
Giáo hoàng Leo XIV (trái) và ca sĩ Taylor Swift - Ảnh: REUTERS
Ngày 16-7, một bài đăng trên Threads có nội dung: "TIN NÓNG: Sau khi Taylor Swift quyên góp số tiền lớn cho các nạn nhân chiến tranh tại Iran, Israel, Ukraine, Gaza và hỗ trợ thêm cho các nạn nhân lũ lụt của vùng Texas Hill Country, Giáo hoàng Leo XIV khiến thế giới sửng sốt, đề cử bà ấy, Volodymyr Zelensky và đầu bếp Jose Andres cho giải Nobel Hòa bình".
Tính đến thời điểm bài viết, bài đăng trên Threads đã thu hút hơn 9.000 lượt thích và hơn 48.600 lượt xem. Những bài đăng có nội dung tương tự cũng đã xuất hiện trên Threads.
Tuy nhiên qua kiểm chứng, các chuyên gia của trang Snopes ngày 21-7 khẳng định đây là thông tin sai sự thật.
Các bài đăng trên mạng xã hội hầu như đề cập đến một bài viết do kênh USAmidia đăng tải.
Bản tin này tuyên bố rằng Giáo hoàng đã công bố các đề cử giải Nobel Hòa bình cho ba người được đề cập bên trên trong "một bài phát biểu công khai tại Vatican".
Bài viết nêu thông tin chi tiết về đề cử nữ ca sĩ Swift, trích dẫn các khoản đóng góp từ thiện cũng như sức ảnh hưởng văn hóa của cô.

Bài đăng sai sự thật về việc Giáo hoàng Leo XIV đề cử Taylor Swift cho giải Nobel Hòa bình - Ảnh: SNOPES
Bài viết cũng dẫn lời Giáo hoàng Leo XIV, song Snopes đã tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, DuckDuckGo và phát hiện không có cơ quan truyền thông nào đưa tin về vấn đề này. Nếu Giáo hoàng đưa ra thông báo như vậy, Vatican và các cơ quan truyền thông quốc tế sẽ đưa tin.
Ngoài ra, dòng thời gian cũng không đúng. Hạn chót nộp đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2025 là ngày 31-1, nhưng Giáo hoàng Leo XIV phải đến ngày 8-5 mới được bầu. Do đó Giáo hoàng Leo XIV không thể đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2025.
Theo trang web chính thức của giải Nobel Hòa bình, "không có ủy ban Nobel nào công bố tên của những người được đề cử, cả với giới truyền thông lẫn chính các ứng cử viên" và "danh sách đầy đủ của những người được đề cử trong bất kỳ giải thưởng nào trong năm sẽ không được công bố trong 50 năm tới".
Trang Media Bias/Fact Check (Mỹ) đã đánh giá USAmidia là một "nguồn tin đáng nghi ngờ" với lượng thông tin thực tế "rất thấp". USAmidia được mô tả như là "một trang giải trí câu view, đăng tin giật gân và thường là tin sai sự thật, không được biên tập và thiếu minh bạch".
Media Bias/Fact Check cho biết một số tổ chức kiểm chứng sự thật đã vạch trần nhiều câu chuyện trên USAmidia, và trang tin này không đính chính khi những câu chuyện của họ bị chứng minh là sai sự thật.
Bình luận hay