Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
"Tôi quý trọng nền hòa bình. Chúng tôi đổ máu để vĩnh viễn chấm dứt đổ máu" - là lời thoại của điệp viên Nguyễn Thành Luân, mà tài tử Nguyễn Chánh Tín thủ vai, trong phim Ván bài lật ngửa.
50 năm sau chiến tranh, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối tiếp nối khát vọng hòa bình.
Khi được hỏi cái kết của phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối sao không tươi sáng hơn mà tô đậm sự thảm khốc của chiến tranh, diễn viên Cao Minh (đóng vai chú Sáu, một nhà cách mạng trong phim) nói với Tuổi Trẻ: "Cái kết tươi sáng nhất không phải là khi chúng ta - tôi và các bạn - đang ngồi ở đây, giữa hòa bình, và xem một bộ phim kể về chiến tranh hay sao? Nếu không có những con người ngày ấy chiến đấu thì giờ đây chúng ta đâu có được nền hòa bình này".
Dường như cách nói này có thể sử dụng để nói về tất cả những bộ phim chiến tranh cách mạng với đầy mất mát hy sinh của chúng ta.
"Địa đạo chìm trong bóng tối lặng im. Mặt đất rung dưới làn xích xe tăng. Tiếng lửa vòi phun, tiếng cỏ cây bùng cháy. Đất nung nóng làn da bỏng rát. Dưỡng khí đang cạn dần...
Địa đạo Củ Chi. Bàn chân ai con dế ngừng kêu. Nơi cửa hầm đèn pin lấp loáng. Lửa đầu nòng bừng trong bóng tối. Những con mắt sáng trong màn đen địa đạo. Như mặt trời" là những câu thơ trong bài thơ Mặt trời trong bóng tối - một nguồn cảm hứng để đạo diễn Bùi Thạc Chuyên làm nên bộ phim.
Khác với phong cách anh hùng ca thường thấy trong các bộ phim chiến tranh, với một hoặc hai nhân vật chính nổi bật hoàn toàn và trở thành biểu tượng điện ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chủ trương làm Địa đạo theo phong cách tài liệu, lát cắt cuộc sống với nhân vật chính là "địa đạo" thay vì là bất cứ con người nào.
Phim theo sát cuộc sống của những người du kích trong lòng địa đạo Củ Chi - từ những cảnh chiến đấu ác liệt, chế mìn chống tăng, làm hầm chông, tiêu diệt địch đến đời sống thường ngày như nấu cơm, quây quần bên bữa ăn, làm đám cưới, tặng nhau chiếc lược làm từ vỏ bom Napalm, ca vọng cổ, mời nhau ấm trà thơm...
Hình thành từ kháng chiến chống Pháp và được mở rộng quy mô lớn trong kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Củ Chi góp phần quan trọng để có chiến thắng cuối cùng ngày 30-4-1975, kết thúc hơn 20 năm đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam. Những hình ảnh này xứng đáng được đi vào điện ảnh, hôm nay và mai sau.
Trong Cánh đồng hoang (chiếu năm 1979) của đạo diễn Hồng Sến, đôi vợ chồng làm giao liên cùng đứa con nhỏ sống bám trụ trên cánh đồng hoang ở Đồng Tháp Mười ngập nước. Lâm Tới và Thúy An trong vai đôi vợ chồng, xuất hiện xuyên suốt bộ phim cùng cháu bé 9 tháng tuổi Nguyễn Văn Bình (cháu ruột của đạo diễn Hồng Sến, nay đã là người đàn ông gần 50 tuổi).
Không có hầm tránh bom, làm giao liên bằng thuyền nên những chiến sĩ ở đây chỉ có cách duy nhất là lặn xuống nước trốn mỗi khi có máy bay truy đuổi. Giữa không gian chơi vơi mênh mông của nước, máy bay trực thăng Mỹ nhiều lần lùng sục gia đình nhân vật chính.
Quyết tâm bám trụ trạm giao liên, đôi vợ chồng phải vừa chăm nuôi con nhỏ vừa làm nhiệm vụ trong điều kiện sống ngặt nghèo.
Họ và đứa bé thường xuyên đối mặt hiểm nguy, nhiều lần chèo thuyền giữa làn đạn và mưa bom, có lúc bị bom nổ tung thuyền, có lúc phải buộc đứa bé vào túi ni lông dìm xuống nước để tránh bị máy bay phát hiện.
Có lúc người mẹ đang làm vảy cá chuẩn bị bữa ăn, sơ suất để cậu con trai nhỏ rơi xuống nước. Người cha hoảng hốt lao ngay xuống cứu con, rồi vì quá nóng giận, anh vung tay đánh vợ để rồi hối hận ngay sau đó.
Trong một mối tương quan đậm chất văn học, viên trung úy được giao nhiệm vụ lái máy bay tìm gia đình giao liên cũng là một người cha có con nhỏ. Người vợ vừa sinh con tại Mỹ nên anh ta khao khát hoàn thành nhiệm vụ để nhận được phần thưởng là chuyến nghỉ phép về thăm vợ con. Khi máy bay rơi, người trung úy cũng bị bắn chết và tấm ảnh của vợ con anh ta rơi xuống đám lau sậy trên cánh đồng hoang.
Anh ta mãi mãi không thể trở về với gia đình mình sau khi đã tự tay tiêu diệt người cha của một gia đình khác ở đất nước Việt Nam xa xôi này.
Khi kẻ phản bội cách mạng Ba Cẩn thuyết phục người anh hùng Sáu Tâm ra hàng với lý lẽ: "Tụi mình cực như vậy đến bao giờ nữa chứ? Chẳng lẽ cứ sống chui rúc thế suốt cả cuộc đời?", Sáu Tâm đã nhổ nước bọt vào mặt hắn và quát: "Câm mẹ mày đi". Đó là những giây cuối cùng trong cuộc đời Sáu Tâm (Thương Tín đóng), nhân vật biểu tượng của Biệt động Sài Gòn, trước khi anh bị bắn và hy sinh trên cây cầu.
Câu nói của Sáu Tâm ở trên, và các màn văng tục của Bảy Theo (Thái Hòa đóng) trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối mới đây, đều rất ấn tượng. Nếu câu nói của Sáu Tâm thể hiện sự khinh bỉ tận cùng đối với kẻ phản bội thì những câu nói của Bảy Theo như để giải tỏa sự bức bối của một người đội trưởng du kích khi mang trên mình nhiệm vụ quá nặng nề, đẩy tính mạng của đồng đội vào thế ngàn cân treo sợi tóc.
Khác với các phim chiến tranh xưa, Biệt động Sài Gòn (công chiếu lần đầu năm 1985) của đạo diễn Long Vân là phim có màu. Phim làm về thời điểm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Bối cảnh là Sài Gòn tấp nập ngày đó, có cả bảng hiệu Coca - Cola xuất hiện trong nhà hàng nơi giới thượng lưu ăn uống linh đình ngay trước một cuộc tấn công đẫm máu.
Mối tình nghìn trùng thương nhớ giữa Tư Chung (tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn) và chiến sĩ tình báo Huyền Trang (ni cô Huyền Trang) cũng là "xương sống" của loạt phim. Vì hoạt động cách mạng, họ phải xa cách 10 năm, đến khi tưởng chừng được ở bên nhau thì lại xa cách một lần nữa vì Huyền Trang phải thay thế Sáu Tâm đã hy sinh để thực hiện nhiệm vụ quan trọng.
Khi ở bên nhau những phút cuối cùng trước đêm giao thừa năm 1968, Tư Chung hoài niệm về những "ngày Bắc - đêm Nam" không nguôi thương nhớ người yêu. Còn Huyền Trang, mỗi khi nhìn về sao Bắc Đẩu, thấy sao Ngưu Lang, cô lại nhớ đến Tư Chung. Chỉ cần sống sót qua xuân Mậu Thân, họ sẽ được đoàn tụ ở Hà Nội, nhưng cuối cùng một trong hai người đã trở thành vì sao sáng.
Tình yêu trong chiến tranh luôn là đề tài bất tận để các nhà làm phim khai thác, và Biệt động Sài Gòn đã để lại những câu chuyện tình không thể nào quên.
"Tôi là lính, vì là lính, tôi quý trọng nền hòa bình. Chúng tôi đổ máu để vĩnh viễn chấm dứt đổ máu. Tôi sẽ làm tất cả vì nền hòa bình sau khi đã làm tất cả vì độc lập" - điệp viên Nguyễn Thành Luân (Nguyễn Chánh Tín) nói khi đối diện với Ngô Đình Nhu trong phim Ván bài lật ngửa (đạo diễn Khôi Nguyên, tức Lê Hoàng Hoa; tác giả nguyên tác Giữa biển giáo rừng gươm Nguyễn Trương Thiên Lý, tức nhà văn Trần Bạch Đằng).
Đây là bộ phim chiến tranh cách mạng hiếm hoi của Việt Nam thể hiện rõ lối sống của giới thượng lưu với giá trị sản xuất rất cao khi thực hiện trong những năm 1982 - 1987. Tiếc rằng chất lượng hình ảnh còn thô sơ và màu đen trắng của phim ảnh thời kỳ trước đã không thể hiện đầy đủ mức độ đầu tư của bộ phim này.
Hình tượng đại tá Nguyễn Thành Luân trở thành bất hủ qua diễn xuất và nét điển trai của Nguyễn Chánh Tín
Những bữa tiệc xa hoa của giới thượng lưu thuộc chính quyền Sài Gòn cũ cùng các thú vui hưởng thụ ăn chơi khác, phòng họp nơi tiếp đón khách quý, trang phục quyền quý, những chiếc xe hơi cổ điển, vẻ đep lịch lãm quý phái của dàn diễn viên mà nổi bật nhất là Nguyễn Chánh Tín - người đàn ông Việt Nam đẹp bậc nhất màn ảnh cùng kịch bản đầy kịch tính và hấp dẫn xoay quanh một nhân vật chính có sức hút lớn.
Điệu nhạc jazz tình tứ làm nền cho cảnh phim Nguyễn Thành Luân ngồi giấu tài liệu mật vào điếu thuốc, rồi bước ra xe, bị hai tên lạ mặt phục kích ám sát nhưng không thành - toàn bộ trường đoạn đậm chất tài tử kiểu phim hành động điệp viên Hollywood.
Lời thoại của phim cũng đắt giá, đặc biệt là những màn thoại như đấu trí tay đôi đầy ẩn ý và chiều sâu trong quá trình Nguyễn Thành Luân làm công tác tình báo.
Đoạn kết phim để lại ấn tượng sâu đậm khi nhân vật ông cố vấn Ngô Đình Nhu (Lâm Bình Chi đóng) đúc kết với Nguyễn Thành Luân: "Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa. Anh nắm nhiều chủ bài hơn tôi. Ngay giây phút này, tôi vẫn có thể xóa anh.
Nhưng tôi sẽ không làm việc đó". Đáp lại, Nguyễn Thành Luân nói: "Cám ơn anh. Với tôi, cái lớn nhất là Tổ quốc, là lý tưởng mà tôi theo đuổi". Và sau đó mọi chuyện đã là lịch sử. Ngô Đình Nhu ra đi, Nguyễn Thành Luân cũng mất đi một đối thủ tầm cỡ.
Ván bài lật ngửa không chỉ khiến người xem tự hào vì lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, mà còn tự hào vì trình độ làm phim đáng nể của người Việt hơn 40 năm trước.
-------------------------------------------------------------------------------------
Tin cùng chuyên mục
Thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Bình luận hay