
Việc đăng thông tin bệnh án, hình ảnh người bệnh trên các nền tảng mạng xã hội cần được sự cho phép của người bệnh - Ảnh: Chụp màn hình
Để quảng bá hình ảnh cá nhân, hoặc khuyến cáo phòng ngừa bệnh, ngày càng nhiều bác sĩ "vô tư" đăng tải hình ảnh, video quá trình thăm khám, điều trị của bệnh nhân lên kênh mạng xã hội như TikTok, Facebook...
Tràn lan video có hình ảnh, âm thanh người bệnh
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại mạng xã hội TikTok có rất nhiều video được bác sĩ đăng tải có hình ảnh, âm thanh của người bệnh.
Cụ thể như tài khoản TikTok tên T. giới thiệu là bác sĩ sản phụ khoa với hơn 1 triệu lượt theo dõi thường xuyên đăng các video về quá trình thăm khám sức khỏe sinh sản (chủ yếu là nữ) và cả chuyện sinh đẻ của chị em phụ nữ.
Phần lớn các video đều che mặt bệnh nhân, nhưng âm thanh của bệnh nhân vẫn giữ nguyên.
Nội dung các video được bác sĩ T. đăng tải chủ yếu là những phụ nữ khó có con vì bị đa nang, ít trứng hoặc không có trứng, không có kinh, lớn tuổi... Với nam giới thì không có tinh trùng hay tinh trùng yếu.
Vị bác sĩ này cũng đăng nhiều video về kiến thức sinh sản hay các em bé vừa chào đời đến vài tuổi nhờ bàn tay của mình đã thụ tinh nhân tạo. Trong đó có nhiều trường hợp sinh đôi, sinh ba, thậm chí sinh năm được người này xem như "kỳ tích sinh sản".
Hay một tài khoản TikTok xưng là "BS sản phụ khoa L.P." thường xuyên livestream trong lúc thăm khám chị em phụ nữ tại phòng khám của mình. Vì phát trực tiếp nên người xem biết được tất cả cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Như cuộc phát trực tiếp kéo dài hơn nửa tiếng vào sáng 27-5. Góc quay ghi lại hoạt động của bác sĩ này và nhân viên khám bệnh cho bệnh nhân...
Trong suốt quá trình phát trực tiếp, người phát không thông báo cho bệnh nhân biết.
Dù góc quay chủ yếu ghi lại hoạt động những người trong phòng khám nhưng thi thoảng vẫn có bệnh nhân vô tình xuất hiện trong khung hình đang quay trực tiếp.
Trên dòng thời gian của tài khoản này, hầu như ngày nào cũng có video siêu âm thai, đặt vòng tránh thai, vệ sinh vùng kín... được đăng tải. Trong đó có quảng cáo các sản phẩm liên quan sức khỏe sinh sản và làm đẹp của chị em phụ nữ.
Bên cạnh một số bác sĩ sử dụng trực tiếp hình ảnh, video của bệnh nhân cũng có nhiều bác sĩ chỉ quay chính mình, kèm những hình ảnh minh họa, mô hình để truyền tải những kiến thức y khoa đến người dân.
Không dừng lại ở hình ảnh, cả video bệnh nhân trong quá trình thăm khám, toa thuốc, phiếu xét nghiệm vẫn đăng tràn lan lên mạng xã hội mà người đăng không che thông tin cần thiết để bảo vệ sự riêng tư cho người bệnh.
Có trường hợp các cơ sở quảng cáo còn so sánh hình ảnh trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh nhân.
Thậm chí hiện nay mạng xã hội liên tục xuất hiện những hình ảnh, thông tin bệnh án về một người bệnh với tình cảnh thương tâm, bệnh không có tiền chữa... để trục lợi.

Hình ảnh một bệnh nhân vô tình lọt vào khung hình livestream của một phòng khám - Ảnh: Chụp màn hình
Phải bảo mật mọi thông tin, hình ảnh nếu bệnh nhân chưa đồng ý
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một bác sĩ đang công tác ở một bệnh viện công lập tuyến cuối tại TP.HCM cho rằng nguyên tắc đầu tiên và được phổ biến đến tất cả các y, bác sĩ là phải tôn trọng quyền riêng tư của người bệnh.
Nếu không có sự đồng ý của bệnh nhân, nhân viên y tế không được phép đăng tải, tiết lộ thông tin bệnh án, hình ảnh người bệnh. Điều này cũng đã được quy định rõ ràng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
“Thông tin của người bệnh cần được bảo vệ và tôn trọng vì có thể ảnh hưởng đến tâm lý, công việc, các mối quan hệ xung quanh của họ. Do đó, đây là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong y khoa”, bác sĩ này nói.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ 1-1-2024), phải tôn trọng quyền riêng tư của người bệnh, bảo mật thông tin cá nhân và hồ sơ bệnh án, kể cả hình ảnh và video trong quá trình khám, chữa bệnh.
Cơ sở khám, chữa bệnh và nhân viên y tế phải bảo mật mọi thông tin liên quan đến người bệnh.
Trường hợp được phép chụp hình, quay phim là khi bệnh nhân đồng ý bằng văn bản hoặc lời nói có ghi âm, lưu trữ hợp pháp, để phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị, đào tạo chuyên môn, hội chẩn, nghiên cứu hoặc truyền thông.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến các cơ sở y tế đề nghị nhân viên y tế phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của bệnh nhân và các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
Bình luận hay