
Tác giả Aldo Leopold - một trong những người có ảnh hưởng lớn với lịch sử đạo đức môi trường - Ảnh: Quỹ Aldo Leopold
Nhà khoa học này viết lời tựa như trên cho một trong hai cuốn sách đáng chú ý nhất về môi trường trong thế kỷ 20 vào ngày 4-3-1948 thì chưa đầy một tháng sau ông qua đời.
A Sand County Almanac and Sketches Here and There (tựa Việt: Niên lịch miền gió cát) được xuất bản lần đầu năm 1949, tới nay hơn 70 năm, đã bán được hơn 2 triệu bản trên toàn cầu và vẫn vẹn nguyên giá trị.
Hành trình kỳ thú, đầy chất thơ
Đọc Niên lịch miền gió cát, thỉnh thoảng phải dừng lại giữa chừng và tưởng tượng xem thử con chuột phiền lòng vì mùa tuyết tan, khung trời tự do của chim bồ câu, sự ra đi của một cây sồi cổ thụ hay một con choi choi xếp cánh duyên dáng có dáng vẻ như thế nào.
Rồi biết đâu có một ai đó như người viết, thèm khát đi vào hoang dã, đầm mình trong cái không khí tự tại, sống động và hoạt náo của tự nhiên ấy, nằm ngước mắt trên trời xanh đến vô tận.
Đến cả những người sống trên đất nhưng lòng họ không thuận theo đất, qua lời kể của Aldo Leopold, cũng khiến ta dấy lên những cật vấn mơ hồ nhưng lại rõ ràng nào đó.
Phần đầu Niên lịch miền gió cát dắt bạn đọc chu du qua hành trình 12 tháng trong năm.
Aldo Leopold ghi lại những quan sát theo mùa của ông về cảnh quan xung quanh trang trại của mình ở Wisconsin. Không chỉ vẽ nên một bức tranh sống động về chu kỳ tự nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự phức tạp và tính liên kết của các hệ sinh thái.
Phần hai ông kể về những chuyến đi đến các vùng đất hoang dã khác. Ở đó có cả một bản tráng ca của một miền đầm lầy, những dòng sông băng trôi xuống từ phương Bắc, những hạt Miền Gió Cát - nơi mỗi độ tháng 4 về hoa bạch đầu ông nở tưng bừng dưới ánh mặt trời trên những dải đất toàn sỏi cuội.

Năm 1990, Hiệp hội Nghiên cứu tự nhiên Mỹ đã bầu chọn Niên lịch miền gió cát cùng Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring) của Rachel Carson là hai cuốn sách đáng trân trọng và đáng chú ý nhất về chủ đề môi trường trong thế kỷ 20 - Ảnh: NXB
Leopold kể say sưa về những loài chim đặc biệt chỉ tìm thấy trong những hạt Miền Gió Cát: con chim sẻ nâu phải lòng cây thông lùn, con sếu đồi cát ưa cô độc đến loài dẽ gà cũng chọn làm tổ chỉ vì ở cái nơi cằn cỗi đó nó mới có thể thỏa sức vươn vai khoe lông cánh.
Lần giở từng trang tiểu luận khoa học thấm đẫm ngôn ngữ văn chương đầy chiêm nghiệm, người đọc vừa chậm rãi vừa cuống quýt trải nghiệm nhịp điệu của thế giới mà Aldo mô tả. Vừa đẹp một cách bạo liệt nhưng cũng đầy đau đớn.
Niên lịch miền gió cát đã vẽ nên một bức chân dung tuyệt đẹp về thế giới hoang dã mà các sinh vật sống trong đó đang bị đe dọa bởi sự xâm lấn của nền văn hóa con người ngay cả khi nó được viết cách đây hơn 70 năm.
Đạo đức tiền phong
Nhưng phần ba Buổi yến tiệc mới là phần được đánh giá cao hơn cả. Trong phần này Aldo Leopold đã trình bày một khái niệm mang tính cách mạng thời điểm đó liên quan đến "đạo đức đất đai" (land ethic).
Leopold lập luận con người cần mở rộng phạm vi đạo đức của mình, bao gồm đất đai, động vật, thực vật và tất cả các thành phần của hệ sinh thái.
Ông kêu gọi một sự thay đổi từ vai trò "người chinh phục" thiên nhiên sang vai trò "công dân" của cộng đồng sinh thái.

Theo thông tin từ nhà xuất bản Oxford University Press, đến nay cuốn sách đã bán được hơn 2 triệu bản trên toàn cầu. 76 năm qua, nó vẫn luôn được dịch ra nhiều ngôn ngữ và tái bản liên tục ở nhiều nước trên thế giới - Ảnh: Minh họa của Danielle Lamberson Philipp
Ông nói "đến giờ ta vẫn chưa có nguyên tắc đạo đức nào để phân định mối quan hệ giữa con người với đất đai, cũng như với các loài muông thú cỏ cây sinh trưởng trên đó. Đất như những nữ nô lệ của Odysseus, vẫn chỉ là tài sản.
Mối quan hệ của chúng ta với đất đai vẫn nặng tính kinh tế, bao hàm các đặc quyền chứ không phải trách nhiệm ràng buộc".
Leopold đã nói sự thật đó từ thập niên 1940. Tới nay đây vẫn là một vấn đề mang tính toàn cầu.
Bình luận hay