23/05/2025 17:49 GMT+7

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Cần cơ chế chống 'lùa gà' trên thị trường tài sản mã hóa

Khi làm thị trường tiền số, quan trọng nhất là bảo mật, chống hacker. Nếu có sự cố bị hack mất tiền tỉ, thì tổ chức đó phải lấy vốn ra đền cho nhà đầu tư. Thứ hai nữa là phải có cơ chế chống 'lùa gà'...

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Cần cơ chế chống 'lùa gà' trên thị trường tài sản mã hóa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch SSI - Ảnh: T.H.

Việt Nam đang bàn về cơ chế thử nghiệm (sandbox) thị trường tài sản mã hóa. Bộ Tài chính cũng vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trên thị trường này.

Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch Chứng khoán SSI - nói dù còn có những lo ngại khác nhau xung quanh những định hướng trong quản lý thị trường tài sản mã hóa, nhưng điểm tích cực khó phủ nhận là phía cơ quan quản lý đã cởi mở hơn rất nhiều.

Từ một nước không thừa nhận sự tồn tại tài sản số, nay chúng ta đang xây dựng pháp lý từng bước. Quá trình này theo dự cảm của ông Hưng sẽ "chông gai", cũng khó tránh "bỡ ngỡ", nhưng điều quan trọng là một khung pháp lý để các bên tham gia cảm thấy "sống" được.

Tài sản mã hóa - khó kiểm soát hơn nhưng vẫn phải làm!

* Việc triển khai sàn giao dịch thí điểm được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý thu thập dữ liệu, đánh giá rủi ro và xây dựng khung pháp lý chính thức hiệu quả hơn. Nhưng mô hình thí điểm như thế nào để đạt hiệu quả, theo góc nhìn của ông?

- Đến giờ tất cả mới chỉ là dự thảo, và chưa biết bản chính thức ra đời sẽ như thế nào. Nhưng với thị trường, nguyên lý cung cầu là yếu tố tốt nhất để phát triển. Định hướng gò bó quá thì không nên.

Thị trường tài sản số, Việt Nam đã có. Thậm chí hiểu sâu lĩnh vực này sẽ thấy thị trường này còn sôi động, với doanh số giao dịch hằng ngày còn lớn hơn chứng khoán. Sản phẩm cũng linh hoạt hơn nhiều.

Lâu nay nhà đầu tư crypto phải tự chịu trách nhiệm, tự "rung lắc" với thị trường. Nhiều người mất tiền ở thị trường này, nhưng họ không "đổ tội" được cho ai, chỉ đổ được cho chính mình thôi. Để cho thị trường tự cân bằng là tốt nhất.

Còn Nhà nước làm gì, sẽ đưa ra quy định, quy chế để các tổ chức tham gia phải đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Đơn cử như đề xuất tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ này phải có vốn pháp định trên 10.000 tỉ đồng, đây là một trong những điều quan trọng nhất để bảo vệ nhà đầu tư.

Vì sao cần con số này? Khi làm thị trường tiền số này, quan trọng nhất là bảo mật, chống hacker. Nếu có sự cố bị mất tiền tỉ, tổ chức đó phải lấy vốn ra đền cho nhà đầu tư.

Vụ tin tặc đã tấn công sàn giao dịch tiền điện tử Bybit, lấy đi cả tỉ USD nhưng sàn này có tiền đền, còn ở Việt Nam thì sao?

Thứ hai nữa là phải có cơ chế chống "lùa gà" minh bạch, phát hiện lừa đảo, chặn lại hành vi trục lợi, thao túng. Nhà đầu tư cũng phải hiểu rằng đầu tư vì cái gì. Nếu chỉ đầu tư vì nghĩ ngày mai nó lên bán kiếm lời, thì phần được phần mất sẽ là 50-50.

Quản lý thị trường crypto - nên tập trung hay phi tập trung?

* Chưa có khung pháp lý tổng thể về cách thị trường vận hành, nhưng Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo. Điều này khiến nhiều người cảm thấy cơ quan nhà nước đang có hướng đi thận trọng, thậm chí đọc về đề xuất quản lý crypto giống như chứng khoán. Ông nghĩ nên theo hướng thận trọng hay cởi mở?

- Thị trường chứng khoán khi mới mở những năm 2000 đã làm rất thận trọng. Ủy ban Chứng khoán được lập vừa để xây dựng vừa kiểm soát, nhưng sau hai mấy năm nhìn lại, phát triển rất tốt.

Còn với crypto, bối cảnh nay đã khác và bản chất loại tài sản này cũng khác nhiều với chứng khoán. Tôi nghĩ không thể hoàn toàn "thận trọng", nhưng cũng khó có thể "cởi mở" hoàn toàn.

Đã gọi là sàn thí điểm (sandbox) thì phải kiểm soát được. Tức là chúng ta có thể "cắt cầu dao" bất cứ lúc nào, nhưng cũng không thể "trói chân trói tay" người ta. Hãy để cho người ta làm, nhưng mình trang bị hệ thống camera giám sát thật rõ nét và 24/7.

Nếu cảm thấy có "biến" thì có thể ngắt kết nối. Đặt camera không có nghĩa là "lỏng lẻo" đâu nhé. Nhất cử nhất động của ai, làm gì tôi biết hết.

* Vậy với đề xuất buộc nhà đầu tư chuyển tài sản mã hóa về Việt Nam quản lý, theo ông có khả thi?

- Đây chỉ mới là đề xuất, tức là nhà đầu tư có thể sẽ được yêu cầu chuyển tài sản về sàn trong nước sau một thời gian (ví dụ 6 tháng), nếu không sẽ là lưu trữ phi pháp.

Điều này dẫn đến hai khả năng: Buộc người dùng hoặc chuyển về hoặc bán hết. Nó có thể khiến nhà đầu tư phải thích nghi điều kiện mới, nhưng cũng có thể đóng băng thị trường.

Với những người nắm giữ lượng tài sản số nhỏ, có lẽ sẽ không phải vấn đề lớn. Nhưng có thể khiến những người có khối tài sản số lớn cảm thấy "chột dạ" hơn và buộc họ phải tính toán lại.

Còn về mặt công nghệ, việc quản lý tập trung, truy vết giao dịch trên sàn tập trung là làm được về mặt kỹ thuật.

* Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về mức xử phạt (ví dụ thao túng thị trường) có thể hơi nặng khi mức phạt cá nhân mà lên tới tiền tỉ?

- Vẫn còn thời gian để chúng ta bàn luận, góp ý. Sẽ có những tranh luận, góp ý này khác. Nhưng cần phải ghi nhận cơ quan quản lý đã cởi mở hơn rất nhiều so với trước đây, từ chỗ không thừa nhận giờ bàn về việc thừa nhận và cho phép nó hoạt động.

Từ chỗ người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, giờ kinh doanh thoải mái nếu pháp luật không cấm. Ngay cả các lãnh đạo cao nhất cũng đã nói về điều này.

Tôi nghĩ tương lai của tất cả sẽ tốt khi tất cả đều đồng lòng, sẽ làm, sẽ sửa nếu không phù hợp. Đường đi còn nhiều chông gai, có "hố" thì cùng nhau gỡ.

Tuy nhiên nếu nghiên cứu các mô hình nước ngoài cho thấy mô hình quản lý tập trung đa phần sẽ không thành công. Các nước thành công thường cho phép quản lý phi tập trung. Riêng với Việt Nam, mô hình tập trung vẫn có xác suất thành công.

* Cơ sở nào khiến ông nghĩ như vậy?

- Vì thị trường này ở Việt Nam, như tôi nói, hiện nay rất lớn. Người Việt có tính cách chịu sự quản lý rất cao. Họ thường tìm cách thích nghi để sống và hoạt động trong khuôn khổ của các quy định. Đây là đặc trưng của nhà đầu tư Việt Nam khi so với nhiều thị trường khác.

Nhưng dù theo hướng nào, điều quan trọng vẫn phải để cho các bên tham gia cảm thấy "sống" được. Nếu quy định ra mà không ai sống được thì không có thị trường.

Việt Nam sẽ trở thành thị trường hấp dẫn?

* Ông đã có buổi gặp gỡ thân mật với Jan VanEck, CEO của quỹ đầu tư VanEck Global. Khi khung pháp lý rõ ràng hơn, liệu Việt Nam sẽ thu hút được các quỹ đầu tư không?

- Quỹ đầu tư vào bitcoin chắc chắn sẽ có khi được pháp lý thừa nhận. Các lãnh đạo cấp cao từ Tổng Bí thư đến Thủ tướng đều nói về câu chuyện công nghệ, về thị trường tài sản số, rõ ràng Việt Nam sẽ không đứng ngoài.

VanEck là một công ty tài chính lớn, họ đánh giá cơ hội rất nhanh. Không phải nghiễm nhiên mà tổng giám đốc của họ bay sang đây gặp tôi, ăn cơm rồi đi về. Tức là họ phải nhìn thấy thị trường Việt Nam rất năng động.

Sẽ phạt nặng nếu nhà đầu tư không chuyển tài sản mã hóa về tổ chức Việt Nam cấp phép

Bộ Tài chính đề xuất phạt 100 - 200 triệu đồng nếu nhà đầu tư không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cơ quan này cấp phép.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Kết nối du lịch trong nước để đưa du khách đến Phú Quốc

Kiên Giang tăng cường kết nối du lịch với đơn vị lữ hành trong nước đưa khách quốc tế và khách nội địa đến Phú Quốc vui chơi.

Kết nối du lịch trong nước để đưa du khách đến Phú Quốc

Thanh toán QR, NFC liên tục tăng trưởng mạnh

Thanh toán QR và thanh toán công nghệ NFC đã vượt qua các phương thức thanh toán khác để trở thành những "người dẫn đường" trong hành trình số hóa của nền kinh tế.

Thanh toán QR, NFC liên tục tăng trưởng mạnh

Ông Đinh Hồng Kỳ làm chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM

Ông Đinh Hồng Kỳ - chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin - được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, thay ông Lê Viết Hải - chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Hòa Bình.

Ông Đinh Hồng Kỳ làm chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM

Chủ doanh nghiệp muốn tuyển sinh viên làm công nhân, 'mặt mày hiền lành, không xăm trổ' duyệt ngay

Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp với Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DSEZA) sáng 23-5, các doanh nghiệp cho biết rất mong muốn mời sinh viên đại học và cả bộ đội vào làm việc, trả lương hấp dẫn.

Chủ doanh nghiệp muốn tuyển sinh viên làm công nhân, 'mặt mày hiền lành, không xăm trổ' duyệt ngay

Sản phẩm đặc trưng xứ Huế 'tìm' người dùng TP.HCM

Một hội nghị kết nối đã diễn ra, mở ra cơ hội cho những sản phẩm đặc trưng của cố đô Huế đến gần hơn với người tiêu dùng phía Nam.

Sản phẩm đặc trưng xứ Huế 'tìm' người dùng TP.HCM

Du lịch golf Việt Nam kỳ vọng hút mạnh khách du lịch Nhật Bản

Một cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Việt Nam và Nhật Bản đã hé mở những kế hoạch đầy tham vọng cho ngành du lịch golf.

Du lịch golf Việt Nam kỳ vọng hút mạnh khách du lịch Nhật Bản
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar