15/01/2022 09:05 GMT+7
Trở lại chủ đề

Tết cho trẻ em mồ côi do COVID-19: Sống trong hơi ấm tình thân

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - 'Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì' - đó là câu chuyện của nhiều trẻ mồ côi cha, mẹ trong đợt đại dịch COVID-19.

Tết cho trẻ em mồ côi do COVID-19: Sống trong hơi ấm tình thân - Ảnh 1.

Bé Khoai Tây và người dì ruột mà cô bé thường gọi là mẹ Ba - người mẹ thứ hai của cô bé - Ảnh: VŨ THỦY

Mất đi cha mẹ, những đứa trẻ vẫn có một mái ấm mà nơi đó có vòng tay yêu thương của người dì, người bác thay cha, thay mẹ đùm bọc, chở che.

Hai đứa nhỏ đã thiệt thòi vì mất cha, giờ lại mất mẹ nên có thế nào cũng cố gắng nuôi nấng, lo cho cháu học hành.

Chị Dương Thị Cúc (51 tuổi, bác ruột của bé Phát)

Cháu tui chỉ có một người dì

Hơn 5h chiều, vừa tan ca làm ở một nhà máy, chị Thân Thị Ngọc Thơ (38 tuổi) tất tả đi đón hai đứa trẻ ở một điểm giữ trẻ về căn nhà trọ nằm trong một căn hẻm nhỏ ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM. Hai đứa trẻ, đứa lớn 8 tuổi là con gái ruột của chị, đứa nhỏ mới gần 5 tuổi là con gái của người chị gái đã mất vì COVID-19.

Cửa vừa mở, hai đứa trẻ ào vào nhà, leo lên gác mở tivi. Đã gần 5 tuổi nhưng Khoai Tây - tên cô cháu gái của chị Thơ - vẫn còn bú bình. Lấy hộp sữa tươi, chị đổ sữa vào bình rồi ra sức dỗ dành, cô cháu gái bỗng nhiên rụt rè hẳn khi có người lạ đến thăm nhà. Cô bé Khoai Tây mũm mĩm, trắng trẻo với đôi mắt to tròn mà chị Thơ tả là "giống hệt mẹ nó". "Mẹ nó chiều nó lắm, cho bú bình tới tận tuổi này mà không cai cho nó. Giờ mình cũng phải theo vậy thôi" - chị bảo.

Dù thu nhập ít ỏi nhưng căn nhà chị chọn thuê "để đón bé Khoai Tây về nuôi" cũng khá khang trang. Chỉ những bức thư pháp khéo léo treo đầy trên tường, chị Thơ bảo: "Thư pháp này là mẹ Khoai Tây viết, tui mới chuyển từ nhà trọ cũ của hai mẹ con đem về treo. Chị ấy là mẹ đơn thân, nên khi mất bé chẳng còn người thân thích".

Trước đó thì chị Thơ và con nhỏ ở nhà chồng, nhưng không thể đem cháu về nhà chồng được nên đành ra ngoài thuê phòng trọ nuôi cháu.

"Sức khỏe của tôi không tốt, con lại còn nhỏ, thu nhập công nhân cũng không dư dả gì. Mấy anh chị ngoài phường biết hoàn cảnh vậy nên có gợi ý đưa cháu vào mái ấm nhưng nghĩ không đành lòng. Mình khó khăn thật nhưng cháu chỉ có một người dì" - chị kể.

Những kỷ niệm ngày chị gái còn sống khiến chị rơi nước mắt: "Cuộc sống khó khăn nên ai cũng lo làm. Ngày thường hai chị em ít dịp gặp, nhưng hễ tui bệnh ở đâu chị cũng ghé vào, đưa đi khám bệnh, đưa bé con về chăm sóc. Mùa dịch không có điều kiện thăm nom, đến lúc chị bệnh lại không muốn mình lo".

Sau khi chuyển ra ở trọ, mẹ ruột chị Thơ hằng ngày đi làm tạp vụ tận quận 1 cũng dọn về ở cùng để phụ chăm sóc hai bé. Sáng chị Thơ đưa hai đứa đi gửi trẻ rồi vòng ngược lại chở mẹ ra bến xe buýt, sau đó thì vào nhà máy làm. Chiều đi đón hai đứa bé về nhà rồi chạy lượt nữa đi đón mẹ. Thế nhưng nỗi vất vả ấy cũng không khó khăn bằng việc dỗ dành đứa cháu gái.

"Khoai Tây không biết mẹ nó mất. Tối qua mình la nó một tiếng, nó tủi thân. Ngày nào nó cũng hỏi mẹ con nằm bệnh viện lâu quá rồi sao chưa về. Nó còn nhỏ quá nên tui chưa biết nói sao. Đợi nó bớt nhớ mẹ, quên đi chút, hiểu chuyện hơn chút rồi mình từ từ nói" - chị Thơ bảo.

Lúc chuyển ra ở trọ đến giờ, bé Ngọc Ngân (8 tuổi, con gái chị) có bạn chơi cùng nhưng cũng phải chịu thiệt thòi ít nhiều. Trước đây hai bé thường gặp nhau tuần một lần, giờ về ở hẳn với nhau.

"Hồi ở nhà chồng, bé chỉ có một mình, giờ có thêm em thì phải nhường em, mẹ cũng phải chăm em nhiều hơn. Chăm em bé nhiều quá thì bé chị tủi thân. Nhưng bé chị cũng hiểu, cũng thương em lắm" - chị kể.

Hỏi về mong ước, chị Thơ bảo giờ chỉ mong có đủ sức khỏe để lo cho con, cho cháu gái. "Tôi chỉ sợ mình bệnh, mình đau không lo được cho hai đứa. Cũng hay chóng mặt nên mấy tháng nay phải mua thuốc bổ não về uống, chứ cũng không dám lơ là" - chị chia sẻ.

Phải lo cho cháu học hành

Hai tháng nay, hai chị em cậu học trò Dương Tấn Phát (14 tuổi, học sinh lớp 8) cũng chuyển đến ở với gia đình người bác ruột sau khi mẹ mất vì COVID-19. "Ba nó mất cách đó hơn 3 năm, rồi giờ mất mẹ. Để hai đứa bơ vơ vậy đâu có nỡ. Nó cũng là máu mủ ruột rà của mình, nên phải thay cha mẹ nó nuôi nấng chứ" - chị Dương Thị Cúc (51 tuổi), người bác ruột của Phát, chia sẻ.

Trước đó 3 mẹ con Phát thuê trọ một nơi, gia đình chị Cúc thuê trọ một nơi. "Nhà trọ cũ chật chội, sinh hoạt khó khăn nên cả nhà quyết định đi tìm thuê căn nhà trọ rộng hơn để đón hai đứa cháu về ở. Hằng ngày tôi lo cơm nước, đưa cháu đi học. Lúc nào tôi bận thì con trai, con dâu tôi phụ đưa rước" - chị Cúc kể.

Trong căn nhà trọ mới thuê ở quận Tân Bình, đồ đạc của cả nhà vẫn chưa sắp xếp lại. Phát và người chị gái ở cùng với chị Cúc và vợ chồng con trai chị.

"Vợ chồng con trai tôi có con nhỏ mới chừng 20 tháng tuổi nên giờ tôi ở nhà trông cháu. Thu nhập chính giờ là con trai và con dâu tôi. Nó làm bảo vệ, chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm lúc rảnh, vợ làm ở trường mầm non. Mùa dịch khó khăn nhưng cả nhà cùng cố gắng để cưu mang các cháu" - chị Cúc bảo.

Nhắc về người em dâu đã mất, chị Cúc rơm rớm nước mắt. "Chồng mất, em một mình tất tả nuôi hai đứa con vất vả lắm. Lúc đó mình cũng đâu phụ giúp được gì nên nghĩ lại thấy thương em quá. Hai đứa nhỏ đã thiệt thòi vì mất cha, giờ lại mất mẹ nên có thế nào cũng cố gắng nuôi nấng, lo cho cháu học hành" - chị Cúc tâm sự.

Mấy ngày nay Phát tập trung ôn thi, ngày nào cũng học đến khuya. "Chúng tôi cũng động viên cháu học hành. Cháu muốn học đến đâu, cô dì chú bác sẽ xúm lại ráng lo cho cháu học. Chị gái cháu Phát mắc bệnh từ nhỏ, cả sức khỏe lẫn việc học đều không được như những đứa trẻ bình thường khác nên cũng mong cháu Phát cố gắng học hành, sau này có công việc ổn định thì cũng phần nào làm chỗ dựa cho chị gái cháu" - chị Cúc chia sẻ thêm.

Chị bảo đợi cháu nội lớn gửi trẻ được thì chị cũng tìm việc làm lụng để có thêm thu nhập nuôi các cháu.

Quà Tết cho trẻ mồ côi vì COVID-19

thuy tien1

Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Hôm nay (15-1), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tổ chức sự kiện trao quà Tết cho 200 trẻ mồ côi vì COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn tại Khu du lịch Tân Cảng, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Mỗi phần quà gồm 2,5 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều phần quà thiết thực do các nhà hảo tâm gửi tặng.

Chương trình nhận được sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn BIN Corporation Group, Tập đoàn VsetGroup, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây (BITEX), Tập đoàn Greenfeed Việt Nam, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco, Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT, Công ty bất động sản Tiến Phước, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam, Đường sách TP.HCM, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NUTIFOOD, hệ thống rạp chiếu phim Cinestar, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist Group, Công ty cổ phần quảng cáo thương mại Sen Vàng.

Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

BÍCH HƯỜNG

Hơn 100 tỉ đồng dành cho trẻ em mồ côi, khó khăn

TTO - Tối 9-1, chương trình "Mùa xuân cho em" lần thứ 15 đã nhận được hơn 100 tỉ đồng ủng hộ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để chăm lo cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Văn minh ở cây xăng

Người ta vẫn nói chỉ cần quan sát những hành xử nhỏ trong các tình huống đời sống của một người, bạn sẽ phần nào cảm nhận được nền tảng văn hóa cũng như nhân cách của người đó. Chẳng hạn như chuyện bạn làm gì khi đợi mua xăng.

Văn minh ở cây xăng

Bát cháo tự tâm lan tỏa lòng nhân ái

Hơn 10 năm nay, cụ Chu Thị Lương (81 tuổi, ngụ thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng những người bạn trong nhóm thiện nguyện đã nấu hàng ngàn suất cháo, trao đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh.

Bát cháo tự tâm lan tỏa lòng nhân ái

Tiếp sức cho Mùa thi hạnh phúc 2025

Chương trình Tiếp sức mùa thi 2025 chính thức khởi động với thông điệp 'Mùa thi hạnh phúc', mở rộng hoạt động trên 63 tỉnh thành cả nước.

Tiếp sức cho Mùa thi hạnh phúc 2025

Sẵn sàng là công dân thành phố 2045

Ngày 11-5, 150 đại biểu trẻ em là học sinh tiểu học và THCS tham gia kỳ họp Hội đồng Trẻ em TP.HCM đã thảo luận nhiều vấn đề, cũng để chuẩn bị cho chương trình lãnh đạo TP gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi sắp tới.

Sẵn sàng là công dân thành phố 2045

Một học sinh lớp 12 nhận điện thoại lừa ra khỏi nhà, yêu cầu gia đình chuyển 250 triệu

Công an Quảng Ninh đã ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo gia đình học sinh lớp 12 số tiền 250 triệu đồng.

Một học sinh lớp 12 nhận điện thoại lừa ra khỏi nhà, yêu cầu gia đình chuyển 250 triệu

Thanh niên mướt mồ hôi vớt 20 tấn rác dồn ứ trên kênh Hy Vọng

Sau cơn mưa lớn đầu mùa, đủ loại rác trôi theo dòng nước dồn ứ tại khu vực cống hộp trên kênh Hy Vọng, quận Tân Bình, TP.HCM. Ngày 11-5, các tình nguyện viên cùng với lực lượng chức năng đã dọn khoảng 20 tấn rác và gắn phao chắn rác ở khu vực trên.

Thanh niên mướt mồ hôi vớt 20 tấn rác dồn ứ trên kênh Hy Vọng
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar