TTCT - Ngay mùa tựu trường, một tờ báo đưa tin Ksor Sôn, học sinh lớp 6 ở Ia Der, Gia Lai vừa tự tử bằng một sợi dây. Điều gì khiến một đứa trẻ 11 tuổi - cái tuổi ham chơi, ham vui - quyết định chấm dứt cuộc sống của mình sau khi vừa nổi lửa nấu một nồi cơm? Em đã từng bao nhiêu lần có ý định đó, hay chỉ vì một cơn buồn vô hạn không kịp nghĩ suy? Minh họa: Bảo Tâm Em đi rồi, và chỉ em mới biết rõ nguồn cơn. Những người nghe tin như chúng ta - có thể nhói đau rồi cũng quên đi - chỉ biết là có một niềm mong mỏi của em chưa bao giờ thành hiện thực: có một bộ quần áo mới để mặc đi học - như chia sẻ của cha em trong niềm ân hận không sắm sửa được quần áo mới cho con. Niềm mong ước ấy của em kéo dài 6 năm đến lớp, 11 năm mặc những bộ quần áo nhàu cũ của anh mình - người anh cũng từng từ chối cuộc sống bằng một sợi dây. Chúng tôi đọc tin về Ksor Sôn khi vừa rời Hà Tĩnh để về lại Sài Gòn sau chuyến đi tặng quà cho 300 em học sinh tiểu học ở Kỳ Anh - vùng biển chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi chất thải độc hại của Formosa. Chiều muộn hôm đó, khi các em học sinh ở điểm tặng quà cuối cùng đã về gần hết, một người mẹ dẫn cậu con trai đến hỏi chúng tôi có còn dư bộ quần áo nào không? Gương mặt người mẹ khẩn cầu, thoáng buồn. Gương mặt cậu bé không hẳn là buồn nhưng không có chút lấp lánh hi vọng nào trong ánh mắt. Lúc đó, chúng tôi chỉ còn dư hai bộ quần áo dành cho bé gái. Khi chưa kịp ướm thử quần cho cậu bé, mẹ cậu đã nói ngay: “Rộng chật gì cũng được, về sửa lại”. “Quần này vừa rồi, chị giữ cho bé nhen, còn áo thì tụi em không tặng được rồi vì đây là áo nữ, có bèo”. “Không sao hết, về tui cắt bèo ra”. Rồi hai mẹ con vội vã mang bộ áo quần mới dành cho bé gái về, gương mặt không còn nét thất vọng nhưng cũng không nụ cười... Nhưng những ngày này, tôi vẫn tự “vẽ” cho mình hình ảnh cậu bé nở nụ cười khi mặc bộ quần áo mẹ em đã chỉnh sửa đến lớp. Con nít mà, cái gì mới tinh cũng thích. Quà ít, quà nhiều, miễn là có quà. Em không đặt câu hỏi với chúng tôi về “cần câu” hay “con cá”, về mục đích chúng tôi mang những món quà khai trường đến cho bất kỳ đứa trẻ nghèo nào. Đơn giản, chúng tôi tin em sẽ có thêm chút niềm vui cho ngày tựu trường với cặp mới, nón mới, giày mới và tất cả những hành trang cơ bản nhất cần sắm sửa cho một đứa trẻ đi học, tất cả đều mới và là “của chính em”. Chúng tôi không biết được đường đến trường của các em rồi sẽ dài bao lâu, nhưng ngay lúc này đây, em sẽ có thêm một ít động lực để nối dài giấc mơ sách vở... Như với các em Trường tiểu học Kỳ Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chúng tôi vẫn nuôi hi vọng một số em có quà khai trường sẽ rục rịch trở lại lớp học. Trường đã tựu trường từ cách đây một tuần, nhưng chỉ khoảng 100 trong 700 em đến lớp, bởi cha mẹ các em - hầu hết là ngư dân bị thiệt hại nặng nề trong “sự cố môi trường” - không cho phép. Trong sự loay hoay và bế tắc của cuộc mưu sinh, họ làm mọi cách để biểu thị sự phẫn uất, kể cả tạm thời ngăn đường học của con. Tôi tin, cha mẹ các em rồi sẽ nghĩ lại, nếu đã cùng chúng tôi nhìn thấy các em xúm xít khui quà, hấp tấp thử đôi giày mới, chiếc áo mới, chăm chú tột độ vào từng món quà nhỏ hay mải miết ngồi đọc tập truyện thiếu nhi vừa được tặng, mặc kệ tiếng ồn xung quanh... Mùa tựu trường về, nhớ người mẹ Kỳ Anh, tôi lại nhớ ba chữ “áo cao su” nhiều em ở Trường Đưng K'Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng) đồng thanh hét lên khi chúng tôi lấy trong “chiếc cặp quà bí mật” ra một chiếc áo mưa, đố các em đó là gì. Nhớ tiếng la “dép!” của các em Trường tiểu học Thạnh Yên (Kiên Giang) khi thấy đôi giày mới. Nhớ đôi ủng màu tím của một cậu bé lớp 5 Trường tiểu học Đông Sơn (A Lưới) - thứ duy nhất em có để mang, “kế thừa” từ giày đi rừng của người lớn để lại. Nhớ đôi mắt xoe tròn hạnh phúc của cậu bé ở Trường tiểu học Đại Ân (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) khi tròng lên chiếc áo ngả màu cháo lòng của em một chiếc áo trắng mới tinh... Nhớ cái miệng chữ O của cậu nhóc Chợ Vàm (An Giang) khi nhìn vào chiếc cặp có ảnh siêu nhân: “Em thích siêu nhân!”. Rất nhiều, nhiều nữa, những ánh mắt lấp lánh chúng tôi nhìn thấy trong mỗi chuyến đi, những gương mặt cứ từ từ bừng sáng dù tóc rối, dép nhựa mòn, quần cao ngang ống chân vì mặc đã lâu... Càng đi, chúng tôi càng tin: Đứa trẻ nào cũng xứng đáng có quà. Không nhìn thấy một đứa trẻ tỉ mẩn viết bài với chiếc bút chì đã cùn ngang ngón tay, sao chúng ta có thể hình dung niềm vui to lớn của em khi được tặng một cây bút chì mới? Mùa tựu trường về, thi thoảng trong những giấc mơ của tôi vẫn có hình ảnh các bạn nhỏ. Những giấc mơ cho một mùa tựu trường lấp lánh sắc màu. Rất nhiều nụ cười khi chúng tôi trao và nhận cùng nhau những niềm vui nho nhỏ. Vậy mà, mỗi lần nhớ, nước mắt ở đâu cứ lặng lẽ ứa ra. Bởi tôi biết, còn bao nhiêu là nỗi buồn thiếu ăn thiếu mặc của những đứa trẻ... ở xung quanh đây, là lỗi của tất cả những người lớn này.■ Tags: Trẻ emMùa khai trườngQuà cho trẻ
Người mắc COVID-19: Cách ly như thế nào? DƯƠNG LIỄU 21/05/2025 Trong bối cảnh ca mắc COVID-19 tại một số nước đang có xu hướng gia tăng, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị các cơ sở y tế sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị ca bệnh COVID-19.
Dự kiến chi trả hơn 8.690 tỉ đồng cho trên 43.120 bị hại vụ Vạn Thịnh Phát trong thi hành án đợt 1 TUYẾT MAI 21/05/2025 Theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM (THADS), tính đến ngày 21-5, đơn vị này đang giữ hơn 7.744 tỉ đồng liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, dự kiến sẽ chi trả cho người thi hành án đợt 1 hơn 8.690 tỉ đồng.
2 nam sinh chết thương tâm khi quay clip diễn tả tình huống đuối nước NGUYÊN BẢO 21/05/2025 Sau khi quay cảnh 3 nam sinh nhảy xuống nước, thấy bạn bị đuối nước nam sinh đứng quay clip phía trên đã chạy đi gọi người cứu. Kết quả một nam sinh được cứu, hai người còn lại không qua khỏi.
Lãng mạn mùa sao đen rụng ở thành phố cây xanh số 1 Việt Nam MẬU TRƯỜNG 21/05/2025 Miền Tây bước vào mùa mưa, cũng là lúc những con đường trong TP Trà Vinh - nơi được mệnh danh là "thành phố cây xanh" - lại được nhuộm vàng bởi những cánh sao đen, phủ kín vỉa hè và cả lòng đường.