Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đánh giá: "Đây là trận lụt nghiêm trọng nhất Nam Á kể từ nhiều thập niên. Nhiều cộng đồng dân cư bị cô lập hoàn toàn. Chỉ còn một cách cứu trợ duy nhất là dùng tàu thuyền".

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 41 triệu người ở Ấn Độ, Bangladesh và Nepal. Số người thiệt mạng lên đến gần 1.500 người.

Tại Việt Nam, năm 2017 được ghi nhận là năm kỷ lục về số cơn bão và các vụ thiên tai khốc liệt, cực đoan và dị thường. Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều kỷ lục trên Biển Đông. 

Bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa đầu tháng 11-2017 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực Nam Trung Bộ với 107 người chết và 16 người mất tích.

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Mưa lũ dị thường - Ảnh 3.

Tổng thống Ernest Bai Koroma (người đưa tay) thị sát hiện trường vụ lở đất kinh hoàng ở Freetown (Sierra Leone) ngày 15-8-2017 - Ảnh: AFP

Thảm họa đã được báo trước

Cũng như Mỹ và châu Á, tình hình tại châu Phi vào mùa mưa năm ngoái đã diễn ra rất bất thường. Trận lụt được đánh giá là nghiêm trọng nhất của lịch sử gần đây đã uy hiếp Sierra Leone - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới ở Tây Phi.

Đêm 13-8-2017, sau ba ngày mưa xối xả, một vạt đất đồi no nước đã đổ sập gây ra lũ bùn chôn vùi nhiều nhà cửa ở ngoại ô thủ đô Freetown, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người đang say ngủ.

Tháng 8-2017 được xem là tháng thiên tai thảm khốc nhất tại Freetown với hơn 500 người chết và 800 người mất tích. Sierra Leone có lượng mưa cao nhất châu Phi và thường xảy ra lũ lụt chết người nhưng chưa bao giờ xảy ra thiên tai nghiêm trọng như lần này.

Theo đánh giá của Viện Khoa học địa chất Sierra Leone, phá rừng và tình hình xây dựng nhà cửa hỗn loạn đã thúc đẩy thiên tai bùng phát. Cho dù chính quyền đã cảnh báo song người dân Freetown vẫn cất nhà bên sườn đồi.

Một cư dân tên Jefferson ngậm ngùi nói: "Theo cách nào đó, người dân chúng tôi cũng có phần trách nhiệm. Chúng tôi biết không được xây nhà ở nơi này".

Cường độ thiên tai cực đoan gia tăng

Theo Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học thảm họa thuộc Đại học Công giáo Louvain ở Bỉ, thiên tai xảy ra nhiều nhất năm 2017 lần lượt là mưa lũ (69 vụ), bão tố (20 vụ), động đất (18 vụ), lở đất và lũ bùn (16 vụ).

Trong năm xảy ra hơn 200 vụ thiên tai, tức ít hơn năm trước (290 vụ). Số nạn nhân khoảng 11.000 người, tương đương năm 2016 và năm 2014.

Tuy không xảy ra thiên tai đặc biệt nghiêm trọng như động đất ở Nepal năm 2015 hay bão Haiyan tại Philippines năm 2013, cường độ thiên tai lại mạnh chưa từng thấy như mùa mưa dữ dội nhất trong 20 năm qua ở châu Á và châu Phi, bão dữ dội nhất trong 15 năm qua tại Mỹ, bão cấp cao nhất ở Bắc Đại Tây Dương, cháy rừng lớn nhất trong lịch sử ở Bắc Mỹ, khô hạn nặng nề nhất ở châu Phi và là năm nóng nhất không xảy ra hiện tượng El Niño.

TTO - Chính quyền Đài Loan đang khẩn trương sơ tán dân tại các khu vực miền núi khi bão Maria đổ vào với mưa to, gió lớn. Nhiều văn phòng, trường học phải đóng cửa trong khi hàng trăm chuyến bay bị hủy.

HOÀNG DUY LONG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

19 năm về trước, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng rời quê hương Bình Phước mang theo khát vọng đổi đời ở miền đất hứa TP.HCM.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Nhiều người sau khi làm bùa yêu không chỉ mất tiền mà còn khủng hoảng tâm lý nặng nề vì bị những kẻ biến thái dụ dỗ.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Năm 1975, Sài Gòn - TP.HCM vừa trải qua chiến cuộc với hơn 3 triệu dân. 50 năm sau, thành phố đã trở thành đô thị lớn nhất nước với quy mô dân số lên đến gần 10 triệu người, và đô thị hiện đại được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu chất lượng sống.

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Thầy hứa 'hỗ trợ' khách hàng quan hệ tình dục nguyên năm

Mua bán bùa yêu là 'mỏ vàng' cho những kẻ trục lợi tâm lý yếu đuối, tổn thương tình cảm, lo âu hôn nhân.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Thầy hứa 'hỗ trợ' khách hàng quan hệ tình dục nguyên năm

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Còn nhớ năm 1978, hàng trăm ngàn tấn lúa suýt mất trắng trong đại dịch rầy nâu nhưng may mắn vượt qua được.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Bùa yêu biến thái và lừa đảo: 'Cho thầy làm tình cắt duyên âm con ma'

Khi có người hỏi liệu bùa yêu có hiệu nghiệm, Quỳnh đáp thẳng: "Toàn phải trao đổi tình dục với chi phí cao".

Bùa yêu biến thái và lừa đảo: 'Cho thầy làm tình cắt duyên âm con ma'
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar