Hãy tưởng tượng, bạn thức dậy vào nửa đêm và đi xuống bếp. Trong ánh sáng leo lét của tủ lạnh hay phòng vệ sinh, bạn nhận ra một con người có gương mặt của bạn đang đứng chờ. Vâng, gương mặt của bạn, một bản sao của bạn chứ không phải một kẻ trộm hay con ma nào. Bộ phim Us của Jordan Peele là một câu chuyện như vậy. Một gia đình Mỹ phát hiện ra những bản sao của họ trong chính căn nhà quen thuộc và dường như những kẻ lạ này không hề đến với thiện chí. Giống như mọi bộ phim kinh dị khác, Us là hành trình tự vệ của cả một gia đình trong khi nỗ lực hiểu nguồn cơn của những kẻ đáng sợ khác thường kia. Quay trở lại với ý tưởng mở màn cho câu chuyện kinh dị này, tại sao việc nhìn thấy một bản sao của bản thân lại gây hoảng sợ? Chúng ta thường xác quyết rằng mình biết rõ về bản thân, ta có thể biện minh cho sự tỉnh táo của mình bằng hiểu biết về nhân dạng, tính cách hay bất cứ đặc tính nào. Cho đến khi một bản sao xuất hiện trước mặt ta, ta sẽ bàng hoàng và những kinh nghiệm thuộc về chính mình trước đó dường như sụp đổ. Ta hoài nghi về chính mình, rồi từ trong sâu thẳm đã kịp đặt một câu hỏi: “Đâu là bản thể của ta thật sự?”. Những tưởng câu chuyện của Trang Tử và bướm trong Nam Hoa Kinh vốn mang đầy màu sắc hoài nghi của chủ nghĩa thần tiên phương Đông sẽ chỉ xuất hiện trong các câu thoại của những sư phụ ẩn tu, nhưng nay lại được Jordan Peele đặt vào một xã hội Mỹ đang bị chia rẽ và chịu nhiều tổn thương. Dù chính đạo diễn nói rằng Us là một bộ phim kinh dị thuần túy nhưng sự thật là người ta đã đến xem Us như xem một tuyên cáo chính trị được kịch tính hóa hơn là một bộ phim điện ảnh. Có lẽ Peele không ngờ rằng khán giả lại đón nhận bộ phim kinh dị có chất hài hước rất “lầy lội” của anh một cách trịnh trọng như vậy. Nói về sự bí ẩn của những biểu tượng, sự mã hóa dày đặc các trường đoạn, Peele có lẽ sẽ đồng ý rằng đó là thủ pháp để nói những điều không thể nói. Ở khía cạnh này, chúng ta buộc phải tìm một cách hiểu cho chính mình. Chính năng lực mã hóa thông điệp trong một bầu không khí trịnh trọng kịch tính đã góp phần khiến khán giả khó lòng xem Us như một bộ phim kinh dị thông thường. Us đã bị vỡ ra thành từng mảnh nhỏ, trong đó những tín hiệu thời sự và giai thoại nổi trội chèn ép nỗi sợ thuần túy mà một bộ phim kinh dị thường mang lại. Nhưng thực sự thì, nếu không có yếu tố chính trị và sự cưỡng chế người xem liên tục giải mã các thông điệp chính trị trong đó, Us có lẽ còn kém duyên hơn ma sơ Valak (phim The Nun của đạo diễn Corin Hardy). Ở đó người xem có thể suy đoán ra những câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bất bình đẳng giới, hệ thống phân phối giá trị bất cập, toàn cầu hóa... và bất kỳ thứ gì mà chúng ta quan tâm. Có lẽ với người Mỹ trong thời đại Trump, với những gì xảy ra qua cuộc bầu cử 2016 đã khiến họ nhìn lại mình. Hẳn là sự chia rẽ giữa những nhóm cử tri đã hiện lên như là một bản thể khác của nước Mỹ, khi mà tất cả người Mỹ đã phải tự hỏi: “Đâu là ta?”. Sự hoài nghi tạo ra cảm giác mất an toàn và kích hoạt xu hướng cực đoan. Chỉ 7 tháng sau khi Trump đắc cử, bạo loạn ở Charlottesville như một trình hiện nổi cộm của sự hoài nghi chính mình của nước Mỹ. Một cảnh trong phim Us Với Us, chúng ta được một cơ hội để nhìn lại chính mình và tra vấn mức độ hiểu biết bản thân. Chúng ta thường cảm thấy mất an toàn vì một người xa lạ. Ở cấp độ một khu phố, chúng ta cảm thấy mất an toàn vì một nhóm người xa lạ. Ở cấp độ một thành phố, chúng ta lại cảm thấy mất an toàn vì những kẻ đến từ vùng khác. Hẳn nhiên, ở cấp độ quốc gia chúng ta sẽ cảm thấy mất an toàn vì những đất nước thù địch nào đó, đôi khi chúng ta thù hằn cả phần còn lại của thế giới. Lịch sử đã cho thấy những thảm họa diệt chủng khủng khiếp thường đến từ những nỗi sợ hãi bản thể cực đoan như vậy. Us khơi gợi cho chúng ta nỗi sợ hãi lớn nhất bắt đầu hoài nghi về chính bản thể của mình, nói cách khác là bắt đầu từ chính mình. Sau vụ xả súng ở Christchurch, chúng ta đã thấy được một phiên bản ngược của Us trong đó, người dân New Zealand đã tình nguyện giao nộp súng đạn và hỗ trợ tối đa để đảm bảo an toàn cho những người Hồi giáo. Khi chúng ta có một niềm tin xác tín về bản thể và những giá trị của mình, chúng ta có thể chiến đấu và chiến thắng những kẻ mang gương mặt chúng ta, những phiên bản của sự yếu đuối, thù hằn và ngu muội.■ Tags: Điện ảnh MỹJordan PeelePhim UsPhim kinh dị Us
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Chuẩn bị, bổ sung quân số tham gia diễu binh, diễu hành dịp 80 năm Quốc khánh NAM TRẦN 12/05/2025 Bộ Tổng tham mưu đã làm việc với các cơ quan, đơn vị về đề án tổ chức lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.
CEO hãng vắc xin COVID-19 'Made in Vietnam' qua đời HỒNG PHÚC 13/05/2025 Ông Hồ Nhân, tổng giám đốc Công ty Nanogen, đơn vị nghiên cứu sản xuất loại vắc xin COVID-19 "Made in Vietnam" vừa qua đời ở tuổi 59.
Ông Trump ký sắc lệnh giúp giảm giá thuốc tại Mỹ đến 90% NGHI VŨ 12/05/2025 Theo sắc lệnh, Chính phủ Mỹ sẽ có biện pháp nếu các công ty dược phẩm trong thời gian tới không đạt được tiến triển đáng kể cho nỗ lực giảm giá thuốc tại Mỹ cho bằng các quốc gia phát triển khác.
Sau bữa sáng ở nhà bí thư Thành ủy Hà Nội, Tập đoàn Thuận An trúng thầu dự án cầu Vĩnh Tuy 2 THÂN HOÀNG 12/05/2025 Năm 2020, chủ tịch Tập đoàn Thuận An gặp giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội trong bữa ăn sáng tại nhà bí thư thành ủy, sau đó được tạo điều kiện để trúng gói thầu ở dự án cầu Vĩnh Tuy 2.