
Đạp xe mang đến lợi ích cho gan - Ảnh: C.T.
Sự thật là rất nhiều người không thể thoát khỏi chuyện nhậu nhẹt vì xã giao, quan hệ, hoặc vì cơn thèm của bản thân. Nếu đã vậy, họ nên tính đến chuyện tìm kiếm một môn thể thao phù hợp để cải thiện sức khỏe, xua bớt những nỗi lo lắng lâu dài.
Nhậu gây tác hại gì?
Rượu (ethanol) được hấp thụ chủ yếu qua dạ dày và ruột non, sau đó đi thẳng vào máu và đến gan. Tại đây nó được chuyển hóa qua các enzyme như alcohol dehydrogenase (ADH) và aldehyde dehydrogenase (ALDH).
Quá trình này sinh ra acetaldehyde - một chất gây độc tế bào, góp phần vào viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.
Ngoài gan, rượu bia còn tác động xấu đến tim mạch, hệ thần kinh, khả năng miễn dịch và quá trình phục hồi của cơ thể sau khi vận động hoặc tổn thương.
Người uống nhiều rượu thường gặp vấn đề về huyết áp, rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa và suy giảm testosterone.
Và đã có nhiều nghiên cứu khoa học lớn cho thấy, nếu người uống rượu bia, cũng tập luyện thể thao đều đặn (như cách họ nhậu nhẹt) - nguy cơ tử vong sớm, ung thư hoặc tổn thương gan có thể giảm đáng kể.
Tập thể thao có thể làm giảm tác hại của nhậu?
Một nghiên cứu trên gần 36.000 người trưởng thành ở Anh và Scotland, được công bố trên tạp chí British Journal of Sports Medicine năm 2016 cho thấy điều này.
Những người uống rượu ở mức trung bình nhưng tập thể dục theo khuyến nghị của WHO (ít nhất 150 phút/tuần với cường độ vừa) có nguy cơ tử vong do ung thư hoặc bệnh tim thấp hơn 30-40% so với người uống rượu mà không vận động.
Nếu tập luyện vượt ngưỡng 300 phút/tuần, hiệu quả còn rõ rệt hơn.
Lý giải về vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng tập thể dục giúp tăng tuần hoàn máu qua gan, cải thiện chức năng gan, giảm mỡ gan và giảm viêm toàn thân.
Hoạt động thể chất còn thúc đẩy hệ miễn dịch, tăng cường khả năng phục hồi mô và tăng sản sinh enzyme chuyển hóa rượu. Ngoài ra vận động đều đặn giúp ổn định đường huyết, ngăn chặn tình trạng tụt đường huyết do rượu gây ra.
Một phát hiện gần đây từ Đại học Texas cũng cho thấy khi tập thể thao, cơ thể tiết ra một hormone có tên FGF21 - đóng vai trò hạn chế cảm giác thèm rượu. Điều này được quan sát rõ trên chuột và linh trưởng, mở ra hướng mới trong việc kiểm soát nghiện rượu qua vận động.
Những môn thể thao nào phù hợp với người thường xuyên uống rượu bia?
Ba bộ môn được các chuyên gia thể thao và y học khuyên dùng là chạy bộ nhẹ (hoặc đi bộ nhanh), đạp xe và bơi lội. Đây đều là các bài tập ở mức vừa, kéo dài liên tục, tăng nhịp tim và cải thiện chức năng tim, phổi, gan.
Chạy bộ giúp cải thiện men gan, tăng sức bền tim mạch và giảm stress oxy hóa.
Đạp xe thích hợp với người thừa cân, ít gây áp lực lên khớp, đồng thời tăng trao đổi chất ở gan và cơ bắp.
Bơi lội giúp tuần hoàn toàn thân, đặc biệt tốt cho người bị viêm khớp hoặc béo phì do uống rượu thường xuyên.

Để bớt lo lắng khi uống bia rượu, bạn nên tập thể dục thể thao thường xuyên - Ảnh: T.C.
Tập luyện một trong ba môn này đều đặn 3 - 5 buổi mỗi tuần, mỗi buổi từ 30 - 60 phút, đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho chức năng gan và khả năng khử độc rượu.
Ngoài ra người không thích vận động mạnh có thể chọn yoga hoặc tập gym ở mức nhẹ, miễn là duy trì đều đặn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng tốt hơn lối sống hoàn toàn ít vận động.
Nhưng không có môn thể thao nào giúp uống rượu bia thoải mái.
Giáo sư Emmanuel Stamatakis, trưởng nhóm nghiên cứu đăng trên British Journal of Sports Medicine nói trên, cho biết tập thể thao không đồng nghĩa với việc “giải độc hoàn toàn cho rượu”. Uống vượt mức cho phép vẫn gây tổn thương gan, thận, tim mạch và hệ thần kinh.
Hoạt động thể chất chỉ có thể giảm nhẹ một phần tác hại, không thể triệt tiêu hoàn toàn. Uống quá đà, bất kể có tập thể thao hay không, vẫn sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài.
Đặc biệt việc tập thể thao ngay sau khi uống rượu là hành vi nguy hiểm. Rượu làm giãn mạch và tụt huyết áp; vận động mạnh sau khi uống dễ dẫn đến mất nước, rối loạn nhịp tim, đột quỵ hoặc tử vong.
Theo khuyến cáo của giáo sư Stamatakis, không nên tập thể thao ít nhất 12 giờ sau khi uống nhiều rượu bia.
Thế nào là “uống rượu vừa phải”?
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), uống rượu bia ở mức vừa phải là: tối đa 2 đơn vị cồn/ngày với nam và 1 đơn vị/ngày với nữ. Mỗi tuần không vượt quá 14 đơn vị với nam và 7 đơn vị với nữ.
Một đơn vị cồn tương đương khoảng 330ml bia (5%), 150ml rượu vang (12%) hoặc 45ml rượu mạnh (40%). Nếu vượt quá ngưỡng này thường xuyên, dù tập thể thao cũng không đủ để trung hòa tác hại.
Bình luận hay