
Phó thủ tướng Mai Văn Chính (bìa phải) và bà Ngô Phương Lan trao giải cho Phim châu Á hay nhất. Đoàn phim đã về nước nên không kịp dự bế mạc, đại diện UBND TP Đà Nẵng nhận thay - Ảnh: ANH ĐÀO
Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) diễn ra vào tối ngày 5-7 tại TP Đà Nẵng.
Dự sự kiện có Phó thủ tướng Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Phạm Đại Dương cũng như lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng nhiều chuyên gia điện ảnh, nhà sản xuất, đạo diễn uy tín trong nước lẫn quốc tế.

Bà Ngô Phương Lan phát biểu bế mạc - Ảnh: BTC
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng hẹn gặp lại
Phát biểu bế mạc, bà Ngô Phương Lan, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, giám đốc DANAFF III, chia sẻ "những gì diễn ra ở DANAFF III cho thấy sự phát triển vượt trội cả về quy mô, nội dung chương trình và chất lượng nghề nghiệp".
Tổng số phim trình chiếu trong DANAFF III lên đến 106 phim so với 46 phim của DANAFF I, 63 phim của DANAFF II; số buổi chiếu phim lên đến 200 so với 100 buổi của mùa trước.
Đặc biệt DANAFF III đã công chiếu quốc tế lần đầu 11 phim châu Á và nhiều phim Việt Nam, khẳng định uy tín của liên hoan phim khi được các nhà làm phim lựa chọn gửi gắm đứa con vừa chào đời của mình.
Bà Lan kết thúc bài phát biểu với một lời hứa hẹn: "Hẹn gặp lại quý vị tại DANAFF IV năm 2026".

Giải đặc biệt của ban giám khảo ở hạng mục Phim châu Á dự thi được trao cho Mưa trên cánh bướm - Ảnh: BTC
Giao dịch miền biên giới khiến chủ tịch ban giám khảo rơi nước mắt
Ở hạng mục Phim châu Á dự thi, Phim xuất sắc nhất được trao cho phim Deal at the Border (Giao dịch miền biên giới) của đạo diễn Dastan Zhapar Ryskeldi.
Lấy cảm hứng từ những ký ức thời thơ ấu có thật của người anh trai - đồng thời là biên kịch kiêm đạo diễn phim, Aktan Ryskeldiev, tác phẩm kể về hành trình của hai người vận chuyển ma túy, Aza và Samat.
Đạo diễn đã khéo léo tái hiện không khí căng thẳng, nguy hiểm của vùng biên giới, đồng thời lồng ghép các yếu tố văn hóa và xã hội của Kyrgyzstan.
Đạo diễn Jang Joon Hwan, chủ tịch ban giám khảo hạng mục Phim châu Á dự thi, cho Tuổi Trẻ Online biết ông vô cùng ấn tượng với 14 phim châu Á dự thi năm nay.
"Không chỉ đa dạng về mặt địa lý, các bộ phim đã kể câu chuyện của mình một cách đầy cá tính trong bối cảnh lịch sử, văn hóa riêng, điều đó thực sự rất ấn tượng. Đặc biệt nhiều tác phẩm khai thác các vấn đề như giới tính, bản sắc và giai cấp một cách vô cùng tinh tế", ông nói "rất vui vì đã được thấy nhiều khía cạnh đa dạng của điện ảnh châu Á tại DANAFF III".
Nói về Giao dịch miền biên giới, Jang Joon Hwan đánh giá "phim được dàn dựng đơn giản và có nhịp độ chậm, nhưng lại là một tác phẩm quý giá hiếm thấy gần đây, có thể chạm đến những góc sâu thẳm nhất của con người. Cá nhân tôi cũng đã vô cùng xúc động và rơi nước mắt".
Giải Đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho Quản Hổ (phim Black Dog - Hắc cẩu). Ông là một trong những đại diện tiêu biểu của thế hệ đạo diễn thứ 6 tại Trung Quốc những năm 1990.
Trong khi đó giải Kịch bản xuất sắc gọi tên phim Muddy foot (Dính chám) của đạo diễn người Iran Ebrahim Azizi.
Diễn viên nữ chính xuất sắc là Nurzhan Beksultanova (phim Abel của đất nước Kazakhstan).
Giải đặc biệt của ban giám khảo ở hạng mục Phim châu Á dự thi được trao cho Mưa trên cánh bướm của Dương Diệu Linh.

Đạo diễn Khương Ngọc (phim Chị dâu) đại diện đoàn phim nhận giải - Ảnh: BTC
Chị dâu thắng lớn, Trạng Quỳnh nhí nhận giải đặc biệt
Phim Chị dâu thắng lớn khi giành một lúc ba giải thưởng: Phim Việt Nam hay nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Nữ diễn viên Việt Nam xuất sắc (Việt Hương).
Lên nhận giải, đạo diễn Khương Ngọc chia sẻ đây là vinh dự rất lớn, cảm ơn DANAFF đã cho Chị dâu có cơ hội được tỏa sáng.
"Ngọc luôn nói với các cộng sự mình cần làm một bộ phim vừa bảo đảm tính nghệ thuật, vừa bảo đảm tính giải trí. Lúc đó nhiều người đã không tin điều đó. Tôi cũng từng mơ một lần nhận cúp và bây giờ đã làm được rồi. Dường như vũ trụ đã bù lại niềm hạnh phúc này cho tôi. Xin cảm ơn", Khương Ngọc xúc động.

Ba đề cử đạo diễn Việt Nam xuất sắc nhất - Ảnh: BTC
Phim Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu (đạo diễn Trịnh Lâm Tùng) nhận giải đặc biệt của ban giám khảo vì sự sáng tạo, độc đáo và đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đây là một niềm động viên, khích lệ lớn với ê kíp Trạng Quỳnh nhí vì phim được đánh giá chất lượng khá tốt nhưng thành tích phòng vé lại quá khiêm tốn (thu hơn 3 tỉ đồng, theo Box Office Vietnam tới ngày 5-7).

Ê kíp Trạng Quỳnh nhí nhận giải đặc biệt - Ảnh: HÀ LAN
Với Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, đạo diễn Victor Vũ là Đạo diễn Việt Nam xuất sắc nhất.
Lên nhận giải, Vicror Vũ chia sẻ: "Những câu chuyện về văn hóa, con người Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng rất lớn, giải thưởng là động lực để Victor Vũ và ê kíp tiếp tục đưa những câu chuyện này lên màn ảnh rộng".

Victor Vũ phát biểu khi nhận giải - Ảnh: BTC
Giải Nam diễn viên Việt Nam xuất sắc nhất trao cho Tuấn Trần (phim Làm giàu với ma). "Nhìn bảng đề cử có hai diễn viên giỏi là Quốc Huy và Huỳnh Lập, có những điều phải học hỏi rất nhiều. Tôi cảm thấy may mắn và đây là vinh dự không chỉ của riêng mình mà của cả những người đồng hành với tôi", diễn viên phát biểu.
Anh cũng gửi lời biết ơn khán giả đã cho mình nguồn năng lượng lớn để tiếp tục phát triển trong hành trình làm nghề tiếp theo.
Giải Phê bình cho phim châu Á trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh châu Á được trao cho phim Sunday của Shokir Kholikov đến từ Uzbekistan.
Giải khán giả cho phim Việt Nam được yêu thích nhất do khán giả bình chọn thuộc về phim hoạt hình Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội.
Bình luận hay