23/07/2025 10:33 GMT+7
Trở lại chủ đề

Sửa thuế thu nhập cá nhân: Phải tính đường dài

Sau 17 năm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân, lần đầu tiên Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc nhằm giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, các chi phí y tế và giáo dục sẽ được giảm trừ trước khi tính thuế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC), biểu thuế lũy tiến từng phần là yếu tố quan trọng nhằm điều tiết mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp nên phương án sửa đổi như thế nào là điều mà người nộp thuế, chuyên gia rất quan tâm.

Giãn các bậc tính thuế nhưng chưa nhiều

Tại dự thảo luật, Bộ Tài chính đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần với 2 phương án và đều còn 5 bậc thay vì 7 bậc như hiện hành, đồng thời nới khoảng cách giữa các bậc. Theo Bộ Tài chính, việc thu hẹp số bậc thuế sẽ đơn giản trong quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho kê khai và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành gồm 7 bậc, khoảng cách thu nhập tính thuế giữa các bậc quá dày dẫn đến mức điều tiết thuế tăng nhanh ở các bậc thuế sau. Chẳng hạn, chỉ cần thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đã rơi vào bậc 2 với thuế suất 15%. Nếu thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng là rơi vào bậc 4 với thuế suất 20%, trên 32 triệu đồng là bậc 5 với thuế suất 25%...

Với phương án 1 theo đề xuất của dự thảo luật, mức điều tiết ở 3 bậc đầu đã giãn hơn, nhưng mức điều tiết với những người có thu nhập tính thuế từ trên 50 triệu đồng gần như không thay đổi. Phương án 2 giảm thuế nhiều hơn cho thu nhập tính thuế trên 50 triệu đồng.

Bộ Tài chính cũng đề xuất giao Chính phủ quy định mức GTGC để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế các khoản chi cho y tế, giáo dục và đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thành viên ban soạn thảo dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế, cho biết tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội và định hướng chính sách thuế của từng nước mà quy định phần thu nhập tính thuế và mức thuế tương ứng. Hầu hết ở các nước, số bậc thuế dao động từ 5 - 13 bậc, đáng chú ý như Singapore có số bậc thuế nhiều nhất là 13 bậc.

Việc giảm số bậc thuế và nâng mức GTGC sẽ giúp người nộp thuế giảm số tiền thuế phải nộp. Đơn cử cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng. Với thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng...

"Phần thu nhập tính thuế được hiểu là thu nhập này đã được trừ các khoản như GTGC cho bản thân người nộp thuế, cho người phụ thuộc (nếu có), bảo hiểm... Một nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính đề xuất là được giảm trừ chi phí y tế và giáo dục trước khi tính thuế", đại diện phía Bộ Tài chính thông tin.

thu nhập cá nhân - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Tài chính - Dữ liệu: Lê Thanh - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đánh thuế cao

Bình luận về biểu thuế lũy tiến và phần thu nhập tính thuế từng bậc của Việt Nam, bà Vũ Thu Hà - phó tổng giám đốc, dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam - cho rằng Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia đánh thuế TNCN cao so với khu vực Đông Nam Á. 

Cụ thể, thuế suất tối đa của Việt Nam là 35%, tương đương với Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, mức thuế suất cao nhất của Singapore là 24%, Malaysia và Myanmar là 30%.

Trong khi đó, mức thu nhập tính thuế tại từng bậc thuế lại đang ở mức khá thấp so với khu vực, duy trì suốt hơn 15 năm qua. Với lộ trình dự thảo Luật Thuế TNCN sẽ được ban hành và áp dụng vào năm 2026 (sau 17 năm áp dụng Luật Thuế TNCN, tính từ năm 2007), cộng với sự gia tăng trong mức thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân và các chỉ số giá tiêu dùng, có thể nhận thấy mức thu nhập chịu thuế đã lạc hậu, ít hỗ trợ cho lực lượng lao động.

"Biểu thuế cần được thiết kế lại theo hướng điều chỉnh hợp lý mức chênh lệch giữa các ngưỡng chịu thuế và thuế suất để đảm bảo công bằng. Việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng "nhảy bậc" - khi thu nhập chỉ tăng nhẹ nhưng người nộp thuế đã bị chuyển sang bậc thuế cao hơn với mức thuế suất chênh lệch lớn - gây ra sự bất hợp lý giữa những người có mức thu nhập gần nhau", bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, việc giảm các bậc thuế sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng thuế cho nhóm người nộp thuế thuộc các bậc thấp, đặc biệt là ở ba bậc đầu tiên - vốn chủ yếu là những cá nhân có thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản.

Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nên bỏ bậc thuế 35% - là bậc cao nhất nhằm khuyến khích người nộp thuế có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động, sản xuất kinh doanh để có thêm thu nhập. Đồng thời nên cải tiến bậc thuế lũy tiến từng phần theo hướng "thoáng" hơn, chỉ nên còn 4 bậc là 5 - 10 - 20 - 30%.

Song song đó nên kéo giãn các bậc còn lại, cụ thể: áp dụng thuế suất 5% cho thu nhập tính thuế đến 20 triệu đồng, mức thuế suất 10% áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 20 - 40 triệu đồng, mức thuế suất 20% áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 40 - 80 triệu đồng. Mức 30% áp dụng cho thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng.

"Việc điều chỉnh này để tương thích với các nước trong khu vực, giảm bớt nghĩa vụ đối với người nộp thuế, khuyến khích người nộp thuế lao động sáng tạo có thu nhập cao, làm giàu chính đáng đồng thời thu hút những chuyên gia nước ngoài có trình độ, kỹ thuật cao vào làm việc tại Việt Nam", ông Xoa nói.

Đừng để vừa áp dụng đã lạc hậu

Từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN đến nay đã có hai lần tăng mức GTGC nhưng số thu từ thuế TNCN liên tục tăng qua các năm. Do vậy theo ông Xoa, nên tăng mức GTGC cho người nộp thuế lên mức 18 - 20 triệu đồng/tháng vì mức 15,5 triệu đồng/tháng vẫn còn quá thấp.

"Việc điều chỉnh này là tính cho thời gian tới chứ không phải cho giai đoạn vừa qua, do vậy cần nâng mức GTGC để tránh việc vừa áp dụng đã lạc hậu", ông Xoa kiến nghị. Cũng theo ông Xoa, những năm vừa qua, doanh nghiệp đã được hưởng nhiều chính sách khuyến khích như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế suất, gia hạn nộp thuế, mới nhất theo nghị quyết 198, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp ba năm đầu.

Cơ quan chức năng cũng đang đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi 15% với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng và áp dụng thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng... "Do vậy, cần có chính sách khuyến khích người làm công ăn lương để giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay", ông Xoa nói.

thu nhập cá nhân - Ảnh 3.

Trong khi giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu ngày càng leo thang, mức giảm trừ gia cảnh lại chậm được điều chỉnh - Ảnh: T.T.D.

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (TP.HCM):

Áp dụng ngay mức khởi điểm chịu thuế mới

Sửa thuế thu nhập cá nhân: Phải tính đường dài - Ảnh 2.

Mức GTGC được duy trì từ năm 2020 đến nay, trong khi rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá mạnh trong 5 năm qua, thậm chí có những hàng hóa còn tăng nhanh hơn thu nhập. Thêm vào đó, thu nhập trung bình của người dân trong 5 năm qua cũng đã tăng cao. Từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 30% và lương tối thiểu vùng cũng tăng qua các năm.

Trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri đã lên tiếng đề nghị phải sớm điều chỉnh mức GTGC để phù hợp với thực tiễn. Do vậy, việc sớm điều chỉnh mức GTGC là yêu cầu cấp thiết, cần thực hiện ngay.

Tuy vậy, so với thực tiễn việc điều chỉnh mức GTGC này đã chậm hơn, chưa đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án và đề xuất áp dụng mức GTGC từ kỳ tính thuế 2026 là chưa phù hợp. Bởi nếu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cũng phải còn vài tháng mới đến kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2025.

Vì thế, nên áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025 chứ không nên chờ đến kỳ tính thuế năm 2026. Làm như vậy, người nộp thuế sẽ phải chờ đợi dài hơn. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Thuế TNCN thay thế, trong đó đề xuất giao Chính phủ quy định mức GTGC phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Đề xuất này là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Một nội dung khác, Bộ Tài chính đề xuất giảm số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống 5 bậc và nới khoảng thu nhập ở từng bậc, khởi điểm thu nhập tính thuế là 10 triệu đồng/tháng với mức thuế là 5%.

So với luật hiện hành, mức khởi điểm đã cao hơn nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được thực tiễn cuộc sống, nhất là với mức thu nhập của người dân, cuộc sống ở các đô thị lớn. Do vậy, theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu để nâng mức khởi điểm lên phù hợp, đồng thời xem xét nới rộng khoảng thu nhập ở từng bậc ra cao hơn.

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):

Bổ sung các khoản chi thực tế để trừ thuế

Sửa thuế thu nhập cá nhân: Phải tính đường dài - Ảnh 2.

Về nguyên tắc, thuế TNCN không chỉ là công cụ tạo nguồn thu cho ngân sách mà còn là cách Nhà nước điều tiết thu nhập theo hướng công bằng.

Trong đó, ai có nhiều đóng nhiều, ai ít đóng ít. Nhưng muốn công bằng, trước tiên phải tính đúng. Trong khi đó, mức sống giữa các địa phương, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn so với các vùng khác rất chênh lệch.

Giá thuê nhà, chi phí y tế, học hành, chi phí sinh hoạt khác... ở đô thị lớn đều cao gấp nhiều lần so với nông thôn hay các tỉnh miền núi.

Thế nhưng, mức GTGC với người ở thành phố lớn và người ở miền núi vẫn như nhau là không hợp lý. Do đó, cần dựa vào lương tối thiểu vùng được điều chỉnh cơ bản theo hằng năm để xác định mức GTGC.

Có thể lấy 4 lần mức lương tối thiểu vùng làm mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và 2 lần cho mỗi người phụ thuộc... Như vậy, người lao động ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao sẽ được giảm trừ thuế thu nhập nhiều hơn.

Nếu áp dụng, chính sách thuế sẽ tiệm cận hơn với thực tế cuộc sống, giảm gánh nặng không đáng có cho người dân. Ngoài ra, tại dự thảo luật đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã đề xuất thu gọn biểu thuế từ 7 bậc còn 5 bậc và nới rộng khoảng cách giữa các bậc là phù hợp.

Nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo phù hợp, thể hiện rõ ràng hơn nguyên tắc người thu nhập cao hơn phải nộp thuế cao hơn.

Cùng với đó, nên bổ sung thêm các khoản chi thực tế được trừ khi tính thuế, như chi phí học hành, y tế, bảo hiểm, lãi vay mua nhà... Đây là các khoản gắn trực tiếp đến an sinh xã hội và chất lượng sống của người dân.

Nếu cho phép khấu trừ sẽ vừa giảm gánh nặng thuế, vừa khuyến khích chi tiêu cho giáo dục, y tế - những lĩnh vực Nhà nước cũng đang ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, không nên đợi chỉ số giá (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC.

Trong thực tế, CPI được tính trung bình tới 752 mặt hàng, trong khi người lao động chủ yếu chi tiêu cho vài chục mặt hàng thiết yếu. Do đó, cách tính này dễ gây chậm trễ, thậm chí lạc hậu.

Thay vào đó, nên xây dựng một cơ chế định kỳ - ví dụ hai năm rà soát một lần - để điều chỉnh các mức giảm trừ, đảm bảo chính sách thuế luôn theo kịp đời sống thực tế. Đồng thời, giao cho Chính phủ được quyền điều chỉnh để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh: Phải áp mức cao hơn ngay năm nay

Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Ông Trump: Mỹ áp thuế 15% với Nhật

Tổng thống Mỹ tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại với Nhật Bản khi Tokyo cam kết đầu tư 550 tỉ USD để đổi lấy mức thuế quan 15%.

Ông Trump: Mỹ áp thuế 15% với Nhật

Thủ tướng chỉ đạo sớm ký MOU giữa Abu Dhabi (UAE) với Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

Chiều tối 22-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng chỉ đạo sớm ký MOU giữa Abu Dhabi (UAE) với Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

Khánh Hòa cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu quả

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, tỉnh sẽ gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết các kiến nghị và công khai, cam kết tiến độ xử lý đảm bảo minh bạch, hiệu quả, thực chất.

Khánh Hòa cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu quả

Tập đoàn Sumitomo muốn dự án TP thông minh Bắc Hà Nội thành biểu tượng Việt Nam - Nhật Bản

Chiều 22-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yukihito Honda, tổng giám đốc điều hành khối phát triển đô thị đa dạng của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Tập đoàn Sumitomo muốn dự án TP thông minh Bắc Hà Nội thành biểu tượng Việt Nam - Nhật Bản

Cần xem 5G là hạ tầng chiến lược cho AI

Nhiều mô hình đã được triển khai thành công tại một số quốc gia về tác động của 5G và AI đối với nền kinh tế.

Cần xem 5G là hạ tầng chiến lược cho AI

Giá hồ tiêu nội địa giảm nhẹ, giá thế giới diễn biến trái chiều

Giá hồ tiêu nội địa hôm nay quay đầu giảm, trong khi giá thế giới tăng giảm trái chiều. Giá hồ tiêu nhiều tháng qua tăng giảm xen kẽ nhưng nhìn chung vẫn không có biến động lớn và chưa bật tăng như nhận định của nhiều doanh nghiệp.

Giá hồ tiêu nội địa giảm nhẹ, giá thế giới diễn biến trái chiều
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar