
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 10-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024.
Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực đào tạo
Đại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỉ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên. Với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng, nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài...
Mặc dù vậy, theo đoàn giám sát, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, "tổng công trình sư" trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới.
Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp.
Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.
Đoàn giám sát chỉ rõ cả nước còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Việc phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối, tập trung ở các đô thị lớn. Chất lượng lao động tuy có cải thiện nhưng tốc độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động.
Đối với lao động khu vực ngoài công lập, công tác quản lý người lao động còn hạn chế, hệ thống thông tin thị trường lao động chậm được cập nhật, chưa được kết nối, chia sẻ thông tin.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực gắn với sử dụng hợp lý trí tuệ nhân tạo và các công cụ khoa học công nghệ mới.
Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng.
Chú trọng phát triển các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học uy tín, chất lượng trên thế giới...
Hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập các cấp sau sắp xếp tổ chức, bộ máy. Tiếp tục thực hiện triệt để và có hiệu quả các quy định về tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chính sách, chế độ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: GIA HÂN
Phó thủ tướng: Phải có cơ chế chính sách cho nhân lực chất lượng cao
Tại phiên họp, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng điều quan trọng nhất làm thế nào để sau đợt giám sát có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực tế, chưa quy định thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao - được đánh giá trên bằng cấp hay khả năng thực hành - trình độ chuyên môn. "Vì vậy cần làm rõ khái niệm và phạm vi của nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và có giải pháp", ông Phớc nêu.
Vấn đề quan trọng là làm thế nào để đào tạo và sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phải có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài. Những việc này khi Chính phủ nghiên cứu trình thì cần có sự đồng thuận của Quốc hội.
Để thu hút và sử dụng phải có cơ chế chính sách cho nhân lực chất lượng cao. Thu hút vào cơ quan nhà nước hay cả cho doanh nghiệp, việc này cũng phải làm rõ. Khi thu hút thì chính sách nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt thế nào.
Ví dụ, thu hút vào cơ quan nhà nước có chính sách về biên chế không, họ được vào biên chế ngay hay phải hợp đồng. Những vấn đề này cần phải cân nhắc.
Theo Phó thủ tướng, vừa qua khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương địa phương 2 cấp cho thấy hệ thống, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước còn yếu.
Những người có năng lực lại ra làm doanh nghiệp ngoài vì cơ quan nhà nước trả lương như công chức 5-7 triệu/tháng, không thể thu hút được.
"Trước mắt, với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ trong cơ quan nhà nước, cần có cơ chế đặc thù, ít ra như nghị định 140 về thu hút nhân tài (là) hưởng 200% lương mới giữ được.
Nếu không giữ được, vận hành theo dạng số hóa rất khó khăn và sẽ bị rối", Phó thủ tướng cho hay và nêu rõ khi lập quỹ thu hút nhân tài phải trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp tài trợ, theo dõi sử dụng quỹ và có sự đánh giá.
Bình luận hay