
Một siêu thị tại Paris, Pháp - Ảnh: NEW YORK TIMES
Ngày 23-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế 50% với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-6. Đây là động thái mới nhất trong chuỗi những thay đổi bất ngờ về chính sách thương mại của Washington.
50% là cao hơn gấp đôi so với mức thuế đối ứng 20% mà ông Trump áp lên EU hồi tháng 4, trước khi tạm dừng để tiến hành đàm phán.
Chưa rõ đây là chiến thuật đàm phán, một lời đe dọa nghiêm túc hay chỉ là một cơn giận dữ. Song các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu ông Trump thực sự áp thuế 50%, nền kinh tế Mỹ, châu Âu và toàn cầu sẽ phải hứng chịu hậu quả rất nghiêm tọng.
Hậu quả thảm khốc với nền kinh tế
Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Ngân hàng ING (Hà Lan), cảnh báo mức thuế này có thể dẫn đến tình trạng lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng chậm tại Mỹ. Trong khi đó, châu Âu có thể bị đẩy vào suy thoái và tăng trưởng toàn cầu sẽ sụt giảm.
Nhà nghiên cứu thương mại Julian Hinz từ Viện Kinh tế thế giới Kiel tính toán rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 1,5%.
Còn theo tính toán của Capital Economics, nếu ông Trump thực sự áp thuế 50% vào ngày 1-6, Ireland - nước châu Âu có quan hệ thương mại lớn nhất với Mỹ - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với GDP sụt giảm 4%.
GDP Đức dự kiến sụt giảm 1,5%, Ý giảm 1,2%, Pháp giảm 0,75% và Tây Ban Nha giảm 0,5%.
Nhà kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics cho rằng mức tăng thuế quan, lời đe dọa bất ngờ và quy mô thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của Mỹ đang làm các thị trường tài chính rơi vào bất ổn. Một tuần trước đó, Moody's đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do lo ngại về khoản nợ ngày càng tăng của nước này.
"Tất cả những điều này cho thấy mối lo ngại định hướng chính sách của Mỹ hiện đang thiếu độ tin cậy", ông Shearing nói.
Nhiều công ty cũng đang điều chỉnh lại đánh giá về mức độ rủi ro khi đầu tư vào Mỹ. Theo giáo sư kinh tế danh dự Đại học Syracuse, bà Mary E. Lovely, đây là dấu hiệu cho thấy sự bất định đang làm giảm sức hút đầu tư vào Mỹ.
"Một trong những mục tiêu lớn của tổng thống là tăng đầu tư. Nhưng ai lại muốn đặt nhà máy ở đây khi tổng thống có thể bất ngờ áp thuế rất cao lên nguyên liệu sản xuất, và sản phẩm khi xuất khẩu có thể phải chịu sự trả đũa từ các thị trường?", bà Lovely đặt câu hỏi.
EU sẽ đáp trả?
Ông Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson và cựu nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng châu Âu có thể rút kinh nghiệm từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, rằng nếu phản ứng cứng rắn, Mỹ có thể sẽ phải "xuống nước".
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng chỉ ra khó khăn của châu Âu khi đàm phán, trong lúc ông Trump chưa làm rõ rốt cuộc ông muốn điều gì.
Giới chức châu Âu cũng đã chuẩn bị một loạt biện pháp đáp trả nếu Mỹ quyết định tăng thuế. Ngoài thuế với ô tô, thực phẩm và phụ tùng xe, EU cũng đe dọa áp thuế với ngành dịch vụ của Mỹ - lĩnh vực chiếm phần lớn nền kinh tế Mỹ và châu Âu là thị trường tiêu dùng lớn.
Sau lời đe dọa của ông Trump, hôm 23-5, Ủy ban châu Âu lên tiếng kêu gọi Washington mang sự tôn trọng thay vì những lời đe dọa đến bàn đàm phán.
Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. EU cam kết đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
"Quan hệ thương mại EU - Mỹ là vô song và phải được dẫn dắt bởi sự tôn trọng lẫn nhau, không phải đe dọa. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình", ông Sefcovic viết trên X.
Bình luận hay