
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trở thành nạn nhân mới nhất của công nghệ giả giọng tinh vi bằng AI - Ảnh: Reuters
Loạt quan chức chính quyền Trump trở thành mục tiêu
Trong thông báo phát hành hồi tháng 5, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo người dân không nên mặc định tin tưởng các tin nhắn tự xưng từ quan chức cấp cao chính phủ.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quan chức liên bang và bang trở thành mục tiêu của các chiến dịch mạo danh tinh vi.
Kẻ xấu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả giọng và viết nội dung mang văn phong giống nạn nhân nhằm đánh lừa người nhận.
Theo báo cáo ngày 9-7 của tạp chí Time, các hành vi này thường nhằm chiếm đoạt thông tin nhạy cảm hoặc lừa đảo qua điện thoại bằng tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại, gọi là "vishing" (voice phishing).
Trong bức điện tín ngày 3-7, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh quốc gia Marco Rubio là nạn nhân mới nhất trong chuỗi vụ mạo danh bằng AI nhắm vào quan chức cấp cao.
Một cá nhân chưa rõ danh tính đã dùng AI để mô phỏng giọng nói và văn phong của ông Rubio, rồi liên hệ với ba ngoại trưởng nước ngoài, một thống đốc bang và một nghị sĩ Mỹ qua ứng dụng Signal.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết kẻ mạo danh có thể đã tìm cách tiếp cận thông tin hoặc tài khoản của các quan chức, và đây không phải là trường hợp đơn lẻ.
Lừa đảo bằng AI sẽ ngày càng tinh vi hơn
Trước đó, vào cuối tháng 5, tờ Wall Street Journal đưa tin giới chức liên bang đang điều tra một vụ tương tự, trong đó Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles bị một đối tượng dùng AI giả giọng để tiếp cận các thượng nghị sĩ Cộng hòa có ảnh hưởng và giới doanh nhân.
Dù các cuộc gọi và tin nhắn không đến từ số cá nhân của bà Wiles, nhiều người nhận cho biết giọng nói rất giống bà, làm dấy lên nghi ngờ rằng kẻ mạo danh đã dùng AI để giả giọng.
Ngược lại, Tổng thống Donald Trump tỏ ra không quá lo ngại. Ông nói: "Không ai có thể bắt chước Susie. Chỉ có một Susie mà thôi".
Tuy nhiên, giới chức an ninh vẫn cảnh báo mức độ nghiêm trọng, nhất là khi ông Trump thường xuyên dùng điện thoại cá nhân và có thói quen nghe máy từ số lạ.

Chánh Văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles - Ảnh: Reuters
"Chuyện này chỉ là vấn đề thời gian. Chúng ta đang sống trong một thế giới mới và cần sớm tìm cách tự bảo vệ", ông David Axelrod, cựu chiến lược gia cấp cao của cựu tổng thống Barack Obama, chia sẻ với Time sau vụ ông Rubio bị mạo danh.
"Quan chức cấp cao nên dùng nền tảng bảo mật thay vì ứng dụng nhắn tin phổ thông để tránh bị lừa kiểu này", ông Nicholas Thompson, giám đốc điều hành tạp chí Atlantic, khuyến cáo.
Lời khuyên của ông Thompson được đưa ra sau khi tổng biên tập của tạp chí này vô tình bị thêm vào nhóm chat Signal cùng các quan chức Mỹ như ông Rubio, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và cựu cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz.
Theo tạp chí Time, công ty công nghệ Rev cho biết giọng giả bằng AI thường có ba đặc điểm: ngữ điệu đều, cách nói gượng và âm nền lạ. Tuy nhiên, công nghệ hiện nay đã tinh vi hơn, khiến việc nhận diện ngày càng khó.
Công ty phần mềm bảo mật McAfee cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo thường bất ngờ, giọng vội vã, yêu cầu thông tin cá nhân và gây áp lực bằng cách đe dọa hậu quả nếu nạn nhân không phản hồi ngay.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ mở cuộc điều tra toàn diện và tăng cường biện pháp phòng ngừa.
FBI cũng khuyến cáo người dân nên báo ngay cho cơ quan này hoặc các đơn vị an ninh nếu nghi ngờ thông tin mình nhận là giả mạo.
Bình luận hay