
Kệ ti vi, kệ bảng do ông Tâm mua vật liệu rồi tự hàn - Ảnh: M.T.
Ông Trần Văn Tâm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ, nay là xã Tân Ân) tỉnh Cà Mau từ giữa tháng 7-2022.
Hợp thức hóa chi phí làm đồ dùng cho trường, hiệu trưởng vướng vòng lao lý
Do trường còn thiếu thốn cả nhân sự lẫn vật chất nên sau khi nhận nhiệm vụ, thầy hiệu trưởng đã mua vật liệu rồi làm các sản phẩm phục vụ cho công tác dạy và học.
Nhưng vì không có hợp đồng mua bán hay hóa đơn đầu vào nên không thể làm thủ tục thanh quyết toán theo quy định tài chính hiện hành. Để hợp thức hóa chi phí, ông Tâm đã mua hóa đơn của doanh nghiệp khác thực hiện thủ tục thanh toán.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hiển, ngày 29-12-2022 ông Tâm duyệt chi số tiền 11 triệu đồng theo hóa đơn bán hàng của Công ty H.K.
Công an kết luận ông Tâm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để chiếm đoạt hai lần với số tiền hơn 10,7 triệu đồng.
Ngày 17-2-2025, TAND huyện Ngọc Hiển (cũ) tuyên án ông Tâm 7 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trong hai năm và tịch thu hơn 10,7 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Ông Tâm kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không có ý đồ chiếm đoạt, chỉ sai phạm thủ tục.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Văn Tâm thừa nhận việc sử dụng hóa đơn khống là sai quy định nhưng khẳng định không có động cơ tham ô. Các sản phẩm ông làm ra đều đã được nhà trường sử dụng cho mục đích công (phù hợp với lời khai và hồ sơ chứng cứ).
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm đã bỏ qua quy trình tố tụng quan trọng và có nhiều sai sót như: không định giá tài sản do ông Tâm làm ra; không triệu tập đại diện pháp lý của nhà trường tham gia tố tụng; chưa xác minh đầy đủ thiệt hại thực tế; chưa đánh giá đúng bản chất vụ việc...
Do đó hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Cà Mau đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Ngay sau khi ông Tâm bị bắt tạm giam hồi tháng 8-2024, đồng nghiệp tại Trường THCS Tam Giang Tây tỏ ra bất ngờ. Nhiều giáo viên cho biết ông là người có tâm, tận tụy với nghề và sống giản dị.
Trong đơn đề nghị xem xét gửi các cơ quan có thẩm quyền, ông Tâm cho biết do nhà trường nhiều việc, trường lại không có phó hiệu trưởng để phụ trách chuyên môn, thiếu giáo viên, bản thân ông Tâm vừa dạy học vừa làm quản lý.
Vì vậy ông chưa kịp công khai trước tập thể các khoản chi tại thời điểm đó nên thực hiện chưa đúng về nguyên tắc sử dụng tài chính của đơn vị chứ ông không tham ô tài sản.
Rất nhiều bạn đọc đã chia sẻ về câu chuyện vì không rành thủ tục kế toán mà vướng vào lao lý của thầy Tâm. "Mong cơ quan thực thi pháp luật xem xét cả về tình và lý", bạn đọc Anh Vũ viết.
Gói đồ ăn thừa ở đám tiệc có là chuyện bình thường?
Dự đám cưới, tiệc tùng trở thành một phần trong đời sống hằng ngày của mỗi gia đình. Đến những nơi này, ai cũng ăn mặc lịch sự, vui vẻ.
Trong nhiều đám cưới, tiệc tùng, có những vị khách dự tiệc lấy một số thức ăn trên bàn tiệc mang về. Có khi là nguyên con gà bó xôi, lúc cả chục con tôm hấp bia, cua biển luộc…
Ở nhiều gia đình tại nông thôn, chủ nhà thường chủ động "chia phần" cho khách thay lời cảm ơn.
Khi chủ nhà và khách đều sẵn lòng trong việc đi dự tiệc và mang thức ăn về nhà sẽ tạo cảm giác như gia đình. Không ai cảm thấy xấu hổ vì điều này mà còn là hành động đáng khen.
Trên thực tế, không phải ai cũng có nhu cầu hoặc đồng tình với việc "được ăn, được nói, được gói mang về".
Từ bài viết "Gói đồ ăn thừa ở đám cưới, tiệc tùng mang về để tiết kiệm thì có gì sai?", nhiều bạn đọc cho rằng đó là cách tiết kiệm, văn minh, nhưng cũng có nhiều ý kiến nói việc này không nên.
Bạn đọc Giáo Thép đúc kết đúng sai, tốt xấu là do nhận thức, giáo dục gia đình và vùng miền. Bạn đọc kể thêm một câu chuyện đẹp: sau dự tiệc một người bạn gói toàn bộ tôm luộc, nho mang đi, hóa ra là để chia cho lũ trẻ nghèo ở nhà trọ.
TP.HCM lập đoàn kiểm tra các điểm "nóng" lấn chiếm vỉa hè, nghiên cứu lắp camera phạt nguội
Để xử lý căn cơ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ tham mưu UBND TP.HCM lập các đoàn kiểm tra chuyên trách, đi thực tế tại các tuyến đường "nóng" để kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý trật tự vỉa hè.
Các đoàn này sẽ làm việc trực tiếp với địa phương để xác định nguyên nhân và đề xuất cách khắc phục phù hợp.
Bên cạnh đó thành phố cũng đang nghiên cứu việc lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát để xử phạt người lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, trước mắt là tại các khu vực có vi phạm phức tạp kéo dài, kể cả khu vực Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ).
Việc này được giao cho Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát và đề xuất cụ thể.
Trao quyền để người bệnh được sống những ngày cuối đời ý nghĩa
Những năm gần đây, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã triển khai thực hành kỹ năng thông báo tin xấu và hỗ trợ người bệnh lập kế hoạch cuối đời, đặc biệt là ở các bệnh nặng như ung thư.
Đây được xem là một chuyển biến quan trọng trong tư duy chăm sóc y tế hiện đại: trao quyền và đặt người bệnh vào trung tâm của quá trình điều trị, thay vì dựa vào lựa chọn của người thân hoặc bác sĩ.
Nhiều bạn đọc đã bày tỏ ủng hộ và cho rằng trao quyền để người bệnh được sống những ngày cuối đời đỡ đau khổ cho bệnh nhân, cho người nhà. Đây là điều nhân văn, cần nhân rộng mô hình.
Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành với Tuổi Trẻ.
Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại Đường dây nóng và Zalo 23658458, email [email protected], [email protected], fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.
Bình luận hay