Đồi Thánh giá ở Lafayette

DUY ANH 27/07/2008 20:07 GMT+7

TTCT - Tháng 11-2006 một số cư dân ở thành phố Lafayette, bang California, Hoa Kỳ bắt đầu đặt những thánh giá màu trắng cao 1,8m trên Deer Hill, ngọn đồi nhìn xuống đại lộ cao tốc State Route 24 thuộc vùng ngoại ô Contra Costa.

Phóng to

Đồi Thánh giá với bảng hiệu trên cùng ghi con số 4.100 binh lính đã chết ở chiến trường Iraq

Với tên gọi “Crosses of Lafayette”, những thánh giá này có ý nghĩa tượng trưng và tương ứng với số lính Mỹ chết trong cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn ở Iraq. Phía trên những thánh giá, nằm trên đỉnh đồi là một bảng hiệu lớn ghi số người đã chết.

Người khởi xướng là ông Jeff Heaton, một người hoạt động chống chiến tranh cùng chủ nhân miếng đất là cụ bà Louise Clark, 81 tuổi và chồng là Johnson Clark, một cựu chiến binh thời Đệ nhị thế chiến.

Chỉ là nơi tưởng niệm

Sự hiện hữu của đồi Thánh giá cùng số người đến tưởng niệm đã tạo sự chú ý ngày càng nhiều đối với giới truyền thông. Đồi Thánh giá trong những ngày đầu được dựng lên không được mọi người đồng tình. Chỉ hôm sau, nữ trung sĩ Jean Bonodio thuộc lực lượng vệ binh Hoa Kỳ đã đến phá làm đổ một số thánh giá trên đồi cùng những lời lẽ quá khích.

Một tuần sau, một người chống chiến tranh lại đặt một bảng hiệu lớn nói lên sự đồng tình của mình ở đồi Thánh giá với dòng chữ “Bush lied - Troops died” (Bush nói dối - Binh lính chết). Việc này đã gặp phản ứng của chính quyền địa phương và cả những người đề xướng. Ông Jeff Heaton nói với báo chí: “Đồi tưởng niệm không được xây dựng với mục đích chính trị, chỉ để mọi người đến tưởng niệm, bày tỏ tình cảm với người đã chết”. Bảng chữ đó đã được âm thầm dỡ bỏ trong đêm. Những người tình nguyện đã đến đặt thêm thánh giá và lúc đó là 2.800 thánh giá.

Một viên chức thành phố và những người chống đối yêu cầu phải dỡ bỏ thánh giá vì điều đó vi phạm luật lệ khu vực, ảnh hưởng an toàn giao thông do nằm sát đường lớn và ngã tư. Hội đồng thành phố đã phải nhóm họp để giải quyết vụ việc này.

Bà Louise Clark nói: “Những thánh giá phải được dựng như cũ, đó là điều nên làm” và sẽ đồng ý hạ xuống nếu chính quyền không cho phép. Nghị viên thành phố Don TaTzin lại ủng hộ và đề nghị giữ lại. Hội đồng thành phố Lafayette cuối cùng đi đến quyết định: không giới hạn số lượng thánh giá, nhưng bảng hiệu (ghi số lượng người chết) chỉ được bằng phân nửa bảng hiệu cũ.

Cây thánh giá thứ 4.100

Phóng to

Trang trí thánh giá bằng di vật, hình ảnh của người đã khuất

Không chỉ là những thánh giá sơn trắng, nhiều thân nhân, gia đình, bạn bè của người chết đã tìm đến đây để tưởng niệm đồng thời gắn ảnh con em họ vào thánh giá. Những người khác còn trang trí, để lại những vật kỷ niệm như nón, hoa, huy hiệu cùng tên tuổi, lời nhắn nhủ...

Rải rác ở những thánh giá khác là biểu tượng ngôi sao Do Thái, Hồi giáo và của nhiều tôn giáo khác...

Nhiều thánh giá tiếp tục được những người tình nguyện dựng lên và được Hội Hòa bình Lamorinda và Hội Các bà mẹ vì hòa bình thuộc ba thành phố Lafayette, Moraga, Orinda thuộc hạt Contra Costa, Califonia ủng hộ tài chính. Bảng hiệu trên đồi hằng tuần đều được cập nhật. Ngày chúng tôi đến, con số đã lên đến 4.100 (ngày 1-7-2008).

Những ngày lễ, chủ nhật nhiều người ở khắp nơi kéo nhau đến đồi Thánh giá. Khi chúng tôi tìm đến nơi đã 20g, thế mà trời mùa hè nơi đây vẫn còn ánh mặt trời sót lại. Những người đến tưởng niệm đã về... Lớp lớp những thánh giá vẫn lặng lẽ bên đường trong ráng chiều sắp tắt. Tìm mãi một nén nhang nhưng quanh đây không có, chúng tôi đành ngả mũ cúi đầu tưởng niệm và thầm nhủ “cảm ơn”. May mắn cho gia đình tôi, thế hệ trẻ chúng tôi. Đất nước chúng tôi đã qua rồi một thời chiến tranh...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận