
Nhiều người lao động hiện nay luôn phải trực tuyến để xử lý công việc, bất kể thời gian
Công nghệ từng được kỳ vọng sẽ giúp con người làm việc hiệu quả hơn và có thêm thời gian nghỉ ngơi. Thế nhưng thực tế đang ngược lại: nhiều lao động số đang phải sống trong trạng thái "online liên tục", cả về kỹ thuật lẫn tinh thần.
Nghề nào cũng bị "ép" online
Từ các ngành nghề "truyền thống" như kế toán, marketing đến lực lượng mới nổi như tài xế công nghệ, cộng tác viên nội dung, bán hàng online... việc "phải luôn sẵn sàng phản hồi" trở thành một yêu cầu bất thành văn.
Theo báo cáo chỉ số xu hướng công việc được Microsoft công bố hồi giữa tháng 6, tỉ lệ nhân viên phải họp sau 20h đã tăng 16%, và khoảng 29% nhân viên phải check email lúc 22h. Trung bình mỗi người phải gửi - nhận hơn 58 tin nhắn ngoài giờ hành chính, ngoài ra họ còn bị gián đoạn trung bình mỗi 1,75 phút, tương đương 275 lần/ngày...
Chị Quỳnh, làm hành chính tại một công ty logistics, chia sẻ: "Họp xong lúc 18h, 20h sếp vẫn gọi nhờ gấp file. Muốn tắt máy nhưng sợ bị đánh giá 'thiếu trách nhiệm'. Dần dần, mình chẳng dám rời khỏi điện thoại".
Tài xế xe công nghệ, người bán hàng livestream, nhân viên tư vấn online - những người tưởng chừng có thể chủ động thời gian lại chính là những đối tượng dễ bị "ép online" nhất.
"Không bật app là không có đơn. Mà nếu không nhanh tay nhận thì người khác lấy mất. Tắt máy là coi như nghỉ luôn ngày hôm đó", anh Quốc, một tài xế công nghệ, chia sẻ.
Các nền tảng công nghệ vận hành dựa trên thuật toán, và thuật toán ưu tiên những người "chăm chỉ". Nghĩa là người nào online nhiều, nhận đơn liên tục, giữ tỉ lệ phản hồi cao sẽ được thưởng hoặc ít nhất là không bị phạt.
Sự chủ động về thời gian vốn là lý do nhiều người chọn làm việc tự do nay lại trở thành cái bẫy vô hình. Người lao động bị điều phối bởi hệ thống, chấm công bằng dữ liệu, và bị đánh giá liên tục dù không có mặt ở văn phòng.
Khi "quyền được im lặng" trở thành đặc quyền
Ở nhiều quốc gia phát triển, khái niệm "quyền ngắt kết nối" (right to disconnect) đã được luật hóa. Pháp là nước tiên phong với đạo luật cho phép nhân viên từ chối trả lời email ngoài giờ mà không bị phạt.
Ireland, Ý và một số công ty toàn cầu như Volkswagen, BMW cũng giới hạn hệ thống email nội bộ sau giờ hành chính.
Tại Việt Nam, dù Luật Lao động có quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, nhưng việc "tắt máy" vẫn phụ thuộc nhiều vào văn hóa công ty và áp lực vô hình của môi trường số.
Một quản lý cấp trung trong lĩnh vực truyền thông chia sẻ: "Dù không bắt buộc, nhưng nếu nhân viên im lặng sau 8h tối khi team đang bận rộn, thì họ khó được đánh giá cao. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu".
Tắt máy: Quyền hay lựa chọn mạo hiểm?
Vấn đề không chỉ nằm ở công nghệ, mà còn là sự dịch chuyển trong quan niệm về năng suất. Khi dữ liệu, kết quả và sự hiện diện trở thành tiêu chí đánh giá con người, "trực tuyến" gần như được gắn với "có trách nhiệm", "tắt máy" thì thành "thờ ơ".
Điều đáng lo là chính người lao động dần quên mất rằng họ có quyền được nghỉ ngơi. Những cuộc gọi đêm khuya, tin nhắn bất ngờ hay việc phải phản hồi gấp ngoài giờ đã trở thành điều 'bình thường', một kiểu 'bình thường mới' nguy hiểm khi nó xóa mờ ranh giới giữa sống và làm.
Trực tuyến đã trở thành định nghĩa mới của năng suất. Nhưng năng suất kiểu đó không thể kéo dài mãi, nếu con người không còn được ngắt kết nối để hồi phục, để nghỉ ngơi và để sống như một con người.
Tắt máy, đôi khi không phải là trốn tránh công việc, mà là cách duy nhất để bảo toàn chính mình.
Bình luận hay