30/04/2025 11:02 GMT+7
Trở lại chủ đề

Hành trình không ngoảnh lại của 'bà Tây' Virginia Mary Lockett

Trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay ở Đà Nẵng, người nhận được nhiều sự quan tâm và chúc mừng nhất lại là một "bà Tây": Virginia Mary Lockett.

Virginia Mary Lockett - Ảnh 1.

Bà Virginia Mary Lockett và bức tượng đồng do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bà chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ, chủ tịch Tổ chức Steady Footsteps, người được trao Huân chương Hữu nghị sau khi dành hai thập niên toàn tâm toàn ý chăm sóc cho người bệnh Việt Nam.

Lần nào gặp, bà Virginia Mary Lockett và ông David - chồng bà - cũng đều khẳng định Việt Nam không còn là quê hương thứ hai, mà chính là nhà của họ. Lần này cũng vậy, bà nói: "20 năm trước bán nhà đi nửa vòng Trái đất sang đây, tôi đã chọn chuyến đi không có khứ hồi".

Nhân duyên với Việt Nam

Câu chuyện quay về ngày xa lắc. Lần đầu tiên bà Lockett đặt chân đến Việt Nam là năm 1995, khi cùng chồng sang nhận con nuôi ở Nha Trang. Việt Nam và Mỹ vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vợ chồng bà Lockett nhận nuôi hai người con Việt Nam như nghĩa cử hàn gắn.

Thời gian chờ đợi thủ tục nhận con kéo dài nhiều tuần, biết bà là chuyên gia vật lý trị liệu, người thông dịch viên đưa bà về thăm cha mình đang nằm liệt sau một tai nạn giao thông. Bà Lockett vẫn còn nhớ rõ: "Hồi đó điều kiện sống và y tế ở Việt Nam còn hạn chế.

Ông ấy bị gãy xương đùi nhưng không được phẫu thuật kịp thời, dẫn đến liệt toàn thân, người nhà bệnh nhân bất lực nhìn ông dần suy kiệt. Lúc tôi đến, tình hình đã không thể đảo ngược".

Hình ảnh đó ám ảnh vợ chồng Virginia suốt nhiều năm sau khi về Mỹ. Là một chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giàu kinh nghiệm, bà hiểu rằng nếu có sự chăm sóc y tế đúng cách, người đàn ông kia hoàn toàn có thể đi lại được. Nỗi ám ảnh đó thôi thúc bà trở lại, tìm kiếm cơ hội giúp đỡ bệnh nhân Việt Nam.

Khi ba người con - trong đó có hai người con nuôi Việt Nam - đã có thể tự chăm sóc bản thân, bà Lockett quay lại Việt Nam trong vai trò tình nguyện cho Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO).

Ba tuần cùng làm việc với các bác sĩ tại một cơ sở y tế chuyên phục hồi chức năng ở Đà Nẵng, hướng dẫn kỹ thuật viên điều trị phục hồi cho bệnh nhân, có chút kết quả nhưng bà không hài lòng. Thời gian ngắn, bất đồng ngôn ngữ khiến các kỹ thuật viên không thể nắm hết được kỹ năng, thói quen cũ vẫn thắng.

Quay về Mỹ, bà trăn trở: "Ở đây không có mình thì sẽ có người khác làm nhưng nếu làm việc ở Việt Nam thì nhiều người sẽ có cơ hội lành bệnh hơn". Thêm vài lần qua lại Việt Nam ngắn ngày, Virginia càng cảm thấy mệt mỏi vì vừa mất tiền vừa mất sức.

Một ngày nọ, bà quyết định nói thẳng ý định sang Việt Nam định cư với chồng, đinh ninh sẽ mất nhiều thời gian thuyết phục. Không ngờ khi nói ra, David lại gật đầu đồng ý "cái rụp". Thế là đi, "chuyến đi không có khứ hồi".

Cả hai cầm trong tay số tiền bán nhà, đáp chuyến bay đến Việt Nam với tấm visa du lịch. Họ chọn Đà Nẵng với suy nghĩ đơn giản "đến với nơi đang cần mình", thuê một căn nhà nhỏ gần đường biển Hồ Xuân Hương để được hóng gió biển như lúc còn ở bên bờ biển Virginia Beach (Mỹ).

Lúc đó đường biển này còn hoang sơ đầy những rặng phi lao, xung quanh nhà chỉ có cát trắng. Sau 20 năm, nơi đây đã trở thành một khu phố Tây sầm uất những resort quốc tế, vô vàn người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Mọi thứ đổi khác quá nhanh, duy chỉ có bà Lockett hằng ngày vẫn cần mẫn chạy xe máy đến bên bệnh nhân.

Virginia Mary Lockett - Ảnh 2.

Bà Virginia Mary Lockett chăm sóc trị liệu cho người bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Những bước chân vững vàng

Tìm không ra tổ chức phi chính phủ nào phù hợp với chuyên ngành phục hồi chức năng của mình, hai vợ chồng quyết định tự lập. Steady Footsteps (Những bước chân vững vàng) ra đời.

Ở Việt Nam, vợ chồng ông bà có bệnh nhân là người thân. Thời gian đầu bà làm việc trong một số bệnh viện, tập trung vào hai nhóm bệnh nhân chính là chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não. Một lần chứng kiến tai nạn giao thông, Steady Footsteps của vợ chồng bà đã tặng hơn 3.500 mũ bảo hiểm cho nhân viên y tế và cả thân nhân của họ.

"Đó là thời điểm trước năm 2007 khi luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm chưa ra đời. Mũ bảo hiểm thời điểm đó khá đắt nhưng tôi thấy vui vì góp phần bảo vệ được cho những người đi bảo vệ sức khỏe. Đã gần 20 năm rồi vẫn còn nhiều người giữ chiếc mũ của Steady Footsteps, đó là điều khiến tôi hạnh phúc" - ông David kể.

Năm 2010, bà Lockett quyết định "đầu quân" vào Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, trực tiếp khám, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân đột quỵ và chấn thương sọ não, bệnh nhi chậm phát triển vận động, điều trị giảm đau cho các bệnh lý cơ - xương - khớp….

Mỗi sáng bà cùng trợ lý chạy xe máy đến bệnh viện, như hình với bóng cùng các bác sĩ, hướng dẫn kỹ thuật trị liệu cho nhân viên y tế và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của người phiên dịch, các kỹ thuật viên dưới sự hướng dẫn của bà đã thuần thục các phương pháp trị liệu.

Rào cản ngôn ngữ là một thách thức lớn nhưng dần dần bà đã tìm ra cách giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt và những biểu cảm đơn giản.

Anh Nguyễn Hữu Huy, người trợ lý kiêm phiên dịch cho bà Lockett, kể nhiều lúc chỉ cần bằng ánh mắt bà Lockett đã chạm vào được những đau đớn của bệnh nhân. "Bà Lockett luôn đánh giá xem vấn đề của bệnh nhân ở đâu bằng giọng hài hước để khiến tâm trạng họ tốt lên và tin tưởng vào sự phục hồi. Tuyệt đối không bỏ cuộc" - anh Huy kể.

19 năm đồng hành, anh Huy không nhớ đã bao nhiêu người bệnh miền Trung xem bà là ân nhân, đã có bao nhiêu trường hợp từng có ý định buông xuôi nhưng khi đến với "bà Tây" họ đã không bỏ cuộc, được chữa khỏi, có thể đi đứng vận động.

Như trường hợp ông Lê Tiến - nông dân ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam - được người nhà chuyển tới Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cách đây nhiều năm. Sau đợt điều trị cấp, ông Tiến trong tình trạng mất khả năng ngôn ngữ, liệt nửa người do cơn tai biến.

Bà Lockett đã trực tiếp làm dụng cụ tập đi, tập cử động tay, luyện cho ông ngồi, lăn, đạp xe tại chỗ suốt nhiều tháng trời, tập nói lại từng từ đơn giản. Ngày ông bật ra được chữ "Cảm ơn" đã làm hai người phụ nữ tận tụy là vợ và "bà Tây" rơi nước mắt.

Ngoài công việc chuyên môn, bà Lockett còn dành thời gian sau giờ làm việc để làm những dụng cụ tập vật lý trị liệu tặng bệnh nhân, có khi là những dụng cụ để phục vụ bài tập vận động, có khi là những dây đai an toàn. Tôi luôn cố làm tất cả những gì có thể cho bệnh nhân mau chóng phục hồi" - bà nói.

Người mang đến yêu thương

20 năm qua, Tổ chức Steady Footsteps thực chất chỉ có vợ chồng bà Lockett và anh Nguyễn Hữu Huy. Không chỉ giúp những người bệnh phục hồi, "Những bước chân vững vàng" còn bắc cầu nối gieo ước mơ cho nhiều người. Trong căn nhà của bà Lockett, chúng tôi để ý có rất nhiều bức tranh phong cảnh của họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền.

Hiền gặp tai nạn giao thông khi đang là sinh viên theo học tại Đà Nẵng. Cú va chạm cướp đi đôi chân và một phần khả năng hoạt động của đôi tay. Từ sự giúp đỡ hồi phục của bà Virginia và công sức dạy vẽ của ông David, chàng sinh viên Hiền đã phát huy được khả năng của mình.

Ban đầu tổ chức của bà Virginia đặt hàng những bức tranh của anh để khích lệ động viên. Không ngờ vượt quá mơ ước, bằng tài năng và sự cố gắng, tranh của họa sĩ Hiền giờ đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới.

Anh cũng trở thành họa sĩ khuyết tật được mời tham dự các triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới. Giờ đây viên mãn bên vợ và hai con, họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền luôn xem bà Lockett là "bà Bụt" của cả gia đình.

Sau 20 năm sống ở Việt Nam, vợ chồng bà Lockett mong muốn được sống đến cuối đời ở đây bởi "Đà Nẵng là nhà". "Ông bà rất mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam. Tôi đã hoàn thiện hồ sơ thường trú cho ông bà để giảm bớt các phiền toái khi phải liên tục xin visa" - anh Huy cho biết.

Trao Huân chương, tạc tượng đồng "bà Bụt"

Hành trình không ngoảnh lại của

Bà Virginia Mary Lockett, chủ tịch Tổ chức Steady Footsteps (Mỹ) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ngày 25-2-2025, tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã trao tặng bà Virginia Mary Lockett Huân chương Hữu nghị, ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của bà trong suốt 20 năm qua tại Việt Nam.

Tấm lòng của "bà Bụt" nước Mỹ được nhiều người biết tới, trong đó có điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Văn Hạng. Ông điêu khắc bức tượng đồng bán thân của bà Lockett với sự kỳ công, những người từng biết, từng nhận sự giúp đỡ, ngưỡng mộ bà chung tay đóng góp từng giọt đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, cho biết sự có mặt hỗ trợ của bà Lockett đã khiến đơn vị phục hồi chức năng phát triển mạnh mẽ hơn, chia làm các mảng điều trị rõ ràng như vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, điện trị liệu…

Chính bà Lockett là tấm gương "lương y như từ mẫu" khi dành toàn tài, toàn tâm, toàn ý cho sự phục hồi của người bệnh. Rất nhiều lần bệnh viện ngỏ ý hỗ trợ chi phí để bà trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người nhưng bà một mực không nhận. Niềm vui của bà là được thấy người bệnh an tâm điều trị.

Bác sĩ nước ngoài tình nguyện chăm sóc thú cưng tại Việt Nam

Không chỉ lo điều trị bệnh cho những người dân ở TP.HCM, bác sĩ Paul D'Alfonso, 44 tuổi, cùng vợ đã cứu giúp nhiều thú cưng bị bỏ rơi, bị bệnh. Vợ của bác sĩ còn lập ra nhóm cứu hộ động vật tại quận 7.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Lò vi sóng tạo ra bức xạ, có gây hại khi hâm thức ăn?

Những cảnh báo lan truyền trên mạng xã hội cho rằng khi hoạt động, lò vi sóng phát ra bức xạ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lò vi sóng tạo ra bức xạ, có gây hại khi hâm thức ăn?

Từ vụ hút thuốc bồi thường 4,8 triệu, cách nào chấm dứt hút thuốc ở nơi cấm?

Nhiều bạn đọc quan tâm với câu hỏi: Các quy định cấm hút thuốc ở những nơi không được hút lâu nay thực thi ra sao?

Từ vụ hút thuốc bồi thường 4,8 triệu, cách nào chấm dứt hút thuốc ở nơi cấm?

Nụ hôn, chiếc cầu trường sinh cho tình yêu và sức khỏe?

Trong những món quà vô giá mà tạo hóa dành tặng loài người, có lẽ không gì tinh tế và kỳ diệu bằng nụ hôn.

Nụ hôn, chiếc cầu trường sinh cho tình yêu và sức khỏe?

Chưa tới 30 phút, bạn có thể cứu một mạng người

Quy trình hiến máu hiện nay diễn ra rất nhanh chóng với việc quét mã QR căn cước công dân, an toàn và hoàn toàn miễn phí. Người hiến máu sẽ trải qua các bước kiểm tra sức khỏe, lấy máu và nghỉ ngơi dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Chưa tới 30 phút, bạn có thể cứu một mạng người

Kê đơn thuốc 2-3 tháng/lần: Nhiều bệnh nhân mãn tính nói chỉ được cấp thuốc như cũ

Quy định mới cho phép kê đơn thuốc mãn tính tối đa 90 ngày nhưng tại nhiều bệnh viện, bệnh nhân vẫn chỉ nhận thuốc 28 ngày.

Kê đơn thuốc 2-3 tháng/lần: Nhiều bệnh nhân mãn tính nói chỉ được cấp thuốc như cũ

Cần tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ

Làm thế nào để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của người dân, bác sĩ và chuyên gia.

Cần tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar