08/02/2022 16:08 GMT+7
Trở lại chủ đề

Không bắt buộc xét nghiệm toàn bộ trẻ trước khi trở lại trường

CHÂU TRẦN - L.ANH - BÁ SƠN
CHÂU TRẦN - L.ANH - BÁ SƠN

TTO - 'Cho học sinh đi học lại đồng nghĩa dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, sao còn bắt test nhanh, vừa gây áp lực tâm lý các con vừa tốn kém tiền bạc, thời gian', phụ huynh nêu ý kiến trước việc một số trường yêu cầu test nhanh học sinh.

Không bắt buộc xét nghiệm toàn bộ trẻ trước khi trở lại trường - Ảnh 1.

Học sinh khối tiểu học Trường trung - tiểu học Pétrus Ký đang được lấy mẫu test nhanh trước khi vào lớp - Ảnh: P.H.

Học sinh đi học phải test nhanh định kỳ 2 tuần/lần?

Ngày 7-2, nhiều phụ huynh học sinh khối tiểu học Trường trung - tiểu học Pétrus Ký (phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đưa con em đến trường học đã vô cùng xót ruột khi thấy cảnh học sinh sau khi tập trung khử khuẩn phải chờ test nhanh COVID-19.

Chị T.T. (có con đang học lớp 4 tại trường) cho biết dù nhà trường đã thông báo trước về việc toàn bộ học sinh phải test nhanh trước khi vào lớp nhưng tận mắt thấy con lo lắng, sợ hãi khi bị "ngoáy mũi", không ít phụ huynh xót xa.

"Cả mùa dịch căng thẳng nhưng nhà tôi chỉ có người lớn đại diện đi lấy mẫu xét nghiệm, tụi nhỏ ở suốt trong nhà. Nay chấp nhận cho con đi học trực tiếp trở lại là chúng tôi an tâm dịch bệnh được kiểm soát tốt, hầu hết đều là vùng xanh. Vậy cớ sao còn bắt tụi nhỏ phải test nhanh, vừa gây tâm lý lo sợ cho chúng, lại còn tốn kém chi phí, thời gian không cần thiết", chị T. bày tỏ.

Cạnh đó, chị B.C. đang an ủi cô con gái học lớp 2 giàn giụa nước mắt sau khi lấy mẫu. "Lần đầu bị ngoáy mũi, con bé đau đến phát khóc. Dù tối qua tôi đã trấn an con phải tuân thủ quy định bắt buộc của nhà trường, nhưng khi thấy con nước mắt nước mũi tèm lem vì đau quá, ai mà không xót", chị nói.

Trước đó, trong thông báo cho học sinh tiểu học trở lại trường từ ngày 7-2, Trường trung - tiểu học Pétrus Ký có nêu rõ: 100% học sinh thực hiện test nhanh COVID-19 trước khi vào trường. Test nhanh định kỳ 2 tuần/lần từ tháng 2-2022 đến khi có quy định mới của cơ quan y tế. Chi phí test nhanh trong tháng 2 là 45.000 đồng/học sinh, do phụ huynh chi trả.

Không bắt buộc xét nghiệm toàn bộ trẻ trước khi trở lại trường - Ảnh 2.

Thông báo của Trường trung - tiểu học Pétrus Ký về việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, trong đó quy định học sinh phải test nhanh, chi phí do phụ huynh chi trả - Ảnh: P.H.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-2, bà Trần Xuân Mai - hiệu trưởng nhà trường - giải thích do các em học sinh nghỉ Tết dài ngày, được gia đình đưa đi nhiều nơi nên cần test nhanh để "sạch" COVID-19, đặc biệt là với các em từ lớp 6 trở xuống chưa được tiêm vắc xin.

Việc xét nghiệm này nhà trường đã có kế hoạch và thông báo từ trước cho phụ huynh. "Hầu hết phụ huynh đồng thuận nhưng cũng có một số trường hợp cá biệt thắc mắc. Chúng tôi thông cảm với nỗi lo của những phụ huynh này và có giải thích cho họ", bà Mai cho biết.

Theo Trường Pétrus Ký, qua xét nghiệm ngày 7-2 đã phát hiện 2 em bị F0 (một em lớp 2 và một em lớp 7). 

Về thông báo sẽ "test nhanh định kỳ 2 tuần/lần", ban giám hiệu trường cho biết sẽ xem xét lại, có thể chỉ xét nghiệm định kỳ một tỉ lệ nhất định, giảm cường độ chứ không phải xét nghiệm toàn bộ học sinh. Hiện việc xét nghiệm định kỳ nhà trường đã bỏ từ khối lớp 7 trở lên do các em đã được tiêm vắc xin.

Về ý kiến phụ huynh có thể tự test nhanh cho con tại nhà không, đại diện trường cho hay trường chấp nhận kết quả test của học sinh do cơ quan y tế cấp, nhưng cho rằng việc xét nghiệm tại trường rẻ hơn rất nhiều so với tại phòng khám.

"Không bắt buộc xét nghiệm toàn bộ trẻ trước khi trở lại trường"

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 8-2, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương - cho biết chỉ đạo của UBND tỉnh và sở tới các trường là không bắt buộc xét nghiệm toàn bộ học sinh trước khi trở lại trường, mà có thể chỉ xét nghiệm theo tỉ lệ ngẫu nhiên hoặc với những trường hợp nghi vấn, có yếu tố dịch tễ…

Việc xét nghiệm và đón trẻ tới trường được lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương giao các địa phương hỗ trợ ngành giáo dục tùy theo tình hình của địa phương, vì vậy có tình trạng mỗi nơi áp dụng việc xét nghiệm khác nhau. 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đối với việc xét nghiệm COVID-19 cho học sinh, mỗi trường học tại Bình Dương thực hiện khác nhau. Có trường tự xét nghiệm toàn bộ học sinh và phụ huynh phải trả phí xét nghiệm. Có trường công lập thì phối hợp với cơ quan y tế địa phương xét nghiệm miễn phí cho học sinh, xét nghiệm một phần trong tổng số học sinh hoặc cho phụ huynh tự xét nghiệm con em ở nhà rồi chụp kết quả gửi cho giáo viên...

Thống kê của ngành y tế tỉnh, trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán (7-2), toàn tỉnh Bình Dương đã phát hiện 122 em dương tính với COVID-19 thông qua test nhanh.

Về việc có một số phụ huynh phản ánh có cơ sở giáo dục bắt xét nghiệm toàn bộ học sinh trước khi trở lại trường, đại diện Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh cho biết sẽ nắm lại thông tin và có chỉ đạo tới các trường.

Đại diện Bộ Y tế: "Chỉ nên xét nghiệm ở vùng đỏ"

Ngoài Bình Dương, ngày 7-2, bạn đọc ở huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng phản ảnh đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ về việc học sinh Trường THPT Lê Văn Hưu đến trường sau Tết Nhâm Dần phải xét nghiệm nhanh COVID-19 trong khi phụ huynh không được báo trước.

Phía nhà trường sau đó giải thích chỉ khuyến cáo phụ huynh học sinh nên đưa con em có nguy cơ cao, có triệu chứng của dịch bệnh COVID-19 đi xét nghiệm nhanh để phòng chống dịch, chứ không bắt buộc tất cả học sinh của trường phải đi xét nghiệm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, một đại diện Bộ Y tế cho rằng trong quy định mới sửa đổi hướng dẫn thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ Y tế đã hướng đến nguyên tắc quản lý chặt các vùng đỏ, không để lây lan ra các vùng xanh.

"Như vậy nếu có các quy định để chống lây nhiễm thì chỉ nên áp dụng với vùng đỏ, còn các vùng xanh, vàng vì sao lại yêu cầu xét nghiệm? Hiện nay chúng ta không còn theo đuổi con đường 'Zero COVID-19', mà chấp nhận có ca lây nhiễm nhưng quan trọng là giảm biến chuyển nặng và giảm tối đa tử vong", vị này cho biết.

Cũng theo vị cán bộ của Bộ Y tế, địa phương sẽ đánh giá nguy cơ và quyết định cách thức phòng chống dịch tại tỉnh thành mình, nhưng phải cân đối và theo nguyên tắc kể trên (quản lý chặt vùng đỏ, không để dịch lây ra vùng xanh). "Vì sao lại yêu cầu xét nghiệm học sinh, đẩy gánh nặng cho gia đình và các cháu, trong khi có yêu cầu xét nghiệm với công sở, với siêu thị, chợ hay không?", vị này nêu.

Học sinh ở Thanh Hóa đến trường sau Tết phải xét nghiệm nhanh COVID-19?

TTO - Sáng 7-2, bạn đọc ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) phản ảnh đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ về việc học sinh Trường THPT Lê Văn Hưu đến trường sau Tết Nhâm Dần phải xét nghiệm nhanh COVID-19, trong khi phụ huynh không được báo trước.

CHÂU TRẦN - L.ANH - BÁ SƠN

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sở GD-ĐT Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc lựa chọn sách giáo khoa

UBND TP Hà Nội đã ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP, từ nay đến hết ngày 31-12-2027.

Sở GD-ĐT Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc lựa chọn sách giáo khoa

129 điểm đánh giá năng lực HSA tương đương 29,27 điểm thi tốt nghiệp năm 2024 khối A00

Đây là mức quy đổi điểm trúng tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, về điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

129 điểm đánh giá năng lực HSA tương đương 29,27 điểm thi tốt nghiệp năm 2024 khối A00

Harvard đâm đơn kiện chính quyền Trump vì lệnh cấm tuyển sinh quốc tế

Đại học Harvard cho rằng động thái cấm trường này tuyển sinh quốc tế là 'vi phạm trắng trợn' Hiến pháp Mỹ và cáo buộc chính phủ đã tìm cách "xóa sổ" 1/4 số sinh viên của trường.

Harvard đâm đơn kiện chính quyền Trump vì lệnh cấm tuyển sinh quốc tế

Ngành kinh tế đất đai lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam

Năm 2025, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) chính thức tuyển sinh và đào tạo ngành kinh tế đất đai - ngành lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.

Ngành kinh tế đất đai lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam

Sinh viên quốc tế ở Harvard lo đứt gánh giữa đường

Với nhiều sinh viên quốc tế, quyết định theo học hay tốt nghiệp tại Harvard đang trở thành một giấc mơ chông chênh hơn bao giờ hết.

Sinh viên quốc tế ở Harvard lo đứt gánh giữa đường

Doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để sử dụng AI, sinh viên phải chuẩn bị để cạnh tranh

Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ, mà sẽ trở thành đồng nghiệp của các thầy cô và sinh viên ngành kinh tế trong tương lai. Do đó cần phải 'bình dân học vụ' AI ngay từ bây giờ, để làm chủ những công cụ trí tuệ nhân tạo.

Doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để sử dụng AI, sinh viên phải chuẩn bị để cạnh tranh
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar