
F1 là thắng lợi lớn đầu tiên của Apple sau 6 năm thua lỗ trong điện ảnh - Ảnh: Apple
F1 có kinh phí 250 triệu USD, thu về 203 triệu USD trong tuần mở màn. Dù chưa hòa vốn nhưng đây là tín hiệu tích cực. Thành công này rất cần thiết cho Apple sau nhiều thương vụ lỗ.
Sau 6 năm lỗ nặng, thắng 'canh bạc' F1
Theo Variety, trong 6 năm bước chân vào ngành công nghiệp điện ảnh, Apple đầu tư vào các phim của những đạo diễn danh tiếng bậc nhất nhưng đều không thành công về thương mại.
Đó là Killers of the Flower Moon của Martin Scorsese với siêu sao Leonardo DiCaprio đóng chính, Napoleon của Ridley Scott. Những thất bại bị chỉ trích nặng nề nhất là Fly me to the Moon và Argylle).
Apple dường như đã cân nhắc lại chiến lược phát hành khi quyết định rút ngắn thời gian chiếu rạp và hủy bỏ phần 2 của Wolfs (2024), một phim tội phạm có Brad Pitt và George Clooney đóng chính, để tránh thất bại quá lớn.
Dù hãng không công khai nhưng có cảm giác F1 là canh bạc lớn cuối cùng mà Apple đầu tư.
Nếu F1 thất bại, Apple có thể sẽ từ bỏ điện ảnh để tập trung vào phim trực tuyến, lĩnh vực họ thành công với các series như Severance và Ted Lasso.
Năm 2023, Apple cam kết chi 1 tỉ USD mỗi năm cho phim chiếu rạp. Tuy nhiên, hãng chưa thực hiện được tham vọng này. Sau phim Highest 2 Lowest của đạo diễn Spike Lee, phát hành tháng 8 vừa qua, Apple hiện không có phim lớn nào khác trong lịch phát hành năm 2025 hoặc 2026.

Wolfs (2024), một phim thất bại của Apple dù có Brad Pitt và George Clooney - Ảnh: IMDb
Một số dự án đang trong giai đoạn sản xuất hoặc phát triển, bao gồm: Mayday - phim phiêu lưu hành động có Ryan Reynolds đóng chính; và một phim về UFO của đạo diễn F1 Joseph Kosinski cùng nhà sản xuất Jerry Bruckheimer.
Theo một số nguồn tin, Apple đang xem xét sản xuất phần hai của F1. Liệu hãng có đẩy mạnh chiến lược chiếu rạp và xây dựng một danh mục phim rạp mạnh mẽ? Hay sẽ chậm lại và chọn lọc hơn, chỉ thực hiện một vài dự án lớn với kinh phí và con người phù hợp?
Trailer phim F1
Apple không nhất thiết phải là Disney thứ hai
Trong bài phân tích, Variety đưa ra các hướng đi sắp tới Apple có thể lựa chọn.
Một là dấn thân toàn lực vào phim chiếu rạp. Tuy nhiên khả năng này không cao trong tương lai gần. Lý do là Apple sẽ phải xây dựng một đội ngũ phân phối thật mạnh nếu danh mục phim lớn, còn nếu chỉ từ 1 đến 3 phim mỗi năm thì không thể.
Giả thiết này cũng có rủi ro rất lớn vì chỉ có 5-6 hãng phim lớn trên thế giới sở hữu mạng lưới phân phối toàn cầu gồm Disney, Universal, Warner Bros... Ngay cả "ông lớn" Amazon MGM cũng hợp tác với Sony để phát hành quốc tế.

CEO Tim Cook nói Apple luôn dồn hết đam mê vào mỗi lĩnh vực mà hãng tham gia - Ảnh: AFP
Hướng hai chính là hướng đi khả thi nhất hiện nay. Đó là Apple làm phim có chọn lọc và không nhất thiết phải trở thành Disney thứ hai.
Hãng chọn kỹ các dự án, chỉ làm việc với các đạo diễn và ngôi sao hàng đầu cho những bộ phim nhất định. Với F1, Apple đã sử dụng công nghệ camera tương tự trong iPhone mới nhất.
Lựa chọn này cho phép Apple kén chọn, đồng thời vẫn là "người tạo ra công cụ" như CEO Tim Cook mô tả.
Rủi ro là không có đội ngũ phân phối, Apple phụ thuộc vào các hãng phim khác (Paramount, Sony, Universal, Warner Bros.) để đưa phim ra rạp. Việc các đối tác không kiếm được lợi nhuận khi phim thất bại có thể phá hỏng mối quan hệ.
Hướng đi thứ ba không quá khả thi, đó là Apple tập trung hoàn toàn vào streaming giống Netflix, chỉ chiếu rạp hạn chế để đủ điều kiện tranh giải thưởng.
Trong quá khứ, Apple thắng lớn ở Oscar với phim CODA, chủ yếu phát hành qua Apple TV+. Nhưng điều này có nghĩa là hãng đi theo dòng phim nghệ thuật tranh giải chứ không phải phim bom tấn thương mại. Rủi ro là các đạo diễn lớn như Christopher Nolan ưu tiên phim chiếu rạp, và màn ảnh rộng giúp Apple khác biệt với Netflix.

CODA mang về cho Apple giải Oscar Phim hay nhất vào năm 2022 - Ảnh: Apple
Hướng đi thứ tư nghe hấp dẫn nhưng không quá khả thi. Đó là Apple mua một hãng phim Hollywood. Trong mấy năm qua, có tin đồn Apple có thể mua Disney, Lionsgate hay Warner Bros. Với 30 tỉ USD dự trữ tiền mặt của Apple, điều này không nằm ngoài khả năng.
Nhưng việc mua lại không phù hợp với tinh thần của Apple, theo CEO Tim Cook từng nói với Variety. Ngành điện ảnh tồn tại nhiều khía cạnh lạc hậu mà Apple không muốn gánh vác.
Bình luận hay