21/07/2013 15:55 GMT+7

Ngô Thanh Hòa: Người đàn ông sau chiếc tạp dề!

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Ấy là một người đàn ông điềm đạm, ít nói, trừ phi... bàn đến chuyện ẩm thực. Chủ nhân của giải thưởng Vua đầu bếp Việt Nam mùa đầu tiên Ngô Thanh Hòa bẽn lẽn cười bảo: “Ðàn ông khi bước vào bếp là đã có đủ sự bình tĩnh, chịu đựng và kiên nhẫn để nấu một món ăn, dù khó đến mức nào”.

Phóng to
Ngô Thanh Hòa (bìa phải), Quốc Trí (bìa trái) trong cuộc thi Masterchef - Ảnh: ÂN NGUYÊN

Có lẽ chính vì lý do ấy mà nhiều người vẫn bảo: phụ nữ làm gì cũng khéo nhưng để đưa công việc ấy đến tầm cao, đàn ông mới là kẻ đáng gờm! Với một người đàn ông đã bước vào tuổi 40, mon men đến với ẩm thực từ chân rửa bát thuê, bưng cà phê rồi lên đến phục vụ bàn, đăng quang trong đêm 19-7 với ngôi vị Vua đầu bếp Việt Nam là một câu chuyện nhiều vị, nhất là vị mặn của mồ hôi...

Đầu bếp giỏi = nấu cơm chín + luộc rau xanh!

Nấu ăn bắt đầu với Hòa năm lên 6 bằng việc nấu cho chín nồi cơm bằng củi, mùn, luộc cho xanh đĩa rau để dù chẳng có thịt cá gì, bữa ăn vẫn ngon mắt vừa miệng với gia đình. Thế rồi cơ duyên đưa đẩy, anh sang Úc học tập, làm việc từ năm 21 tuổi và mới trở về Việt Nam cách đây tròn một năm. Thanh Hòa bảo 18 năm ở xứ người, anh đi học, kinh qua một số nghề, nhưng chuyện tồn tại vẫn chưa bao giờ là dễ dàng... “Tôi đi làm không thiếu nghề gì, kể cả rửa chén thuê để có tiền đi học, rồi bán hàng, làm thiết kế... Hồi đó không có tiền đi ăn ngoài nhiều nên phải tự nấu ăn ở nhà. Chuyện nấu cơm chín và luộc rau xanh hồi bé xem ra rất có tác dụng”!

Trong những năm tháng xa quê hương, Hòa kể mà như vừa cười vừa khóc: ấy là chuyện thèm ăn một bữa mắm ruốc kho quẹt thịt heo đến thắt lòng nhưng chỉ vì ở nhà tập thể chung với bạn mà không bao giờ dám nấu ăn vì sợ bay mùi! Muốn đổ một tấm bánh xèo Phan Thiết - đặc sản quê anh - ăn cũng không thể bởi nguyên liệu ở Úc quá khác so với Việt Nam. Tuy thế, cuộc sống ấy cũng mang đến cho anh một cơ hội vô giá: đó là được tiếp xúc với những vùng nguyên liệu mới, với cách nêm nếm mới của người châu Âu. Ðược trời phú cho một vị giác nhạy cảm, Thanh Hòa bắt đầu mày mò chế biến các món ăn Á - Âu theo một công thức vô cùng ngẫu hứng! Anh cứ tự pha chế theo kinh nghiệm cá nhân và học mót được khi làm phục vụ ở nhà hàng để nấu

những món ăn mang một hương vị Á - Âu kết hợp, vừa đẳng cấp, vừa tinh tế như lời nhận xét của giám khảo Tịnh Hải đã dành cho anh. Ngay trong tập thi cuối cùng được phát sóng tối 19-7, món gà xào sả ớt - món tủ của Thanh Hòa - cũng được dùng kèm với cơm Thổ Nhĩ Kỳ và nước xốt dưa leo, sữa chua theo kiểu Ấn Ðộ. Trong khi người bạn đồng hành kỳ công với thực đơn khá hấp dẫn, đa dạng thì Hòa vẫn chỉ chọn khai vị là món tôm áp chảo, thịt cháy cạnh dùng với xốt xoài.

Nếu nhớ lại, Thanh Hòa từng bị giám khảo loại trong vòng Audition của cuộc thi với câu nhận xét khá... đụng chạm: “Với món ăn này tôi chưa thấy được đam mê của bạn trong nấu nướng” và người đàn ông gần 40 tuổi ấy đã chực khóc khi năn nỉ giám khảo cho anh thêm một cơ hội, bằng cách thực hiện một món ăn khác trong vòng 30 phút chỉ với những nguyên liệu còn thừa trên bàn...

Vào bếp chọn niềm vui

Trong mắt của nhiều người, Thanh Hòa là mẫu đàn ông khá đặc biệt: một người có đầy đủ tri thức (anh đã bỏ tám năm trời để ngày học, đêm đi làm thêm lấy cho bằng được tấm bằng master về marketing tại Úc), bận rộn với hàng loạt công việc ngoài giờ để trang trải cuộc sống nhưng vẫn sẵn sàng vào bếp nấu cho vợ những bữa cơm ngon, dù “nó rất đơn giản, chả có gì” như lời anh nói; hay xắn tay áo làm chuối chiên, gỏi cuốn - những món Việt mà anh có thể tìm được nguyên liệu dễ dàng tại đất khách - để thết đãi những người bạn quốc tế của mình. Ðối với anh, chuyện bếp núc đã không còn là áp lực khi tưởng tượng đến cảnh phải đối diện với căn bếp nóng hừng hực sau một ngày lăn lộn ngoài đường mà đã trở thành phương tiện giải tỏa stress hữu ích, luyện cho anh sự điềm đạm, bình tĩnh bao năm qua...

“Với tôi, món ngon đôi khi chỉ là một nồi cá kho thật vừa vặn, một đĩa rau xanh, bát nước canh... thế đã là quá ngon! Không cần đến cao lương mỹ vị, sự đơn giản trong nấu nướng đôi lúc sẽ kích thích bạn muốn nấu, vì ít nhất khi nấu bạn biết chắc trong món ăn đó bạn đã nêm những gì. Hẻm hóc Sài Gòn không thiếu một món nào, nhưng nhìn thì ngon vậy chứ hỏi người ta đã nêm gì vào đây, bạn có dám trả lời” - vua đầu bếp nói. Với giải thưởng 500 triệu đồng trong tay, anh bảo mình đang mơ về một ngôi nhà đặc biệt, nơi có những người bạn đặc biệt sẵn sàng chia sẻ niềm yêu thích nấu nướng cùng anh, nơi ấy phục vụ những vị khách đặc biệt, những người cũng yêu căn bếp bởi họ bắt đầu làm chủ được những món ăn đơn giản. Và nơi đó Thanh Hòa sẽ không còn là anh chàng rửa chén thuê, tối nằm mơ về món mắm kho quẹt, mà sẽ là người đàn ông đeo tạp dề nấu những món ngon bằng cả niềm vui và tình yêu dành cho bếp núc.

Quốc Trí - hoàng tử bánh ngọt!

17 tuổi, khi đang còn là bí thư Ðoàn trên ghế Trường Trần Ðại Nghĩa (TP.HCM), Quốc Trí được một tờ báo dành cho giới trẻ đến phỏng vấn và hỏi: ước mơ sau này muốn làm gì? Cậu học trò mặt còn lấm tấm mụn trứng cá đã đáp ngay không do dự: nghề bếp! Lúc ấy mẹ Trí lo lắng lắm bởi không bao giờ muốn con đi theo cái nghề cực khổ, lại chưa biết tương lai về đâu như vậy... Nhưng đùng một cái, Trí đăng ký thi Vua đầu bếp rồi... lừng lững tiến vào đến tận top 2! Ngay cả đàn anh Thanh Hòa cũng phải ngạc nhiên khi nói về Trí: “Em chưa được học hành gì về nấu nướng, em lại sống ở Việt Nam từ bé, nhưng cách em tiếp cận và xử lý nguyên liệu thì không thua kém gì một đầu bếp chuyên nghiệp. Tôi hỏi em học ở đâu, em bảo mình đọc trong sách! Trí là đầu bếp nhỏ tuổi nhất cuộc thi (18 tuổi) nhưng bản thân tôi đã học được từ em rất nhiều điều”. Dĩ nhiên người ta không chỉ nhìn thấy ở Quốc Trí sự hiếu thắng, gan lì của tuổi trẻ như câu tuyên bố... xanh rờn trước đối thủ Thanh Hòa trong đêm chung kết: “Anh sẽ phải trầy da tróc vảy nếu muốn thắng em!”, mà còn nhìn thấy một quyết tâm thực thụ, sự sáng tạo, liều lĩnh khi dám chọn món bò nướng ăn kèm gỏi - món chưa bao giờ thực hiện trước đó để làm món chính trong đêm thi phân định ngôi vua! Trí không đăng quang: cũng chẳng hề gì, bởi khán giả nhớ đến những món tráng miệng công phu, những chiếc bánh sầu riêng đậm vị ngọt thanh là lập tức nhớ ngay đến chàng trai có nụ cười sáng trưng và đôi bàn tay “ma thuật” cùng biệt danh “hoàng tử bánh ngọt” này.

MINH TRANG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai hội Làng Sen, khánh thành tượng Bác Hồ về thăm quê

Lễ hội Làng Sen là hoạt động chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn, thành kính của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai hội Làng Sen, khánh thành tượng Bác Hồ về thăm quê

Thủ tướng Thái Lan làm tranh dân gian Đông Hồ, thưởng trà Việt Nam

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã có dịp nghe giới thiệu về nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc của Việt Nam, tự tay trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ, thưởng trà truyền thống Việt Nam.

Thủ tướng Thái Lan làm tranh dân gian Đông Hồ, thưởng trà Việt Nam

'Khủng bố' tín dụng đen giảm mạnh ở TP.HCM sau chiến dịch xóa quảng cáo bẩn

Sau hai năm triển khai bóc xóa quảng cáo sai quy định tại TP.HCM, tình trạng tạt chất bẩn và gọi điện đe dọa, 'khủng bố' liên quan tín dụng đen đã giảm sâu, gần như không còn xuất hiện.

'Khủng bố' tín dụng đen giảm mạnh ở TP.HCM sau chiến dịch xóa quảng cáo bẩn

Đại sứ Ấn Độ cảm kích tình cảm người dân Việt Nam chiêm bái xá lợi Phật

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 1,8 triệu người Việt đến chiêm bái xá lợi Đức Phật trong những ngày ở TP.HCM, 125.000 người đến chiêm bái xá lợi Phật trong 4 ngày ở núi Bà Đen, Tây Ninh.

Đại sứ Ấn Độ cảm kích tình cảm người dân Việt Nam chiêm bái xá lợi Phật

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm 'Việt Nam - những trang sử vàng' cho Khu di tích Kim Liên

Chiều 15-5, trong chương trình thăm và làm việc tại Nghệ An, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng tác phẩm điêu khắc ánh sáng 'Việt Nam - những trang sử vàng' cho Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm 'Việt Nam - những trang sử vàng' cho Khu di tích Kim Liên

Không sáp nhập với tỉnh thành nào, Huế được và mất gì?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu Huế không mở thêm được những không gian phát triển mới thì chắc chắn sẽ bị tụt lại so với các địa phương khác sau sáp nhập.

Không sáp nhập với tỉnh thành nào, Huế được và mất gì?
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar