Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt

Quả dưa hấu kiên cường nào đã theo bụng chim hay lênh đênh trôi gần 8 vạn dặm biển tới Mai An Tiêm ở hòn đảo nhỏ ngày ấy? Hàng trăm năm qua, giới khoa học lần theo những quả dưa hấu đỏ ngọt chúng ta ăn để tìm ra cội rễ địa lý và thực vật của nó…

Năm 1773, nhà tự nhiên học Carl Peter Thunberg của Thụy Điển tìm thấy trong một khu chợ ở Cape Town, Nam Phi, một thứ dưa lạ và định danh nó là Citrullus lanatus, còn gọi là dưa gang đắng. 

Năm 1930, nhà thực vật học người Mỹ Liberty Hyde Bailey vì nhầm lẫn về danh pháp cũng đã gọi dưa hấu là Citrullus lanatus. Điều này dẫn đến một nhầm lẫn khác: Gần 100 năm qua, nơi Thunberg tìm thấy dưa gang đắng lại thỉnh thoảng được gán cho là quê hương của dưa hấu ngọt.

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 1.

Đầu năm 2004, khi các nhà khảo cổ Hà Lan tìm thấy những hạt dưa hấu 5.000 năm tuổi ở khu di chỉ Uan Muhuggiag phía Tây Nam Libya, nguồn gốc của dưa hấu một lần nữa lại được bàn luận sôi nổi. 

Là bằng chứng cổ nhất cho thấy con người từ xa xưa đã dùng dưa hấu như thực phẩm, những hạt dưa kia đã góp phần khẳng định một nhánh giả thiết lâu nay cho rằng nguồn gốc của dưa hấu không phải là từ Nam Phi, mà là từ Bắc Phi.

Giả thiết này xuất hiện vào nửa sau của thế kỷ 20, khi các nhà khảo cổ tìm thấy trong một số hầm mộ ở Ai Cập, láng giềng với Libya, dấu vết của dưa hấu: Trên các hình vẽ đầy vách hầm mộ, người ta tìm thấy bóng dáng quả dưa hấu hình bầu dài có vỏ sọc, được bày trên khay, bên cạnh các loại hoa quả khác.

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 2.

Dưa Kordofan đặc hữu ở Sudan - Ảnh: Shan Wu

Trong một chiếc quan tài, người ta tìm thấy những chiếc lá dưa hấu được đặt trên xác ướp, như thể nó rất quan trọng đối với người đã khuất. 

"Các pharaoh Ai Cập khi chết có một hành trình dài phía trước, vì vậy họ cần trữ nước theo - và thứ có thể trữ nước đó chính là dưa hấu", nhà nông học Harry Paris của Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp Israel đã đưa ra giải thích này trong bài lược sử về dưa hấu đăng trên tạp chí National Geographic tháng 8-2015.

Tiến sĩ Paris đã thu thập các văn bản cổ, sách cổ, tranh cổ... để tìm hiểu sự thay đổi của dưa hấu qua hàng ngàn năm thuần hóa. Nghiên cứu của ông cho thấy từ năm 2000 trước Công nguyên trở về sau, dưa hấu được đề cập đến trong nhiều dạng sách về tôn giáo, y khoa, du ký, và không chỉ là thức để ăn cho mát.

Bác sĩ Hy Lạp cổ đại Hippocrates (460 - 375 trước Công nguyên) đã ca ngợi dưa hấu là "thứ quả có nhiều đặc tính chữa lành". Nó được kê đơn như một thuốc lợi tiểu và thường được dùng để trị say nắng cho trẻ em bằng cách đặt vỏ dưa ướt lạnh lên trán.

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 3.

Hình vẽ dưa hấu tìm thấy trên vách hầm mộ ở Ai Cập hơn 4.000 năm trước (phải) và dưa hấu được vẽ trong sách Tacuinum Sanitatis thế kỷ 14 (trái)

Từ năm 400 trước Công nguyên đến năm 500 Công nguyên, dưa hấu từ Đông Bắc châu Phi đã xuất hiện khắp vùng Địa Trung Hải không chỉ nhờ vào hoạt động trao đổi buôn bán, mà còn nhờ khả năng tích nước cao, khiến nó được xem là loại bình nước hoàn hảo cho những chuyến hải hành. 

Nước thì cần thùng lớn để trữ, còn dưa hấu thì cứ quăng lên tàu thuyền rồi vứt vào một góc lăn lóc là xong.

Các cổ văn thế kỷ thứ 3 Công nguyên mô tả dưa hấu trồng trong vùng Địa Trung Hải khi chín có ruột vàng ươm. Một bức tranh khảm mosaic thời Byzantine ở Israel vào năm 425 Công nguyên thì cho thấy dưa hấu có ruột màu cam. 

Vài trăm năm sau đó, ruột dưa hấu ngày càng đỏ lên trong những bức tranh tĩnh vật của hội họa châu Âu. Trong quyển sách chuyên luận về thực phẩm lành mạnh thế kỷ 14 có tên là Tacuinum Sanitatis, các nhà nghiên cứu tìm thấy hình vẽ một ruộng dưa hấu đầy những quả lớn, một số quả bị nứt lộ ruột đo đỏ.

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 4.

Nhưng dưa hấu đã được thuần hóa từ loại dưa nào trong hoang dại? Các nhà khoa học đã cất công tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi này với hy vọng cải tạo được các giống dưa hấu hiện nay, vốn rất dễ bị tấn công bởi nhiều loại bệnh và nấm.

Để làm được điều này, từ năm 2015, giáo sư Susanne S. Renner khi đó đang làm việc tại Đại học München (Đức) đã cùng các cộng sự thực hiện một công trình đồ sộ: giải trình tự gene của các cây dại trong chi Citrullus, chi thực vật mà trong đó dưa hấu là một phân loài, rồi so sánh chúng với nhau.

Công trình được công bố tháng 5-2021, khẳng định dưa hấu không liên quan gì đến mấy loại dưa ở Nam Phi, mà có họ hàng thân thiết với một giống dưa dại ruột trắng, bề ngang chỉ cỡ 15cm, có tên là dưa Kordofan mọc nhiều nơi ở đông bắc Sudan, gần Ai Cập. 

Giữa ruột đỏ và ruột trắng, giữa ngòn ngọt và ngọt lịm là 15.824 biến thể được các nhà khoa học tìm thấy trên bản đồ gene của dưa Kordofan và một loại dưa hấu hiện đại phổ biến được biết đến với biệt danh 97103.

Các phân tích gene trong nghiên cứu trên còn cho thấy dưa Kordofan có nhiều gen chống bệnh hơn dưa hấu hiện đại. Điều này có nghĩa rằng bộ gene của dưa Kordofan có thể giúp lai tạo ra giống dưa hấu kháng bệnh cao mà không phải dùng đến công nghệ biến đổi gene.

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 5.

Guillaume Chomicki - nhà thực vật học của Đại học Sheffield ở Anh, người đã thực hiện việc giải trình tự gene các loại dưa trong nghiên cứu của giáo sư Renner - nhận xét: "Đạt được điều này sẽ giúp giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu, vốn phải dùng nhiều trong canh tác dưa hấu". 

Đó là mục đích ban đầu của nhóm nghiên cứu, nhưng họ đã tiến xa hơn: giải trình tự gene cả những mẫu vật dưa hấu thu được trong hoạt động khảo cổ để xem biến đổi gene đã xuất hiện như thế nào trong quá trình thuần hóa.

Những lá dưa hấu cổ - từng được đặt trên xác ướp Ai Cập trong một hầm có niên đại khoảng 3.500 năm - đã được lấy ra khỏi hộp bảo quản đóng kín từ năm 1876 giữ tại Vườn thực vật hoàng gia Kew ở London (Anh) đem đi giải trình tự gene. 

Vật liệu di truyền trên mẩu lá đã mai một sau hàng ngàn năm, nhưng các nhà khoa học vẫn xác định được từ phần chuỗi ADN còn lại hai gene chủ chốt cho thấy điều mà những hình vẽ trên hầm mộ Ai Cập đã không thể hiện được: Có một đột biến đã làm vô hiệu hóa gene phụ trách việc tạo ra hợp chất cucurbitacins có vị đắng, nhờ đó dưa hấu trở nên ngọt ngào hơn. 

Một đột biến khác đã làm vô hiệu hóa gene điều khiển enzyme chuyển hóa chất lycopene màu đỏ thành một chất khác, nhờ đó dưa hấu tích lũy lycopene nhiều hơn và có ruột đỏ tươi hấp dẫn.

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 6.

Công trình nghiên cứu của giáo sư Renner còn mang đến cho những người yêu hội họa một góc nhìn mới khi ngắm nhìn những trái dưa hấu được vẽ trên các bức tĩnh vật hoa trái của mỹ thuật phương Tây.

Từ châu Phi, dưa hấu sau đó được đưa đến Trung Đông và các nước Địa Trung Hải, đến khoảng những năm 1600 thì phổ biến khắp các nhà vườn ở châu Âu. Cũng từ đó, dưa hấu xuất hiện thường xuyên hơn trong những bức tranh tĩnh vật của các họa sĩ ở châu lục này với hình dáng qua mỗi thời lại có chút khác biệt.

Trong bức tĩnh vật hoa quả mà họa sĩ người Ý Giovanni Stanchi (1608 - 1675) vẽ khoảng năm 1645 - 1672, ruột của mẫu vật dưa hấu không có vẻ mọng nước mà hiện rõ những múi noãn hình tim phơn phớt hồng bọc quanh các rãnh xoắn màu đỏ đầy hạt nhỏ. 

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 7.

Tĩnh vật hoa quả của Giovanni Stanchi (1608 - 1675) vẽ khoảng năm 1645 - 1672.

Màu sắc và kết cấu này cho thấy đó là dạng ruột khô xơ thường thấy trong những trái dưa hấu hiện đại khi còn non hay khi bị trồng ở vùng đất xấu, nhưng những hạt đen óng lại cho thấy đó là quả dưa đã chín. Dưa hấu của Stanchi hóa ra trông ly kỳ chứ chẳng ngon lành gì!

Nhưng khi Giovan Battista Ruoppolo (1629 - 1693) vẽ bức tĩnh vật trái cây Bodegon con frutas vào nửa sau của thế kỷ 17, quả dưa hấu dù còn khá nhiều vân khô trên ruột đã đỏ hơn nhiều. 

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 8.

Và thứ trái cây này trông có vẻ ngọt ngào hơn trong Still life of fruits and flowers with a figure (Bức tĩnh vật hoa trái với một phụ nữ) được họa sĩ người Flemish Abraham Brueghel (1631 - 1690) và họa sĩ người Ý Guillaume Courtois (1628 - 1679) cùng nhau vẽ vào khoảng năm 1650 - 1697. Đó là một quả dưa hấu có ruột đỏ mọng và lớp vỏ thì khá dày.

Có những quả dưa hấu thế kỷ 18 - 19 vỏ dày đến nỗi người ta thường chọn cách đập vỡ nó ra. Đó là quả dưa đã được vẽ trong bức Melons and Morning Glories (Dưa hấu và sự rực rỡ buổi sáng) mà họa sĩ người Mỹ Raphaelle Peale (1774 - 1825) đã vẽ năm 1813, hay trong bức tĩnh vật mà họa sĩ Mỹ James Peale (1749 - 1831) thực hiện vào năm 1824 bằng chất liệu sơn dầu trên ván.

Lớp vỏ này sau đó dường như đã mỏng đi trong bức sơn dầu Papaya and watermelon (Đu đủ và dưa hấu) được họa sĩ người Brazil Agostinho José da Mota (1824 - 1878) vẽ năm 1860 và trong bức Natură statică cu fructe (Tĩnh vật trái cây) mà họa sĩ người Romania Mihail Ștefănescu (1845 - 1900) vẽ năm 1864. 

Có lẽ vì vỏ đã mỏng đi mà quả dưa của Ștefănescu được bổ dọc thành nhiều miếng, thay vì phải dùng dao lớn chặt ngang thân như quả dưa hồi thế kỷ 17 của Stanchi, khi ăn thì phải dùng muỗng múc.

Giờ đây, dưa hấu đã được trồng khắp thế giới, trở thành thứ trái cây được ăn nhiều nhất mỗi mùa hè. 

Và Tết này, khi chưng lên bàn thờ tổ tiên trái dưa hấu to căng mọng, bạn có thể kể cho con cháu mình nghe sự-tích-dưa-hấu-phiên-bản-quốc-tế, rằng tổ tiên của nó là một loại dưa dại đến từ Bắc Phi, từ một vùng có tên là Kordofan...

Đi tìm tổ tiên của dưa hấu đỏ ngọt - Ảnh 9.

Papaya and watermelon (Đu đủ và dưa hấu) được họa sĩ người Brazil Agostinho José da Mota (1824 - 1878) vẽ năm 1860

____________________________________________________________________________________


MAI MAI HƯƠNG
NGỌC THÀNH

Bình luận hay

Chia sẻ
Chủ đề: Dưa hấu Mai An Tiêm
Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Bún bò Huế O Kay nước trong, chả cua vừa béo vừa bùi, bắp bò hoa xắt lát

Quán bún bò Huế có cái tên 'ngồ ngộ' O Kay, mà theo anh chủ quán người Huế giải nghĩa là 'OK', người Huế nói 'cũng được' tức là 'được'.

Bún bò Huế O Kay nước trong, chả cua vừa béo vừa bùi, bắp bò hoa xắt lát

Show thực cảnh ở hồ Than Thở Đà Lạt về hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đơn vị vận hành Khu du lịch hồ Than Thở Đà Lạt đưa vào hoạt động show thực cảnh - nhạc nước kể về hành trình nghìn năm dựng nước, giữ nước, mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Show thực cảnh ở hồ Than Thở Đà Lạt về hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bún treo Như Ý: Sài Gòn xưa nay là vậy đấy, thương nhau qua từng bữa cơm, tô bún

Giữa lòng thành phố tấp nập, có một quán bún nhỏ nằm lọt thỏm ở phường Bình Đông (quận 8 cũ, TP.HCM), không bảng hiệu cầu kỳ, chỉ có dòng chữ bún 'treo' đầy nổi bật. Nghe thì lạ mà lại quen vô cùng.

Bún treo Như Ý: Sài Gòn xưa nay là vậy đấy, thương nhau qua từng bữa cơm, tô bún

Han Kang và Người ăn chay

Có thể nói văn nghiệp của Han Kang chỉ khởi sự rực rỡ kể từ khi xuất bản cuốn sách trên dưới hai trăm trang: Người ăn chay.

Han Kang và Người ăn chay

Như chưa hề có cuộc chia ly: Cùng 1 cái tên hai số phận

Có một người đàn ông trung niên tên Thuần ngày đêm nhớ thương khắc khoải về gia đình ruột thịt. Một người mang thân phận Thuần đã dừng cuộc sống ở tuổi 19.

Như chưa hề có cuộc chia ly: Cùng 1 cái tên hai số phận

Sôi nổi giải bóng đá gắn kết văn hóa Việt - Nhật 2025

Chiều 5-7, chương trình giao lưu bóng đá Việt - Nhật 2025 diễn ra sôi động tại làng thể thao Tuyên Sơn (TP Đà Nẵng), thu hút đông đảo khán giả đến cổ vũ.

Sôi nổi giải bóng đá gắn kết văn hóa Việt - Nhật 2025
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng