TTCT - Tôi e rằng đã có sự hiểu nhầm về khái niệm "ngôn ngữ thứ hai" trong giới quản lý giáo dục, khi đọc chủ trương "nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học". Ảnh: Northwest Career College Đọc văn bản này ắt sẽ có nhiều người hiểu theo hướng tăng cường việc sử dụng tiếng Anh trong nhà trường, dần biến tiếng Anh thành một ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ thứ nhất.Góc độ xã hội và góc độ cá nhânThật ra cách hiểu khái niệm "ngôn ngữ thứ hai" phổ biến trên thế giới không phải như vậy. Ngôn ngữ thứ hai ở đây là nhìn từ góc độ người học; học sinh là người Việt, ở nhà nói tiếng Việt, ra đường nói tiếng Việt nhưng bước vào nhà trường, xem như bước vào một thế giới khác, một môi trường khác, nơi tiếng Anh được sử dụng chính thức, phổ biến, toàn diện nên lúc đó tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai của học sinh này.Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai còn được hiểu là việc học, sử dụng tiếng Anh của một người mà tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Anh tại một nước nói tiếng Anh. Một học sinh người Việt sang Anh học đại học thì tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai (dĩ nhiên là đối với anh này chứ không phải với nước Anh!).Như vậy, hiểu theo nghĩa phổ biến trên thế giới, đích đến cuối cùng của chủ trương "từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" là tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy không chỉ cho môn tiếng Anh, mà còn cho các môn khác như toán, lý, hóa. Thậm chí các môn xã hội cuối cùng cũng dạy bằng tiếng Anh. Chưa hết, để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, mọi sinh hoạt phải tiến hành bằng tiếng Anh, từ hội họp, thông báo đến tiết chủ nhiệm, hoạt động ngoại khóa, thuyết trình, bảng điểm…Sẽ có người nói sao lại như thế được, tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai, còn tiếng Việt trong vai trò ngôn ngữ thứ nhất nữa chi? Đó chỉ là điểm hiểu nhầm nói ở đầu bài - ngôn ngữ thứ hai là đối với học sinh, chứ không phải với nhà trường. Nhà trường có nhiệm vụ xây dựng môi trường trong đó tiếng Anh được sử dụng chính thức, phổ biến, toàn diện tương tự như khi học sinh người Việt học ở Anh, ở Mỹ hay ở Úc. Đây là nói về môi trường ngôn ngữ thứ hai trong trường học; giả dụ nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai nói chung thì càng khó hơn, vì lúc đó tiếng Anh sẽ được sử dụng trong hành chính, kinh doanh, nói chung là trong hầu hết các hoạt động của xã hội.Có quá vội vàng?Đối chiếu với cách hiểu này, lộ trình để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là rất vất vả, nhọc nhằn chứ không phải đơn giản. Chúng ta không chỉ cần đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh có đủ năng lực để dạy các kỹ năng kể cả nghe nói, chúng ta còn cần phải đào tạo một đội ngũ giáo viên các môn, trước mắt là toán, lý, hóa biết dạy chương trình bằng tiếng Anh, lên lớp bằng tiếng Anh, thầy cô trao đổi với học sinh bằng tiếng Anh, ra bài tập cũng bằng tiếng Anh. Thử hình dung, cần biên soạn chương trình hiện nay, chuyển hết sách giáo khoa bằng tiếng Anh thì đòi hỏi một nỗ lực lớn dường nào.Cho dù có nhấn mạnh cụm từ "từng bước", lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, theo đúng nghĩa của cụm từ này, là rất tốn công sức, sẽ có một giai đoạn dài chịu sự chênh lệch theo vùng miền. Không dễ dàng xây dựng một môi trường tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy ở nông thôn, miền núi, nơi xa xôi. Quan trọng nhất, hiệu quả của một nỗ lực như thế là không rõ ràng. Chắc chắn các thế hệ học sinh trong giai đoạn đầu tiên sẽ phải dùng cách thức tự chuyển ngữ, tiếp nhận kiến thức bằng tiếng Anh, tự chuyển sang tiếng Việt để hiểu và nắm vững, xong rồi tự chuyển sang tiếng Anh để đáp ứng các yêu cầu trong học tập.Thiết nghĩ trước mắt cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, dứt khoát về "tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai" vì chỉ khi mục tiêu được xác định rõ thì lộ trình thực hiện mới khả thi. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta hiểu ngôn ngữ thứ hai theo cách riêng, tức cách hiểu trong nhà trường ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ thứ nhất vẫn là tiếng Việt, dùng để giảng dạy; tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai để khuyến khích học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn, đặc biệt là nguồn thông tin tiếng Anh rất phong phú, đa dạng và dễ tiếp cận qua mạng. Việc sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy sẽ được tiến hành ở bậc đại học và các trường cũng đang dần chuẩn bị cho bước này khi đầu vào tuyển sinh đang sử dụng kết quả của các kỳ thi như SAT hay IELTS.Dù sao, việc xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cần được tính toán kỹ khi rào cản ngôn ngữ, nhờ các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đang dần biến mất. Bài học của các nước trong khu vực cũng cần được tham khảo, như Malaysia từ bỏ việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy môn toán và khoa học từ năm 2012 sau nhiều năm thí điểm vì không hiệu quả. ■ Tags: Học tiếng AnhEngglishNgôn ngữ thứ haiGiáo dụcTiếng Anh
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Chuẩn bị, bổ sung quân số tham gia diễu binh, diễu hành dịp 80 năm Quốc khánh NAM TRẦN 12/05/2025 Bộ Tổng tham mưu đã làm việc với các cơ quan, đơn vị về đề án tổ chức lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.
Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc lãng phí nghiêm trọng, phức tạp THÀNH CHUNG 12/05/2025 Theo hướng dẫn, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Sau bữa sáng ở nhà bí thư Thành ủy Hà Nội, Tập đoàn Thuận An trúng thầu dự án cầu Vĩnh Tuy 2 THÂN HOÀNG 12/05/2025 Năm 2020, chủ tịch Tập đoàn Thuận An gặp giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội trong bữa ăn sáng tại nhà bí thư thành ủy, sau đó được tạo điều kiện để trúng gói thầu ở dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An AN VI 12/05/2025 'Cảm ơn nghĩa tình, sự tận tụy của báo Tuổi Trẻ, bố tôi và gia đình cảm nhận được tình người ấm áp giữa thành phố đông đúc, xa lạ'.