TTCT - Liệu một xã hội có thể phát triển toàn diện nếu thiếu vắng các ngành nhân văn? Một buổi hòa nhạc jazz do NEA tổ chức ở New York. Ảnh: AFPĐề xuất ngân sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump không đơn thuần là một biện pháp tài khóa. Nó phản ánh một định hướng rõ rệt nhằm thu hẹp vai trò của nghệ thuật và nhân văn trong đời sống công cộng, thông qua việc xóa bỏ hoàn toàn các cơ quan từng duy trì và lan tỏa những giá trị đó.Ngày 2-5, Tổng thống Trump công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa sắp tới, trong đó kêu gọi xóa bỏ ba cơ quan văn hóa liên bang: Quỹ Quốc gia hỗ trợ nghệ thuật (NEA), Quỹ Quốc gia hỗ trợ nhân văn (NEH) và Viện Dịch vụ bảo tàng và thư viện (IMLS). Ba cơ quan này được liệt kê trong danh mục "các cơ quan nhỏ cần loại bỏ", theo định hướng thu hẹp quy mô chính phủ nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, giảm lãng phí và giảm các thực thể chính phủ không cần thiết.Đề xuất ngân sách của Trump nhấn mạnh mục tiêu giảm chi tiêu liên bang, đặc biệt là các chương trình không liên quan đến quốc phòng. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là một điều chỉnh kỹ thuật trong cấu trúc ngân sách. Việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động của NEA, NEH và IMLS có thể dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng đối với mạng lưới hỗ trợ văn hóa - giáo dục trên toàn nước Mỹ. Đồng thời, nó cho thấy một bước đi rõ ràng trong việc giảm thiểu vai trò của nhân văn và nghệ thuật, những lĩnh vực vốn đã chịu áp lực ngày càng lớn từ các ưu tiên kinh tế, công nghệ và xu hướng đo lường hiệu quả ngắn hạn.Mất nguồn tài trợ: Cái giá của sự "hữu dụng"NEH, kể từ khi thành lập năm 1965, đã tài trợ hơn 6 tỉ đô la cho các bảo tàng, thư viện, sáng kiến giáo dục và dự án bảo tồn lịch sử. Với ngân sách 207 triệu đô la trong năm tài khóa 2024, cơ quan này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì cơ sở hạ tầng tri thức và văn hóa, đặc biệt tại các cộng đồng nông thôn và các tổ chức phi lợi nhuận quy mô nhỏ. Các khoản tài trợ của NEH thường có tác động kinh tế vượt xa số tiền đầu tư ban đầu, tạo việc làm, thúc đẩy du lịch và tăng cường sự gắn kết cộng đồng.Theo nhà sử học Cassandra Good, các dự án do NEH tài trợ thường kể những câu chuyện về các cộng đồng ít được chú ý, như người dân nông thôn, người nhập cư và những người bình thường định hình lịch sử địa phương. Việc loại bỏ NEH đồng nghĩa với việc nhiều dự án, từ số hóa báo chí địa phương, tổ chức lễ hội sách, cho đến bảo tồn di sản ở các vùng nông thôn và xây dựng chương trình học tại các trường cao đẳng cộng đồng, sẽ bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Các tổ chức như CT Humanities (kết nối người dân Connecticut với lịch sử, văn hóa và giá trị nhân văn) hay PA Humanities (chương trình cộng đồng và giáo dục công chúng ở Pennsylvania) đối diện nguy cơ mất hơn một nửa ngân sách, đe dọa sự tồn tại của toàn bộ hệ thống nhân văn ở cấp bang và địa phương.Các thư viện ở vùng nông thôn phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ của IMLS, đôi khi là cho các dịch vụ hoạt động cơ bản. Ảnh: REUTERSTrong cuốn sách Not for Profit: Why Democracy Needs the Humanities (Không vì lợi nhuận: Vì sao nền dân trị cần các môn nhân văn), nhà triết học Martha Nussbaum, giáo sư Đại học Chicago, cảnh báo rằng việc giáo dục toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ và Ấn Độ, nghiêng hẳn về khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và đào tạo nghề đang dẫn đến sự hình thành những "cỗ máy hữu dụng", tức là các cá nhân được huấn luyện để làm việc nhưng thiếu khả năng tự phản tỉnh, cảm thông và đối thoại.Nussbaum lập luận rằng các môn như triết học, văn học, âm nhạc và nghệ thuật giúp dung dưỡng những phẩm chất thiết yếu cho một xã hội biết lắng nghe, suy xét và một không gian cho các cá nhân cùng tồn tại: tư duy phản biện, trí tưởng tượng và khả năng đặt mình vào vị trí người khác.Khái niệm "trí tưởng tượng tường thuật" (narrative imagination) theo bà, là năng lực hình dung một cách sinh động cuộc sống, cảm xúc và góc nhìn của người khác thông qua những câu chuyện được kể lại, dù là qua tiểu thuyết, kịch, lịch sử hay điện ảnh. Đây không phải là sự đồng cảm mơ hồ mà là một kỹ năng đạo đức và nhận thức được rèn luyện qua trải nghiệm nghệ thuật. Nó giúp cá nhân vượt ra ngoài giới hạn của kinh nghiệm bản thân, hiểu được mối phức tạp của những con người khác biệt, chấp nhận các hình thức biểu đạt đa dạng và từ đó, xây dựng một đời sống cộng đồng dựa trên hiểu biết thay vì định kiến.Nhân văn và chu kỳ khủng hoảng lâu dàiTrong Permanent Crisis: The Humanities in a Disenchanted Age (Khủng hoảng thường trực: Các môn nhân văn trong thời đại mất phép màu), giáo sư ngữ văn Đức Paul Reitter và Chad Wellmon đưa ra một luận điểm độc đáo về bản chất của các môn nhân văn, nhấn mạnh rằng cảm giác khủng hoảng không phải là dấu hiệu của sự suy tàn mà là đặc điểm cố hữu, mang tính lịch sử của lĩnh vực này.Các tác giả lập luận rằng kể từ khi các môn nhân văn được định hình trong các trường đại học nghiên cứu Đức thế kỷ 19, chúng đã tự xác định mình thông qua một câu chuyện về khủng hoảng, như là phản ứng trước thách thức về ý nghĩa và giá trị trong một thế giới ngày càng công nghiệp hóa, chuyên môn hóa và "mất phép màu" (disenchanted), theo cách diễn đạt của Max Weber. heo Weber, quá trình hiện đại hóa và sự trỗi dậy của lý tính công cụ khiến con người không còn cảm nhận thế giới như một tổng thể giàu biểu tượng mà như một thực thể có thể được lý giải, đo lường và kiểm soát.Reitter và Wellmon chỉ ra rằng các nhà tư tưởng như Friedrich Schleiermacher, Johann Gottlieb Fichte và Wilhelm von Humboldt đã xây dựng các môn nhân văn (gọi chung là Geisteswissenschaften) như phương tiện để đối phó với những mối đe dọa văn hóa và tinh thần do sự phát triển của khoa học tự nhiên, chủ nghĩa thực dụng và sự phân mảnh kiến thức mang lại.Trong bối cảnh đó, nhân văn không chỉ là một tập hợp các ngành học mà còn mang lại nguồn "dinh dưỡng tinh thần" và không gian để suy ngẫm về các giá trị con người trong một xã hội đang mất đi các nguồn ý nghĩa truyền thống như tôn giáo, tín ngưỡng.Do đó, cảm giác khủng hoảng không phải là một mối đe dọa bên ngoài mà là một phần không thể tách rời của bản sắc nhân văn, được củng cố qua các thế hệ khi các học giả liên tục định vị lĩnh vực của mình như một hàng rào chống lại các lực lượng hiện đại hóa.Trẻ em tham quan bảo tàng hàng hải The Whaling Museum & Education Center, một trong hàng ngàn đơn vị được NEH tài trợ khắp nước Mỹ. Ảnh: THE WHALING MUSEUM & EDUCATION CENTERCác tác giả lập luận rằng việc thừa nhận tính chất lịch sử của khủng hoảng này cho phép các nhà nhân văn hiện đại thoát khỏi vòng lặp của sự than van và cơ chế phòng vệ. Thay vì bảo vệ nhân văn như một lĩnh vực đang bị đe dọa, Reitter và Wellmon khuyến khích các học giả tập trung vào vai trò cốt lõi: khả năng phản ánh các giá trị đa dạng trong một thế giới không có câu trả lời tuyệt đối. Họ lấy cảm hứng từ Weber, người nhấn mạnh sự khiêm tốn trí tuệ và cho rằng ngành nhân văn nên tránh những lời hứa hẹn quá mức về việc cải thiện đạo đức hay cứu rỗi xã hội, thay vào đó cung cấp một không gian cho đối thoại và khám phá ý nghĩa. Bằng cách hiểu khủng hoảng như một đặc tính nội tại, các môn nhân văn có thể tìm thấy một mục đích mới, phù hợp hơn với thực tế của thời hiện đại, thay vì bị mắc kẹt trong những lời than van về sự suy giảm vị thế.Sự tồn tại liên tục của nhân văn (ngay cả trong khủng hoảng) chính là minh chứng cho nhu cầu sâu xa của con người trong việc hiểu mình và hiểu thế giới. Việc xóa bỏ NEH và NEA không chỉ đe dọa các chương trình cụ thể mà còn tước đi không gian để những cuộc đối thoại tinh thần này tiếp tục diễn ra.Xói mòn hạ tầng, nới rộng bất bình đẳngCác môn nhân văn không tồn tại trong khoảng không trừu tượng. Chúng cần một hạ tầng cụ thể (thư viện, kho lưu trữ, bảo tàng, trường đại học, phòng nghiên cứu) để tồn tại, lan tỏa và chuyển hóa tri thức thành trải nghiệm xã hội có ý nghĩa. Khi hạ tầng này bị xói mòn, các môn nhân văn không chỉ mất nơi cư trú mà xã hội cũng mất đi không gian công để suy tư, tưởng tượng và đối thoại.IMLS, với ngân sách 269,5 triệu đô la cho năm tài khóa 2024, đóng vai trò như hệ tuần hoàn của toàn bộ hệ sinh thái văn hóa - tri thức Mỹ. Khoản tài trợ từ IMLS không chỉ giữ cho các thư viện mở cửa, bảo tàng vận hành, mà còn thúc đẩy hàng nghìn dự án kết nối cộng đồng, đổi mới giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa. Ví dụ, IMLS tài trợ cho Library Simplified và Open eBooks, giúp tăng cường tiếp cận sách điện tử và giảm rào cản sử dụng tài nguyên số. Hay chương trình Museums for America hữu ích cho các dự án tích hợp công nghệ vào hoạt động bảo tàng. IMLS không chỉ tài trợ trực tiếp mà còn là "cầu nối" giữa các tổ chức thông qua nghiên cứu và phát triển chính sách, như trong việc thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, giáo dục công dân và năng lực công nghệ số (digital literacy).Tại nhiều thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn ở Mỹ, thư viện công đóng vai trò như một trung tâm hạ tầng thiết yếu, không chỉ đem lại WiFi và máy tính mà còn đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ tìm việc làm và cung cấp tài nguyên học tập cho mọi đối tượng. Việc bãi bỏ IMLS sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì dịch vụ số của thư viện ở những khu vực thu nhập thấp. Trên diện rộng, việc cắt giảm tài trợ liên bang thông qua IMLS sẽ gây ra hậu quả lâu dài đối với khả năng phục vụ cộng đồng của các thiết chế văn hóa địa phương. Rất nhiều bảo tàng nhỏ phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ IMLS để duy trì chương trình tiếp cận cộng đồng, đặc biệt là ở những khu vực không có cơ sở giáo dục đại học hoặc viện nghiên cứu gần kề.ExplorationWorks, một bảo tàng dành cho trẻ em ở Helena, Montana, nhận được 151.946 đô la vào năm 2024 từ IMLS để mở rộng các chương trình dành cho trẻ nhỏ. Ảnh: The Conversation/Lisa WarehamTrong bối cảnh bất bình đẳng số và phân hóa văn hóa ngày càng rõ nét, việc giải thể IMLS đồng nghĩa với loại bỏ một phần quan trọng của mạng lưới kết nối, không chỉ giữa công dân và tri thức mà còn giữa cộng đồng và các giá trị văn hóa - lịch sử. Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về vai trò của chính sách liên bang trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng đến hạ tầng văn hóa và giáo dục nền tảng.Chính quyền Trump xếp IMLS vào danh sách "các cơ quan không cần thiết", qua đó phủ nhận vai trò của các thiết chế văn hóa cơ sở. Cách tiếp cận này ưu tiên hiệu quả đo lường được và lợi ích ngắn hạn, trong khi xem nhẹ những năng lực nền tảng như đọc hiểu, cảm thụ, học suốt đời và gắn kết cộng đồng. Về lâu dài, sự suy giảm hạ tầng văn hóa cũng đồng nghĩa với đánh mất ký ức tập thể, bản sắc văn hóa và năng lực phản tư của xã hội. "Không gian nhân văn" và những giới hạn bị siết lạiNussbaum nhấn mạnh rằng nghệ thuật và nhân văn còn cho phép phát triển trí tưởng tượng đạo đức: khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, đồng cảm với trải nghiệm của họ và suy nghĩ theo hướng sáng tạo về các vấn đề đạo đức. Nghệ thuật, đặc biệt là văn học, giúp con người hiểu sâu sắc hơn về sự phức tạp của cảm xúc, bối cảnh xã hội và các quan điểm khác nhau, từ đó nuôi dưỡng lòng đồng cảm và tư duy phản biện.Các môn nghệ thuật và nhân văn, theo Nussbaum, không phải là thứ "xa xỉ" mà là yếu tố thiết yếu để xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái. Bà cảnh báo rằng việc cắt giảm giáo dục nhân văn (như đã xảy ra ở nhiều quốc gia) có thể làm suy yếu khả năng của con người trong việc đối phó với các thách thức đạo đức và xã hội.Tuy tiếp cận từ những hướng khác nhau, Nussbaum từ góc độ đạo đức - chính trị, còn Reitter và Wellmon từ lịch sử - tri thức luận, các tác giả đều thống nhất ở điểm cốt lõi: các môn nhân văn không chỉ giúp con người hiểu thế giới mà còn giúp họ hiểu chính mình và người khác.Trong một xã hội ngày càng bị chi phối bởi công nghệ, tính toán hiệu suất và mục tiêu ngắn hạn, "không gian nhân văn" đóng vai trò duy trì năng lực tự phản tỉnh, khả năng liên đới và trí tưởng tượng đạo đức, những yếu tố cần thiết để con người sống có chiều sâu, có trách nhiệm và biết đặt mình trong mối quan hệ với cộng đồng rộng lớn hơn.Tương lai của các môn nhân văn chính là thước đo cho cách một xã hội lựa chọn gìn giữ hay từ bỏ những giá trị hình thành nên bản sắc và chiều sâu nhân tính của mình. Reitter và Wellmon cho rằng trong thế giới hiện đại, ngành nhân văn mang lại những cách thức để cá nhân đối mặt với sự bất định, chất vấn lại các giả định nền tảng và tìm kiếm ý nghĩa trong đời sống. Nhân văn không hứa hẹn lời giải cuối cùng nhưng tạo điều kiện cho những câu hỏi mang tính hiện sinh và việc suy tư nghiêm túc. Tags: Các ngành nhân vănXã hội nhân vănVăn hóaDOGENhân văn
Cắt hầu bao các báo, đài công ở Mỹ: Khi khái niệm "của dân" được bảo vệ... NGUYỄN VŨ 13/05/2025 1336 từ
Đề xuất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh không quá 1 lần/năm TIẾN LONG 14/05/2025 Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.
Khởi tố lãnh đạo công ty ở TP.HCM vì làm giả phiếu quan trắc môi trường NHẬT LINH 14/05/2025 Lãnh đạo và nhân viên của một công ty dịch vụ môi trường ở TP.HCM bị Công an TP Huế khởi tố vì hành vi làm giả phiếu quan trắc môi trường.
Chúng tôi không biết giải thích với nước ngoài thế nào về 'trường đại học trong đại học' NGUYÊN BẢO 14/05/2025 Nhiều vị lãnh đạo trường đại học đã chia sẻ như thế tại tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 14-5.
Công An Hà Nội - Buriram United (Hiệp 1) 2-1: Alan nâng tỉ số ĐỨC KHUÊ 14/05/2025 Phút 35, Alan sự lúng túng của hàng phòng ngự đối phương để tung cú sút chìm nhưng hiểm hóc, nâng tỉ số lên 2-1 cho Công An Hà Nội.