
Hình ảnh cho thấy đơn vị của Trung tâm hành động bom mìn Campuchia (CMAC) đang rà phá bom mìn tại tỉnh Oddar Meanchey, cùng với bản đồ do Bộ Quốc phòng Campuchia công bố nhằm chỉ ra vị trí vụ nổ mìn khiến 3 binh sĩ Thái Lan bị thương - Ảnh: KHMER TIMES
Campuchia kiên quyết bác bỏ
Theo báo Khmer Times ngày 21-7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata ngày 20-7 đã bác bỏ cáo buộc từ phía Thái Lan rằng Campuchia phải chịu trách nhiệm cho vụ nổ mìn hôm 16-7 tại làng Techo Morokot, huyện Choam Ksan, tỉnh Preah Vihear.
"Campuchia kiên quyết bác bỏ cáo buộc của Thái Lan. Việc các binh sĩ Thái Lan bị thương là do họ đi lệch khỏi tuyến đường tuần tra đã được thỏa thuận, vi phạm bản ghi nhớ năm 2000", trung tướng Socheata nhấn mạnh.
Bà nói thêm: "Họ đã mở thêm một lối đi mới vào lãnh thổ Campuchia - nơi vẫn còn nhiều mìn chưa nổ, tàn dư chết người của chiến tranh mà Campuchia đã nhiều lần cảnh báo".
Bà cho biết việc binh sĩ Thái Lan di chuyển vào lãnh thổ Campuchia không chỉ là hành động trái phép mà còn vi phạm đến toàn vẹn lãnh thổ.

Một quả mìn được nhìn thấy trên một cánh đồng ở Chong Bok, Ubon Ratchathani, nơi trước đây được tuyên bố là không còn mìn, theo báo Bangkok Post - Ảnh: BANGKOK POST/X
Theo bà Socheata, khu vực xảy ra vụ việc nằm trong lãnh thổ Campuchia, theo bản đồ tỉ lệ 1:200.000, là kết quả việc phân định ranh giới lịch sử giữa Đông Dương và Xiêm, phù hợp với các hiệp ước Pháp - Xiêm năm 1904 và 1907.
"Campuchia kêu gọi Thái Lan thực thi đầy đủ bản ghi nhớ năm 2000 và sử dụng các cơ chế quốc tế đã được thiết lập, thư Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", bà nói.
Bà cũng đặt câu hỏi về việc tại sao binh sĩ Thái Lan lại được tuần tra ngoài tuyến đường đã thống nhất dù biết rõ nguy hiểm do mìn chưa nổ gây ra, cũng như những cảnh báo từ Campuchia.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia kêu gọi sự bình tĩnh và trách nhiệm, yêu cầu Thái Lan tránh các hành vi có thể đe dọa hòa bình, an ninh tại khu vực biên giới chung.
Campuchia cũng nhấn mạnh kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và giải quyết các vấn đề biên giới bằng biện pháp hòa bình, hợp pháp. Trong đó bao gồm cả các tranh chấp lâu dài với Thái Lan về các quần thể đền Ta Moan Thom, Ta Moan Tauch và Ta Krabei.
Khẳng định nỗ lực rà phá mìn
Trước đó, vào ngày 19-7, Tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Pana Klaewplodthuk cho biết nước này đang theo đuổi các biện pháp trả đũa Campuchia, sau khi một cuộc điều tra cho thấy những quả mìn gây ra vụ nổ hôm 16-7 tại khu vực biên giới Chok Bok ở tỉnh Ubon Ratchathani là mìn mới được gài, theo báo Bangkok Post.
Quân khu 2 của Thái Lan xác nhận Campuchia đã cài thêm mìn mới, có thể lên tới hơn 100 quả, bên trong lãnh thổ Thái Lan. Trung tướng Boonsin Padklang, tư lệnh Quân khu 2, cho biết đang triển khai hành động chính thức.

Trung tướng Boonsin Padklang thăm binh sĩ Thái Lan bị thương sau vụ nổ mìn ở biên giới với Campuchia - Ảnh: Bangkok Post
Tuy nhiên, ông Ly Thuch - phó chủ tịch thứ nhất Cơ quan Hỗ trợ nạn nhân và rà phá bom mìn Campuchia (CMAA) - lên án việc Thái Lan ám chỉ rằng Campuchia đã cài mìn mới.
Ông nhấn mạnh quốc gia này đã chịu nhiều đau thương vì bom mìn trong nhiều thập kỷ và đang tích cực rà phá.
"Chúng tôi đã mệt mỏi vì mối nguy từ bom mìn và dành hơn 30 năm để rà phá. Campuchia vẫn cam kết duy trì hòa bình, kêu gọi Thái Lan ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề biên giới và các hoạt động rà phá mìn chung", báo Khmer Times dẫn dời ông Ly Thuch.
Ông đồng thời cho biết việc rà phá bom mìn dọc biên giới với Thái Lan là một thách thức phức tạp do địa hình hiểm trở, thảm thực vật dày đặc và tình trạng ô nhiễm bom mìn nghiêm trọng ở một số khu vực.
Campuchia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mìn. Nước này là thành viên của Công ước Ottawa cấm sử dụng mìn sát thương.
Bình luận hay