
Khu đất của vợ chồng ông Thế Anh đã được thu hồi, đang thi công trong khi ông vẫn chưa được hỗ trợ do đợi xác nhận nông dân - Ảnh: AN BANG
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, vợ chồng ông Nguyễn Thế Anh (43 tuổi, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) kể về rắc rối hơn 1,5 năm chưa được hỗ trợ và phải đợi xác nhận nông dân.
Hơn 20 năm nuôi trồng vẫn phải xác nhận nông dân
Theo trình bày, vợ chồng ông Thế Anh có khu đất nông nghiệp 12.394m2 ở thị trấn Tân Phú. Năm 2023 UBND huyện Tân Phú thu hồi toàn bộ diện tích đất trên của vợ chồng ông để thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư 15ha thị trấn Tân Phú.
Tháng 12-2023 huyện Tân Phú duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ cho vợ chồng ông tổng cộng hơn 17,5 tỉ đồng gồm các khoản bồi thường về đất, bồi thường nhà, vật kiến trúc, bồi thường cây trồng và thưởng di dời.
Tìm hiểu về chính sách thì ông Thế Anh phát hiện mình chưa được huyện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp khi vợ chồng ông sản xuất nông nghiệp ổn định hơn 20 năm nhưng đã bị thu hồi hết đất nên kiến nghị. Huyện Tân Phú giao Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp rà soát hồ sơ, xem xét giải quyết.
Theo hướng dẫn, ông Thế Anh làm đơn gửi UBND xã Phú Lâm là nơi vợ chồng ông đăng ký thường trú để xác nhận nông dân. Còn UBND thị trấn Tân Phú cũng đề nghị UBND xã Phú Lâm xác nhận vợ chồng ông Thế Anh có sản xuất nông nghiệp.
Trình bày về quá trình làm nông của mình, ông Thế Anh cho hay từ nhỏ ông sống với cha mẹ ở xã Phú Lâm. Gia đình ông nhiều đời làm nông ở đây. Cuối năm 2003 vợ chồng ông mua được khu đất 12.394m2 ở thị trấn Tân Phú và tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Trên mảnh đất đó vợ chồng ông đã trải qua hơn 20 năm chăn nuôi, trồng trọt từ mở trại nuôi heo, nuôi gà, trồng cây hoa kiểng, xưởng làm đồ gỗ…
Tại biên bản kiểm đếm (tháng 10-2022) các cơ quan chức năng của UBND huyện Tân Phú ghi nhận trên đất của ông có vườn hồ tiêu cùng hàng trăm cây trồng các loại như xà cừ, dầu, chuối, vú sữa, mít… kèm với nhà tiền chế, chuồng gà, hầm tự hoại, hầm nước, hệ thống tưới tự động…
"Vợ chồng tôi nuôi trồng đủ loại từ nuôi heo, gà, trồng hồ tiêu… có năm được cũng có lúc thất bát. Mấy năm nay tôi mở cơ sở kinh doanh thêm nghề làm đồ mỹ nghệ, cây kiểng để cung cấp, bố trí sân vườn, cảnh quan cho các nhà có nhu cầu. Khi kiểm đếm cơ quan chức năng cũng ghi nhận vườn tược, cây cối như thế. Quá trình làm nông của tôi ở thị trấn Tân Phú như thế nhưng vẫn phải về nơi thường trú để xác nhận nông dân…", ông Thế Anh thắc mắc.
Xác nhận nông dân xong tiếp tục chờ
Tại công văn gửi xã Phú Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phú Trần Cao Trí Hóa đề nghị xã Phú Lâm xác nhận để có cơ sở áp dụng hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho vợ chồng ông Thế Anh.
Đến đầu tháng 3-2025, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lâm Bùi Quang Hòa đã gửi văn bản xác nhận vợ chồng ông Thế Anh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
"Sau khi có xác nhận nông dân, vợ chồng tôi vẫn chờ và chưa biết khi nào được hỗ trợ. Trước đó, UBND huyện Tân Phú cũng thông báo về việc đang tính toán bố trí cho vợ chồng tôi 1 lô nền tái định cư nhưng cũng chưa thấy", chỉ tay về khu vực thi công đi qua khu đất, ông Thế Anh nói.
Nhận định về vụ việc, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng việc UBND thị trấn Tân Phú đề nghị xã Phú Lâm nơi vợ chồng ông Thế Anh đăng ký thường trú xác nhận nông dân là đúng theo trình tự dù chưa hợp lý bởi lẽ ông Thế Anh sản xuất nông nghiệp hơn 20 năm trên khu đất tại thị trấn Tân Phú.
"Vợ chồng ông Thế Anh bị thu hồi toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp, vì vậy cơ quan chức năng cần sớm hỗ trợ, tái định cư để bù đắp thiệt hại quyền lợi của người có đất theo quy định…", luật sư Tuấn nói.
Bình luận hay