TTCT - Đồng USD suy yếu hơn 10% trong 6 tháng đầu năm so với rổ đồng tiền các nền kinh tế lớn. Lần cuối đồng đô la suy yếu tới vậy là đầu 1973, khi Washington ra quyết định địa chấn là cắt neo giá đô la với vàng. Ảnh: Newsweek Lần này, nguyên do có vẻ là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách tái định hình thế giới bằng chính sách thuế quan quyết liệt và chính sách đối ngoại biệt lập. Kết hợp của chính sách thuế, lo ngại về lạm phát và nợ chính phủ Mỹ gia tăng đã tác động mạnh lên đồng USD.Suy giảm trong hệ thống tài chính toàn cầuCùng với đó là sự suy giảm niềm tin về vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính thế giới. Điều này đồng nghĩa chi phí đắt đỏ hơn khi người Mỹ ra nước ngoài, thị trường Mỹ ít hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, trái phiếu chính phủ Mỹ ít được quan tâm hơn. Chiều ngược lại, đồng đô la yếu giúp các nhà xuất khẩu Mỹ và khiến nhập khẩu thêm đắt đỏ.Dù ông Trump đã nhiều lần xuống thang sau các đe dọa thuế cực đoan và thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục, đồng USD vẫn tiếp tục đà giảm. "Có đồng đô la yếu hay mạnh không phải vấn đề. Vấn đề là nó cho thấy thế giới đang đánh giá thế nào về chính sách của bạn" - Steve Englander, phụ trách toàn cầu về nhóm ngoại hối G10 của Standard Chartered, nói với The New York Times.Thường mỗi khi giới đầu tư lo lắng, họ sẽ nhắm vào các tài sản họ tin tưởng giữ ổn định giữa biến động. Nhưng lo lắng về đồng đô la suy giảm trong cả giai đoạn biến động này cho thấy đồng bạc xanh không còn vai trò an toàn với nhà đầu tư. "Giảm hoàn toàn sử dụng đô la sẽ còn rất xa - theo Rick Rieder, giám đốc đầu tư của Blackrock - Nhưng có biến chuyển lớn có thể tăng thêm rủi ro: nợ nhà nước ngày càng tăng (khi đô la suy yếu)".Những nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tài sản bằng đồng đô la cũng chịu thiệt hại nặng. Họ vốn đã quen chuyện đồng đô la mạnh lên mỗi lần thị trường biến động để giảm rủi ro, giờ thì chính họ dính đòn. Ví dụ năm 2022, nếu đầu tư vào chỉ số S&P 500 thì các nhà đầu tư bằng đồng đô la sẽ lỗ 19%, nhưng nếu đầu tư bằng đồng euro thì chỉ lỗ 14%.Biến động ở phần cứng của hệ thốngBa tháng kể từ "Ngày Giải phóng" khi Tổng thống Trump công bố thuế đối ứng với các nước, và chỉ 10 ngày kể từ khi ông gửi thư công bố thuế cho các đối tác, câu hỏi lớn vẫn được một loạt trung tâm tài chính nêu ra là đồng USD có còn giữ được vị thế? Câu trả lời giờ là không, nhưng nguyên nhân, theo ông Josh Lipsky, chủ tịch phụ trách kinh tế quốc tế ở Hội đồng Đại Tây Dương, thì không đơn thuần vì thuế đối ứng.Theo ông, cuộc tranh luận về đồng đô la hiện bỏ qua yếu tố quan trọng là đồng tiền này thường xuyên bị hạ giá thấp một cách chủ động. Thay vì theo dõi các chỉ số vĩ mô truyền thống để đánh giá sức mạnh đồng đô la (vốn chậm hơn), như các ngân hàng trung ương đang giữ bao nhiêu USD và đồng tiền này được sử dụng ra sao trong thương mại toàn cầu, các chuyên gia cần để ý tới sự thay đổi nhanh chóng trong cách thức các nước áp dụng những hệ thống thanh toán mới để né đồng USD.Hệ thống thanh toán là nền tảng lõi cho giao dịch giữa các định chế tài chính. Trong hệ thống toàn cầu phức tạp đó, Mỹ và các ngân hàng của nước này là tâm điểm, liên quan tới gần 90% giao dịch ngoại tệ. Kể cả khi hai nước không giao thương bằng USD, các hệ thống kết nối khiến phần lớn giao dịch vẫn cần tới đồng bạc xanh.Ảnh hưởng bao trùm này khiến giới lãnh đạo Mỹ có quyền lực rất lớn (và đôi khi họ vũ khí hóa ảnh hưởng này) trong dùng đồng đô la để theo đuổi các mục tiêu đối ngoại. Từ Venezuela tới Iran, Triều Tiên, việc cấm vận, hạn chế tiếp cận đồng đô la đã luôn là chiến lược an ninh của Mỹ suốt nhiều thập kỷ.Hệ thống thay thế mớiNhưng hệ thống mà Mỹ tạo ra để đảm bảo vị thế tuyệt đối của đồng USD giờ bắt đầu thể hiện tình trạng già nua. Một ví dụ là hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu), hiện đã hơn 50 tuổi. Các chính trị gia Mỹ ngày càng dựa nhiều vào SWIFT để cô lập các đối thủ - dù là tổ chức khủng bố hay Nga sau khi xung đột với Ukraine.SWIFT là hệ thống tin nhắn mà qua đó các ngân hàng liên lạc với nhau trước khi chuyển tiền trên thực tế qua một hệ thống khác - giống như bạn nhắn tin với bạn qua Zalo rồi sau đó chuyển tiền đã hứa qua Momo. Công nghệ mới giờ khiến giao thức này đã lỗi thời. Từ năm 2015 Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đã kết hợp cả tin nhắn và chuyển tiền lên cùng một nền tảng. Khối lượng giao dịch qua CIPS đã tăng mạnh từ năm ngoái với một loạt ngân hàng toàn cầu tham gia.Nhiều chuyên gia Mỹ ở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn cho rằng chưa có gì đáng lo khi khoảng 80% giao dịch của CIPS vẫn dựa trên hệ thống SWIFT để tiếp cận mạng lưới tài chính toàn cầu. Nếu nhìn con số, hiện CIPS mới có gần 1.700 tổ chức tài chính đăng ký, so với 11.000 của SWIFT. Nhưng theo ông Lipsky, con số của FED là từ 2022 và khả năng là dữ liệu mới sẽ cho thấy sự đảo chiều nhanh chóng. Mới chỉ hơn tháng trước, Ngân hàng trung ương UAE đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để tham gia CIPS và phát triển hệ thống chuyển tiền xuyên biên giới mới phục vụ các ngân hàng ở Trung Đông và Bắc Phi.Những thay đổi lớn đôi khi diễn ra lặng lẽ, nhưng các dấu hiệu vẫn hiện ra nếu chúng ta quan sát kỹ. Năm 2023, Chính phủ Bangladesh quyết định dùng đồng nhân dân tệ - thay vì đô la - để trả tiền cho một tập đoàn Nga giúp xây nhà máy điện hạt nhân cho nước này (cấm vận khiến các ngân hàng Nga không thể dùng SWIFT). Mỹ chỉ biết điều này khi được chính Bộ Tài chính Bangladesh thông báo. Có khả năng rất lớn là đã có nhiều những giao dịch kiểu này diễn ra mà giới chức Mỹ không thể nắm được vì không có thông tin.Vì sao mọi việc thay đổi nhanh như vậy? Một lý do là các nước luôn tìm cách lách qua hệ thống đô la khi đối mặt với cấm vận. Khác biệt ở chỗ họ giờ có nhiều lựa chọn hơn hẳn do những sáng tạo đổi mới không ngừng trong mảng tài chính, như công nghệ chuỗi khối, khiến chi phí xây các hệ thống giao dịch mới ít tốn kém và nhanh hơn nhiều so với trước. Mong muốn không phụ thuộc vào đồng đô la giờ đã là hiện thực.Kể từ khi Nga xung đột với Ukraine và bị G7 áp cấm vận, số lượng dự án tiền điện tử xuyên biên giới đã tăng gấp đôi, cho phép ngân hàng thương mại nhiều nước có thể chuyển tiền cho nhau bằng công nghệ như tiền mã hóa. Tiền có thể sang tay chỉ trong vài giây mà không cần đi qua bất cứ ngân hàng Mỹ nào. Hệ thống hiện đại nhất của loại này là mBridge, với sự tham gia của Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong, UAE và Saudi Arabia. Vì khối lượng giao dịch vẫn còn tương đối nhỏ (chỉ 22 triệu USD trong một dự án thử nghiệm năm 2022), dự án và các kế hoạch tương tự, đặc biệt của các nước BRICS, thường không được chú ý.Nước Mỹ sẽ phải sớm tìm cách tiếp cận mới với mô hình SWIFT, cùng các đồng minh châu Âu. Nếu các nước ủng hộ đồng đô la, euro, bảng và yen Nhật cùng hợp tác và sử dụng kho dự trữ ngoại tệ lớn của họ thì sẽ không có hệ thống khác nào, kể cả của Trung Quốc, có thể bắt kịp. Nhưng việc nâng cấp SWIFT đòi hỏi Mỹ không chỉ chỉ tay năm ngón hay dọa nạt đồng minh, mà phải tham gia với cam kết cung cấp những công nghệ tối tân nhất, ít ra là để sử dụng, cho bất cứ ai muốn tham gia cùng. Những việc này sẽ khó khăn và đắt đỏ, cả về tài chính lẫn chính trị. ■ Một dữ kiện nói lên nhiều điều: năm 2022, Trung Quốc có trên 300 người chuyên trách dự án tiền số cho ngân hàng trung ương nước này; trong khi năm ngoái, toàn bộ hệ thống FED của Mỹ có chưa đầy 20 nhân viên mảng tiền số. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng tháng trước tuyên bố các hệ thống giao dịch tiền của phương Tây là quá cũ và đã bị Trung Quốc vượt qua về công nghệ. Theo ông Lipsky, tương lai tiền tệ thế giới sẽ được quyết định bởi cuộc chiến này. Đồng bảng Anh trong nhiều thế kỷ từng nắm vị thế đồng tiền mà các nước dự trữ - nhưng điều này không duy trì được mãi. Đồng USD sẽ cần cải tiến và giới chức Mỹ cần nhận thức rõ là đồng tiền này không còn mạnh như trong quá khứ nữa. Tags: Tổng thống Mỹ Donald TrumpĐồng USDMỹGiá đô laNhân dân tệ
Bão số 3 Wipha bất ngờ ít di chuyển, đang mạnh lên CHÍ TUỆ 21/07/2025 Thông tin với Tuổi Trẻ Online lúc 23h20, bà Lê Ngọc Hân, bí thư Đảng ủy đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh), cho biết toàn đặc khu Cô Tô đã bị mất điện.
Phó thủ tướng: Bão số 3 có thể tăng cường độ, đặc biệt trong điều kiện triều cường giống bão Yagi DOÃN HÒA 21/07/2025 Thông tin với Tuổi Trẻ Online lúc 21h30, lãnh đạo UBND đặc khu Bạch Long Vĩ cho biết bão số 3 đang đến gần đặc khu Bạch Long Vĩ, nơi đây hiện có gió cấp 7-8.
Hơn 20 nước kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Gaza, Israel bác bỏ vì 'thiếu thực tế' HÀ ĐÀO 21/07/2025 Hơn 20 quốc gia đã kêu gọi Israel chấm dứt chiến sự Gaza sau khi hàng trăm người Palestine thiệt mạng trong lúc tìm kiếm lương thực.
3 giờ nghẹt thở giải cứu cô gái bị thanh niên dùng dao khống chế trên taxi DANH TRỌNG 21/07/2025 Do mâu thuẫn cá nhân, Mai Đức Giang dùng dao khống chế, cắt tóc và gây thương tích cho một cô gái trên taxi.