Ở hoài với phố dễ gì biết cái sung sướng của phút bây giờ, khi anh em xóm giềng quây quần bên mâm rượu quê, dưới bóng mát gốc khế, hoa rụng từng bông tím vào ly rượu làng trong vắt sóng sánh. Mồi miếc giản đơn, vịt bắt sau chuồng, cá câu dưới ao, mùi xôi nếp ủ hương lá dứa thơm nghẹn lồng ngực... Vài ly đưa cay là bắt đầu ồn ào tranh nhau nhắc nhớ... Chuyện ngày xưa, chuyện bây giờ, những câu chuyện không đầu không cuối, từ hồi ức rưng rưng thuở hàn vi cắt cỏ chăn trâu đầu bờ cuối bãi đến chuyện tên lửa, hạt nhân bên Bắc Hàn tivi mới đưa sáng nay...
Chuyện ồn ào hồn nhiên bởi quanh chiếu rượu quê không cần chi giữ kẽ thưa gửi, sợ mếch lòng người này kẻ nọ, cũng không sợ nhỡ lời rồi sinh ra “ngôn xuất thất mã nan truy”, cũng chẳng âu lo uốn lưỡi bảy lần trước khi nói lo có anh Ba, anh Tư ngồi đó. Mà có chút men cay vào rồi, thế là cứ vui, thế là la đà, mệt thì cứ ngả lưng xuống chiếu cói, nghe thêm ve ran quanh vườn dỗ dành giấc ngủ.
Nhiều chuyến đi đây đi đó, có lúc cái gã nhà quê như mình lại rơi lạc vào mấy cuộc rượu linh đình, Whisky Chivas chảy như suối, nhưng rồi cứ chạnh lòng bởi cái gốc nhà quê hay tiếc tiền khi nghĩ chai rượu kia giá gần cả tấn thóc mất cả mùa cày sâu cuốc bẫm một nắng hai sương, nên chi ly rượu ngọt thơm đến vậy, trôi qua họng bỗng dưng đắng nghét. Khác với cái vị rượu làng êm êm quê kiểng thơm hương mùa màng, bên bạn bè đồng dao với bao hồi ức cỏ dại lan man mà long lanh khinh khoái...
Chợt nhớ cuốn sách bạn vừa dúi vội vào tay trước khi lên chuyến tàu đêm sau một cuộc lữ hành thiên lý: Thấy Phật (Cao Huy Thuần)...Trên nhịp tàu lắc lư đêm trường, vì là cuốn tạp bút nên cứ đọc theo cách lật ra bất ngờ, gặp đâu đọc đó. Đây rồi, “Thênh thang trên xứ non cao...”, câu chuyện ấy hình như đã nghe hồi Tuần lễ văn hóa Phật giáo năm trước ở Huế nhưng rồi không kịp để ý, nay thì câu chuyện của nước Bhutan mới thú vị làm sao.
Cái quốc gia bé bên triền Hy Mã Lạp Sơn tuyết băng bốn mùa ấy, bị kẹp giữa hai quốc gia hùng mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ mà vẫn an nhiên tự tại, sống cuộc đời thong dong như mây ngàn trên những thung núi xa, khi người ta cứ nhất nhất phải là tăng trưởng GDP (viết tắt của Gross Domestic Product - là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi áp dụng cho phạm vi toàn quốc gia, nó còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội).
Nhưng nếu những nghị trường bao giờ cũng nóng lên với GDP,... thì xứ Bhutan kia lại đưa ra một khái niệm mới về chỉ số hạnh phúc quốc gia: GNH (Gross National Happiness). Chính quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck (cha của nhà vua hiện tại - Jigme Khesar Namgyel Wangchuck) từ năm 1972 đưa ra khái niệm này với bốn ý tưởng cốt lõi: khuyến khích phát triển mô hình kinh tế - xã hội bền vững và công bằng; bảo tồn và cổ xúy giá trị văn hóa; gìn giữ môi trường thiên nhiên và thiết lập cơ chế quản lý hiệu quả.
Khái niệm GNH giờ đang khiến nhiều quốc gia phát triển đến đỉnh như Nhật, Mỹ... phải xem lại mình. GDP của Bhutan là 500 triệu USD, GDP của nước Nhật là 4.400 tỉ USD, nhưng một người Nhật có hạnh phúc hơn một người Bhutan không? Câu trả lời khó mà chắc chắn!
Cũng như hỏi một chai Chivas thượng hạng và ly rượu làng trong veo rụng mấy bông khế lấm tấm uống dưới bóng trưa này vậy, ly rượu nào ngon hơn cũng khó mà tính bằng sự đắt tiền...
Bình luận hay