
5 biệt thự cổ tại lầu Bảo Đại từng được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào tháng 6-2024 - Ảnh: TRẦN HOÀI
Ngày 10-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Xuân Lợi - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) - cho biết trung tâm này đã thu hồi văn bản đề nghị trưng dụng tạm thời hai phòng trong biệt thự Vọng Nguyệt ở di tích lầu Bảo Đại để bố trí cho cán bộ ở tạm.
Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề vì sao lại đề xuất trưng dụng tạm thời hai phòng trong biệt thự Vọng Nguyệt ở di tích lầu Bảo Đại làm nơi ở tạm mà không chọn nơi khác, ông Lợi trả lời: "Hôm trước khi khảo sát các di tích trong tỉnh thấy chỗ đó phải có người ở. Đó là di tích đã xuống cấp quá trầm trọng, nếu không có ai ở thì làm sao coi ngó được, mối mọt chui vô trong gỗ ăn hết".
Trước đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Công ty cổ phần Đầu tư Khánh Hà (Tập đoàn Hà Đô), chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, đề nghị hỗ trợ sắp xếp chỗ ở cho cán bộ công chức, viên chức, lãnh đạo đơn vị.
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho rằng theo đề án hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa có các cán bộ lãnh đạo tại Ninh Thuận (trước sáp nhập) đến làm việc tại trung tâm tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập.
Trong quá trình sắp xếp ổn định nơi ở và nơi làm việc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Bảo tồn di tích trưng dụng tạm thời hai phòng tại căn biệt thự Vọng Nguyệt của khu di tích biệt thự Cầu Đá làm chỗ ở cho một phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và một phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa còn đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư Khánh Hà phối hợp hỗ trợ công tác bảo vệ, đóng và mở cửa ra vào khu di tích, cung cấp hệ thống điện, nước tại biệt thự Vọng Nguyệt trong thời gian trưng dụng làm nơi ở của hai cán bộ lãnh đạo nêu trên.
Khu biệt thự Cầu Đá gồm 5 căn nhà cổ có tên Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, do người Pháp xây năm 1923, theo nghệ thuật kiến trúc cổ điển Pháp, kết hợp hài hòa với nghệ thuật hoa viên.
Khoảng từ năm 1940 - 1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến khu di tích này nghỉ dưỡng, giải trí nên còn có tên gọi là lầu Bảo Đại.
Năm 2005, bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.
Trong đó toàn bộ khu di tích cấp tỉnh tại biệt thự Cầu Đá đều nằm trong ranh giới thuộc di tích Danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.
Bình luận hay