
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 19-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân.
Ở đâu có điều tra, tố tụng, ở đó có hoạt động của viện kiểm sát
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) cho biết viện kiểm sát, theo sửa đổi, gồm 3 cấp: tối cao, tỉnh và khu vực. Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đồng nghĩa ở đâu có hoạt động điều tra, ở đâu có hoạt động tố tụng của tòa án, ở đó có hoạt động của viện kiểm sát.
Tờ trình Tòa án nhân dân tối cao cho thấy thẩm quyền tòa án nhân dân khu vực tăng mạnh, dẫn đến trách nhiệm rất nặng nề của viện kiểm sát khu vực trên nhiều lĩnh vực: hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, phá sản và sở hữu trí tuệ.
"Có những việc trước đây, ví dụ như tòa kinh tế, án hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản..., viện kiểm sát khu vực chưa từng làm, nay đã được tòa án khu vực kiểm sát.
Do vậy ngành kiểm sát cần quan tâm đến việc tính toán, bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức cán bộ (điều động, luân chuyển, biệt phái) để viện kiểm sát khu vực thực hiện chức năng, nhiệm vụ", ông Sang nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Huế) cho hay Luật Tổ chức tòa án hiện hành chỉ còn thẩm phán tòa án, trước đây thẩm phán sơ cấp chuyển hóa thành thẩm phán tòa án, nay kiểm sát viên sơ cấp mà chuyển qua kiểm sát viên cũng đồng bộ với tòa án.
"Ngày mai (20-5), Quốc hội sẽ nghe trình bày về Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và sẽ giao cho công an cấp xã có quyền điều tra và đề nghị khởi tố điều tra, truy tố những loại tội phạm từ 7 năm trở xuống, như vậy ở cấp xã sẽ có cả điều tra viên trung cấp và có thể có cả điều tra cao cấp", ông Hải nêu.
Đại biểu cũng cho hay dự thảo đã giao cho cấp khu vực giải quyết tất cả các loại án dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính, phá sản và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy cần đào tạo đội ngũ kiểm sát viên và thẩm phán ở khu vực, vì khu vực là nhập của các huyện và các đội ngũ của cấp huyện sẽ trở thành khu vực, nên cần phải nâng cao trình độ đào tạo để cho đội ngũ này đáp ứng yêu cầu của công việc.
Đã trình phạm vi, địa hạt tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) - Ảnh: GIA HÂN
Giải trình sau đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy của các viện kiểm sát cấp huyện, thành lập viện kiểm sát khu vực rất cấp bách, Quốc hội sẽ xem xét thông qua trong kỳ họp này.
Ông Tiến cho rằng bên cạnh việc tổ chức hoạt động, viện kiểm sát cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể viện kiểm sát cấp cao sẽ chuyển một phần giám đốc thẩm, tái thẩm, phúc thẩm án tỉnh lên viện kiểm sát tối cao.
Tăng thẩm quyền tòa án, viện kiểm sát khu vực để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự, hành chính tại chỗ. Chỉ riêng án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang cân nhắc trong đề án báo cáo Trung ương để viện kiểm sát khu vực giải quyết các án hình sự (trừ một số án thuộc Ban Chỉ đạo) đến 20 năm.
Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền tư pháp, thi hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Hiện nay, cơ quan điều tra hai cấp (tỉnh/trung ương) phân công điều tra viên (trưởng/phó trưởng công an xã trở lên) phụ trách vụ án đến 7 năm tù.
Ngoài ra, hoạt động tổ chức thi hành án ở địa phương cấp xã tới đây cũng như hoạt động giam giữ, tạm giam, tạm giữ, thi hành án hình sự tập trung cho khu vực.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho rằng việc phân định thẩm quyền cảnh sát khu vực (được nhiều đại biểu quan tâm) rất quan trọng; phạm vi, địa hạt đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thay vì khái niệm lãnh thổ (trước đây là tỉnh, huyện, xã), nay dùng “địa hạt tư pháp” do tổ chức chính quyền cơ sở 2 cấp. Phân định địa hạt tư pháp cần tuân thủ luật tố tụng.
"Chúng tôi đã sẵn sàng trình 355 khu vực, bao gồm số thứ tự và số địa hạt xã mới.
Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và đã trình, tới đây Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua địa hạt tư pháp để các phần tố tụng thực hiện theo đề án này.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu chúng tôi sẽ dùng từ gì đấy trong dự thảo luật, hai bên sẽ phải thống nhất với nhau và sẽ bàn tiếp để tới đây có thể bổ sung thêm cho rõ", ông Tiến nói thêm.
Theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, việc đề xuất tăng số lượng kiểm sát viên tối cao cần cân nhắc vì hiện đang tinh giản biên chế. Tuy tinh giản là chủ trương chung, nhưng việc tăng giảm phải tùy từng trường hợp, ưu tiên giảm mạnh, trừ trường hợp đặc biệt như số lượng kiểm sát viên tối cao.
Bởi theo ông Tiến, kiểm sát viên cao cấp không thể ngồi Hội đồng thẩm phán. Mặt khác, việc trả lời đơn khó khăn vì cần nghiên cứu hồ sơ vụ án, nên cần thêm kiểm sát viên tối cao để xử lý lượng đơn lớn hiện nay.
"Hằng năm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết gần 1.000 vụ giám đốc thẩm, tái thẩm và nhiều đơn khác. Việc phân bổ, nghiên cứu, thẩm định và trả lời đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi số vụ việc xét xử ít, chưa kể gần 20.000 vụ tập trung chủ yếu tại Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tối cao. Để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo tỉ lệ theo nghị quyết Trung ương, chúng tôi đề nghị Quốc hội chia sẻ và ủng hộ", ông Tiến nêu.
Bình luận hay