
Ảnh chụp một khu dân cư ở đảo Greenland tháng 7-2024 - Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi muốn phát triển và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, điều này đòi hỏi các khoản đầu tư từ bên ngoài”, bà Naaja Nathanielsen - người đứng đầu cơ quan phụ trách kinh doanh và tài nguyên khoáng sản Greenland - nói tới tạp chí Financial Times.
Khi được hỏi về khả năng hợp tác với Trung Quốc, bà Nathanielsen cho biết Greenland muốn hợp tác với các đối tác châu Âu và Mỹ. Nhưng nếu không được, hòn đảo này cần tìm đến những quốc gia khác.
Hiện tại chỉ có hai công ty khai khoáng Trung Quốc hoạt động ở Greenland. Bà Nathanielsen suy đoán có thể các nhà đầu tư Trung Quốc đang do dự vì họ không muốn “khiêu khích điều gì đó”.
Những tuyên bố của bà Nathanielsen cho thấy Greenland mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây trong một số lĩnh vực như khai khoáng và du lịch.
Biên bản ghi nhớ về hợp tác khoáng sản giữa Mỹ và Greenland - văn bản được ký vào nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump - sắp kết thúc và chưa rõ liệu Washington có muốn gia hạn hay không.
Về phía Mỹ, ông Trump nhiều lần khẳng định sẽ sáp nhập vùng lãnh thổ Greenland thành một phần của xứ sở cờ hoa, thay vì đối thoại với hòn đảo này một cách thiện chí về khoáng sản như họ kỳ vọng.
Trong buổi phỏng vấn, bà Nathanielsen đã gọi những lời đe dọa của ông Trump về việc kiểm soát Greenland là “thiếu tôn trọng và gây khó chịu”.
Mặt khác, Greenland vừa hoan nghênh việc cấp giấy phép khai thác đầu tiên cho một tập đoàn Đan Mạch - Pháp để khai thác anorthosite, một loại khoáng sản được sử dụng trong ngành công nghiệp sợi thủy tinh.
Đảo Greenland nằm ở vị trí địa chính trị trọng yếu tại Bắc Cực, sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn, trong đó có vàng và đồng, nhưng lại khó khai thác.
Bình luận hay