
Thành phố Milan, Ý trở thành điểm đến hàng đầu của giới siêu giàu - Ảnh: THE OBSERVER
Theo công ty chuyên về lĩnh vực định cư Henley & Partners, Ý là điểm đến lý tưởng thứ ba trên thế giới đối với các triệu phú, sau Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với 9.800 người và Mỹ với 7.500 người.
Con số này bỏ xa các điểm đến truyền thống như Thụy Sĩ (chỉ 3.000 người).
Đài Euronews nhận xét việc này phản ánh xu hướng nhiều triệu phú trên thế giới chuyển sang các địa phương có môi trường "thân thiện với túi tiền".
Điểm đến mới của giới tài phiệt toàn cầu
Từ năm 2017, Ý áp dụng chính sách thuế phẳng đặc biệt được gọi là “CR7 rule”, cho phép người nước ngoài không có tư cách cư trú trả 200.000 euro/năm thuế thu nhập toàn cầu trong 15 năm đầu, thấp hơn nhiều so với hệ số thuế thông thường.
Nếu người thân cùng đăng ký, mức phí chỉ còn 25.000 euro/năm. Chế độ này áp dụng cho các nguồn thu như đầu tư tài chính, bản quyền hình ảnh, cổ tức, di sản ở nước ngoài. Trong khi đó, thu nhập tại Ý vẫn áp thuế bình thường.
Kết quả là nhiều nhân vật, doanh nhân giàu có từng cư trú tại thủ đô London (Anh) đã chuyển đến Ý, đặc biệt là thành phố Milan, miền bắc nước Ý - một trung tâm tài chính mới nổi.
Milan ghi nhận mức độ gia tăng mạnh mẽ không chỉ thu hút các triệu phú, mà còn thu hút nhân sự cấp cao từ các tập đoàn lớn.
Các nhân vật như Richard Gnodde (phó chủ tịch Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ) và doanh nhân người Ý Elio Leoni-Sceti, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm The Craftory, cùng nhiều doanh nhân giàu có khác, đã chọn Milan làm địa điểm cư trú.
Lý do không chỉ bởi ưu đãi thuế mà còn nhờ khí hậu Địa Trung Hải, giao thông thuận tiện, ẩm thực đẳng cấp và cơ sở hạ tầng tài chính, dịch vụ cao cấp đang mở rộng nhanh chóng, từ khách sạn cao cấp đến câu lạc bộ riêng tư và văn phòng dịch vụ pháp lý quốc tế.
Theo báo cáo tài sản toàn cầu năm 2025 của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), tài sản tài chính đầu tư của Ý đạt khoảng 6.900 tỉ USD năm 2024, đứng thứ 8 thế giới.
Trong đó 40% được đầu tư vào cổ phiếu và quỹ, 25% gửi tiết kiệm, 18% trong bảo hiểm nhân thọ và hưu trí, phần còn lại là trái phiếu.
Dự báo đến năm 2029, luật tài sản tài chính của Ý có thể tăng trung bình 6,5% mỗi năm, lên tới gần 9.500 tỉ USD.
Hai mặt của chính sách thu hút người giàu
Nước Ý hiện có khoảng 517.000 triệu phú và 2.600 người siêu giàu (tài sản trên 100 triệu USD). Dự báo trong 4 năm tiếp theo, số triệu phú tăng khoảng 1%/năm, trong khi nhóm siêu giàu tăng nhanh hơn với 3%/năm.
Những người ủng hộ chế độ thuế hiện hành ở Ý cho rằng sự hiện diện của giới tài phiệt là động lực tiêu dùng, đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp, từ đó gia tăng thu ngân sách và hỗ trợ phát triển.
Ngược lại, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ cuộc chạy đua “trả thuế thấp đi”, có thể thổi giá bất động sản và dịch vụ, đặc biệt khi nhiều người giàu chọn Ý làm nơi nghỉ hưu thời thượng.
Bình luận hay