09/02/2022 11:24 GMT+7

Cưng lắm lời ăn tiếng nói miền Tây - Kỳ 3: Cái đồ ăn gửi mà còn bốc hốt

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Thiệt bụng từ thủa nhỏ nhóc, tui đã được nghe ba điều bốn chuyện là đất miền Tây dễ sống.

Cưng lắm lời ăn tiếng nói miền Tây - Kỳ 3: Cái đồ ăn gửi mà còn bốc hốt - Ảnh 1.

Người miền Tây hay nghĩ sao nói vậy một cách hồn nhiên - Ảnh: Lancer Cromwell

Lưu dân về miệt này ban đồng lội ruộng đến đâu cũng ê hề sản vật, tỉ như câu ca dao "Rau đắng nấu với cá trê. Ai đến lục tỉnh thì mê không về", hay "Cần chi cá lóc, cá trê. Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều"...

Cũng là "ăn" sao mà dữ chuyện

Lối thập niên 1990 về trước, tui nghĩ câu này đúng nhưng cũng hổng phải hoàn toàn. Ngay miệt bưng tui ở Long An cách đây khoảng hơn 30 năm vẫn còn lềnh cá mú, mà lúa má thì đâu đặng dư dả gì như mấy ông nhà văn Nam Bộ một thời hay viết chỉ ba hột lúa bỏ rơi bỏ rớt, không ai thèm gặt ngoài đồng cũng nuôi chim, chuột mập ú.

Bận tui lọt tọt đi học cấp I, chuyện bợ chén cơm độn bobo, khoai lang, khoai mì cũng đâu có gì lạ, dù nghe tía má kể xứ mình hổng phải khoai độn nhiều hơn cơm và kéo dài như miền ngoài. Chuyện này đời sau chắc còn kể nhiều, nhưng tui dám chắc mình không thêm bớt nửa lời. Miệt bưng biền Long An phần đa đất phèn quạch, giồng đất trồng được lúa ít hơn cỏ bàng, cỏ năn, cây tràm mọc dại. Hột lúa, chén cơm đâu ra mà nhiều "binh thiên" như miệt dưới.

Nói vui chớ hổng biết có phải vì cuộc sống nghèo khó vừa chụm củi bữa ăn sáng, đã lo nồi cơm chiều có gì để bén lửa, nên dân dã xứ tui quen miệng lời ăn tiếng nói rất ngộ. Giờ đã hơn 30 năm lẻ ngồi nhớ chuyện cũ, tui vẫn tức cười chỉ một từ ăn mà dân giồng chợ, xóm bưng cũng "sanh đẻ" được trăm kiểu nói văng miểng thương, ghét khác nhau.

Hôm giáp Tết, tui về giãy cỏ mả ông bà, đặng bữa xị mốt xị hai cơm rượu với đám bạn quần đùi, chân đất lội ruộng một thủa. Vui miệng, tui nói: "Nay cho tao ăn chĩa một bữa nghen mấy thằng trâu húc không chết". Tụi nó bật cười rổn rảng, khoái cái thằng "ghẻ hờm" bỏ đi xa nhiều năm vẫn giữ được lời ăn tiếng nói quê nhà, và vui vẻ trả lời: "Thôi mày, đụng bữa thì có gì xài đó, sương sương xị mốt xị hai với anh em cho dzui, chớ ăn ké, ăn chĩa gì". Tụi nó vẫn hiểu "ăn chĩa, ăn ké" tỉ như ăn chầu ăn chực ở miền ngoài, dù từ "ăn chĩa" tùy cảnh có thể bị hiểu nặng hơn một chút như ăn giựt, ăn chôm, ăn trộm của ai đó.

Tuy nhiên, đó là lời ăn tiếng nói lứa tụi tui, những người đã chân trước chân sau bước vào hàng 50 được uống nước trà với ông bà già, chớ sắp nhỏ đời sau nhiều đứa vẫn mắt cà na đậu phụng hổng hiểu đặng tía má nói "ăn chĩa" là ăn cái... giống gì dữ thần thiên địa vậy? Dân miệt nước sông gạo ruộng, nhà nào mà không có cây chĩa cán tre với mũi sắt nhọn để đâm con cá, con chuột, con rắn làm miếng ăn. Tụi nhỏ hiểu theo nghĩa đen "ăn chĩa" có nghĩa là bị đâm à? Mà thiệt, xứ này đôi khi mấy cha nhậu nhẹt lêu bêu rồi quánh lộn quánh lạo, bợ chĩa đâm nhau đổ hột máu đâu có gì lạ.

Cưng lắm lời ăn tiếng nói miền Tây - Kỳ 3: Cái đồ ăn gửi mà còn bốc hốt - Ảnh 2.

Sản vật cá mú trời cho đã giảm dần, nhưng nhiều người miền Tây vẫn giữ được lối sống xưa - Ảnh: QUỐC RIN

Ăn cám sú, ăn gửi mà còn bốc hốt

Sau này, vô nghề viết, tui hay lang thang miền Tây, còn nghe thiên hạ hay gắn lời ăn với nhiều từ khác để sanh ý này ý nọ, kể cả những ý sâu cay như dọng cả trái ớt sừng vô bản họng người bị nói. Giờ ngồi viết lại, tui cầm chắc mình cũng không nhớ hết, nhứt là những kiểu nói xóc óc xóc hông như "cái đồ ăn cám sú, ăn lường ăn gạt, ăn cho lòi bản họng, ăn trớt ăn trét, ăn xàm ăn xí, ăn hỗn, ăn gà chết, ăn rập, ăn chịu, ăn mảnh, ăn bòn ăn rút...".

Trời đất, miếng ăn ai hổng cần hổng quý, sao lại gắn cái thứ thiết yếu nhứt để con người không toi mạng với quá nhiều chuyện xấu dữ thần như vậy? Một buổi chiều mùa nước nổi ở biên giới Hồng Ngự, Đồng Tháp, tui tình cờ nghe anh chồng sa sả rủa vợ trên ghe cá là "cái đồ ăn cám sú", với ý tệ hơn vợ thằng đậu là cô ta ăn... cám heo hay sao mà ngu dữ vậy. Cô vợ nào chịu nuốt cục nhịn, cũng chửi tàn canh gió lạnh lại là "tại ông mê ăn nhậu cho lòi bản họng nên vợ con mới khổ dzậy".

Chuyện cặp vợ chồng nọ dọng ớt vô miệng nhau thiệt ra cũng hổng lạ gì ở miệt quê sông nước. Cô vợ lén chồng, chơi dây hụi bị giựt mất. Việc đổ bể chang bang, vợ chồng chửi nhau kẻ mê tiền lời, người mê ăn nhậu ba ngày bảy bữa rồi cũng huề cả làng. Nước lên bông điên điển nở, con cá hổng thiêng sao gọi cá linh. Vợ chồng quê nhiều khi cứ như dĩa đập chén nhưng rồi lại... "cưng mắc chết".

Lối thập niên 1990 sang 2000, miền Tây Nam Bộ có bước ngoặt lớn về sinh cảnh và cuộc sống khi phần đa mùa nước nổi bị ngăn chặn bởi chương trình bờ bao mần lúa ba vụ, bốn vụ. Tui hay tranh thủ đi công tác về miệt dưới này để đặng chứng kiến sự đổi thay mà chính bản thân mình cũng là người trong cuộc. Nhớ lại mà thương thiệt thương, quá nhiều thứ thay đổi, kể cả những sản vật trời cho cũng giảm kiệt, nhưng lối sống như lời ăn tiếng nói của người miền Tây vẫn chưa bị lợt lạt nhiều.

Một buổi tối chừng năm 2001, tôi được người dân xóm chài sông Cổ Chiên gần bến phà Đình Khao, tỉnh Vĩnh Long, mời xị mốt xị hai. Anh Bảy (nếu tôi nhớ không lộn) mới kéo trúng con cá bông lau bự chà bá hơn 3 ký lô, kêu bà vợ lội mương vườn trái cây hái mớ cọng súng, rau nhút, bông điên điển nấu nồi lẩu mắm. Bàn nhậu vừa bày ra chiếu, khách chưa kịp chà lết ly nào thì thằng nhỏ nhóc chắc tầm lớp 8, lớp 9 đi học về đói bụng, xắn bà nó hết phần bụng là chỗ ngon nhứt con cá bông lau. Anh Bảy, tía nó, vừa giận con vừa quê với khách, cầm ly rượu ném cái xoảng theo nó, rồi chửi "cái đồ ăn hỗn".

Tội thằng nhỏ mặt mày quê chù ụ. Thiệt ra, nhiều người miền Tây có vẻ mộc mạc, chơn chất nhưng răn dạy con cũng rất tinh tế. Tỉ như nhà có khách hay ông bà lớn tuổi ngồi chung mâm, thì sắp nhỏ ăn cá phải gắp từ phần đuôi trở lên, phần đầu, bụng và ruột ngon nhứt để mời người lớn.

Cùng lời rủa có từ ăn, tui nhớ hổng trật thì miệt bưng biền xứ mình ở Long An còn có câu cũng cay xé trái ớt là "cái đồ ăn gửi mà còn bốc hốt". Ai đó nói lời này nghĩa là chửi, khinh ra mặt với ý cái thân kẻ bị nói đã không làm nên trò trống gì, phải đi ăn nhờ ở đậu người khác mà còn chụp giựt, bòn rút, vơ vét thêm của họ.

Trai miền Tây ít ở rể, mà có ở rể cũng là bình thường nếu không mần gì thất lễ với bên nhà vợ. Nhưng trường hợp anh nào đã phải ăn nhờ ở đậu đàng vợ mà còn tham lam bày chuyện giành giựt đất đai, gia sản hổng phải của mình, tệ hơn nữa là chơi trò chuột heo "bốc hốt" em gái vợ thì chắc chắn sẽ bị thiên hạ rủa câu "cái đồ ăn gửi mà còn bốc hốt".

Gã rể thất tài, vô đạo chịu lời sâu cay này mà còn bị miệng đời quăng thêm mấy câu như "cái đồ ăn xàm ăn xí, ăn bòn ăn rút" nữa thì thôi rồi, chỉ còn nước nửa đêm cởi quần, lội bưng để bỏ xứ ra đi.

Đúng là với cái miệng và cặp mắt dân dã miền Tây bận đó, lời cố sơ truyền dạy đâu phải chỉ đơn giản bá chén bợ tô lùa cơm no bụng. Như ông nhà văn Sơn Nam rặc giọng văn Nam Bộ kể chuyện tấm lòng hào sảng người miền này. Gặp kẻ qua đàng lỡ bước, dù không phải bằng hữu thân quen, chủ nhà cũng mở nắp nồi cơm, nướng con khô, mời "ăn ba hột". Trời đất, mời khách ăn giống gì mà chỉ có ba hột? Nhưng thiệt ra đó lời mời chơn chất, rất thiệt bụng như có mùi bùn đất nông dân bưng biền.

Ở nghĩa sâu hơn, gia chủ còn biểu lộ sự hết lòng là dù khách đã no bụng rồi cũng ngồi xuống ăn thêm một chút cho vui. Còn giữa vợ chồng, con cái trong nhà mà nói "ăn ba hột" thì càng dễ hiểu, "bà chụm cơm lẹ lẹ đi, cho sắp nhỏ ăn ba hột để còn ra mần sớm nữa".

***********

Cũng là yêu, nhưng dân miền Tây hay nói thương. Vậy mới có chuyện cô gái miền ngoài giận dỗi người tình miền Nam "anh chỉ thương, chỉ tội tôi chứ đâu có yêu".

>> Kỳ tới: Cưng thương tui thiệt hông hay mới chỉ lé mé?

Cưng lắm lời ăn tiếng nói miền Tây - Kỳ 1: Dóc bà cố ở xứ hóc bà tó

TTO - "Dzậy nữa, dzậy à, dzậy hả hôn". "Chèng đéc ơi, gái lứa nhà ai nhìn cưng mắc chết". "Cái thằng dóc bà cố, cứ mở miệng toàn chiện dữ thần thiên địa"...

QUỐC VIỆT

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Còn nhớ năm 1978, hàng trăm ngàn tấn lúa suýt mất trắng trong đại dịch rầy nâu nhưng may mắn vượt qua được.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Bùa yêu biến thái và lừa đảo: 'Cho thầy làm tình cắt duyên âm con ma'

Khi có người hỏi liệu bùa yêu có hiệu nghiệm, Quỳnh đáp thẳng: "Toàn phải trao đổi tình dục với chi phí cao".

Bùa yêu biến thái và lừa đảo: 'Cho thầy làm tình cắt duyên âm con ma'

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 8: Một thời Hậu Giang cứu đói lúa gạo cho các tỉnh

Với chủ trương "phải có không gian lớn để phát triển", tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 8: Một thời Hậu Giang cứu đói lúa gạo cho các tỉnh

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Trong các tỉnh lớn được hợp nhất từ các tỉnh nhỏ sau năm 1975 ở nước ta thì tỉnh Bình Trị Thiên là một hiện tượng có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương...

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Trong nhiều tỉnh thành cả nước, Đà Nẵng và Quảng Nam có mối lương duyên đặc biệt khi nhiều lần chia tách, tái hợp.

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An

'Cảm ơn nghĩa tình, sự tận tụy của báo Tuổi Trẻ, bố tôi và gia đình cảm nhận được tình người ấm áp giữa thành phố đông đúc, xa lạ'.

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar