
Ông Trump ra dấu khi chuẩn bị lên chuyên cơ Air Force One để tới New Jersey hôm 23-5 - Ảnh: REUTERS
Hàng chục nhân viên thuộc Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Nhà Trắng đã bị sa thải đột ngột vào ngày 23-5, khi chính quyền Tổng thống Trump đang tiến hành cắt giảm mạnh cơ quan điều phối này, các nguồn tin am hiểu về sự việc cho biết.
Thay đổi nhân sự dưới quyền ngoại trưởng Mỹ
Đợt sa thải này diễn ra dưới quyền tân Cố vấn an ninh quốc gia Marco Rubio, người đồng thời đang giữ chức ngoại trưởng Mỹ. Ông được bổ nhiệm vào vị trí này đầu tháng 5, sau khi người tiền nhiệm Mike Waltz bị buộc phải rời chức vì nhiều sai sót.
Theo báo Washington Post ngày 24-5, đợt tái cấu trúc này phản ánh bước đi quyết liệt của chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ hai nhằm thu hẹp vai trò của NSC, vốn đã bị xem là "phình to" quá mức dưới các đời tổng thống trước.
Quy mô nhân sự của NSC dự kiến sẽ được cắt giảm xuống chỉ còn vài chục người. Hãng tin Reuters trích dẫn bốn nguồn tin am hiểu về kế hoạch này cho biết họ dự kiến số lượng nhân sự cuối cùng tại NSC sẽ vào khoảng 50 người.
Những nhân viên bị cho thôi việc bao gồm cả viên chức chuyên môn được điều động từ các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo, lẫn các nhân sự được bổ nhiệm theo diện chính trị. Phần lớn trong số họ dự kiến sẽ trở lại cơ quan chủ quản.
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận các đợt cắt giảm đã được thực hiện, đồng thời thông báo hai phó cố vấn an ninh quốc gia mới được bổ nhiệm: Andy Baker (cựu cố vấn của Phó tổng thống JD Vance) và Robert Gabriel (cố vấn chính sách của ông Trump).

Ông Mike Waltz đã bị buộc thôi chức sau bê bối thêm nhầm phóng viên vào nhóm chat và để lộ thông tin mật - Ảnh: REUTERS
Cố gắng thu hẹp quyền lực NSC?
Việc cắt giảm nhân sự tại NSC được đánh giá là không quá bất ngờ với những người theo dõi nội tình trong chính quyền Tổng thống Trump. Ngay sau khi ông Waltz rời chức, nhiều tín hiệu cho thấy Nhà Trắng đang hướng tới mô hình NSC tinh gọn hơn.
"NSC không phải là một viện nghiên cứu hay một bộ phận thay thế cho các cơ quan chính phủ", ông Alexander Gray, cựu chánh văn phòng NSC dưới thời ông Trump nhiệm kỳ đầu, phát biểu vào tuần trước. "Nhiệm vụ của nó là điều phối và thực thi công việc xuất phát từ các cơ quan chức năng, đồng thời đảm bảo quyết định của tổng thống được thực hiện".
Theo các cựu quan chức NSC, mô hình NSC dưới thời cựu tổng thống Obama và Biden đã phát triển tới hơn 300-400 nhân sự, khiến Nhà Trắng dễ rơi vào tình trạng "siêu quản lý" chính sách thay vì điều phối và hỗ trợ.
Việc để NSC đóng vai trò trung tâm trong quy trình hoạch định chính sách của hai cựu tổng thống Đảng Dân chủ được xem là "trái ngược với mọi mô hình NSC hiệu quả trong lịch sử".
Một cựu quan chức cao cấp của NSC nhận định rằng đợt cắt giảm lần này phản ánh nỗi lo ngại sâu sắc của ông Trump về việc NSC có thể trở thành một "nhà nước ngầm", gây cản trở quyền lực tổng thống.
"Mục tiêu của đợt cắt giảm này là đảm bảo không còn bất kỳ lựa chọn thay thế hay rào cản nào đối với quyền tự quyết của tổng thống", người này nói.
Trong nhiệm kỳ đầu, các xung đột nội bộ tại NSC là một nét đặc trưng, dẫn đến việc nhân sự thường xuyên bị thay đổi. Ông Trump từng có bốn cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu, trong đó ông John Bolton - người giữ chức lâu nhất - và hiện đã trở thành một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất chính sách đối ngoại của vị tổng thống.
Bình luận hay