Thực tế không thiếu những người cha đã vò võ một mình nuôi con, bất kể đời gian khó.
Hoặc có những người cha đã lặng thầm vẽ cho con trẻ một miền ký ức ấu thơ tươi đẹp. Nhân Ngày của cha (chủ nhật thứ ba của tháng thứ sáu) sắp đến, Tổ ấm xin giới thiệu những câu chuyện về người cha mà bạn đọc đã gửi về.
![]() |
Nhiều đứa con xem cha như người bạn lớn trong đời - Ảnh: Quân Nam |
“Ba tôi: chỉ thành công một việc”
Khu Xóm Mới, Q.Gò Vấp, TP.HCM có căn nhà của người đàn ông đã 79 tuổi, ông tự xưng là ông Ba. Vợ chết lúc ông 35 tuổi, để lại cho ông năm con gái và một cậu con trai. Chị Bích Huyền, 57 tuổi, con gái lớn của ông, kể: “Mẹ tôi chết khi tôi mới 13 tuổi, cùng với ba, tôi một nách năm đứa em. Phải nói ba tôi là một người thất bại. Ông làm đủ nghề nuôi chúng tôi. Đầu tiên ông đạp xích lô, nhưng rồi bị cướp mất chiếc xích lô, phải nằm viện mấy tháng.
Nhà rộng nên ông nuôi heo. Bán được vài đàn heo thì heo bị chết hàng loạt, mất cả vốn. Ba tôi bắt tay nuôi gà: đóng chuồng, mua con giống... Bán chưa tới 500 trứng gà và chục con gà thịt thì bầy gà bị rù chết sạch”... Ngồi nghe con gái nói về mình, ông Ba không những không xấu hổ mà còn cười vui. Thế nhưng chị Huyền cười nói tiếp: “Ba tôi chỉ thành công một việc...”! Không đợi tôi ngạc nhiên, chị tiếp luôn: “Ông nuôi dưỡng chúng tôi thành đạt!”. Chỉ những bức hình trên tường, chị hãnh diện: “Tất cả chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và gia đình riêng hạnh phúc”...
Quả vậy, trên tường là những bức ảnh của các cử nhân với áo thụng, mũ dây. Ông Ba trầm ngâm khi nghe tôi hỏi sao ông không tục huyền: “Gánh nặng sáu đứa con, tôi lại thất bại trong việc làm giàu nên không dám nghĩ đến việc bước thêm bước nữa. Ngoài ra, tôi rất ngại tiếng đời gièm pha nếu con tôi không ngoan, vợ kế la mắng chúng. Hoặc sự xung đột giữa con anh, con của chúng ta”...
Từ giã người cha đã chọn lựa cho mình một cách sống, chia tay với những đứa con thành đạt, mắt long lanh hạnh phúc, tôi chợt nghĩ không biết họ có từng thấu cảm rằng người cha đáng kính của họ từng vì muốn bảo vệ thiên đường tuổi thơ của con cái mà đánh đổi hạnh phúc lớn nhất đời mình: tình yêu?
NGUYỄN NGỌC HÀ
Cha nuôi
Tại một tiệm sửa xe khá đông khách thuộc Q.10, TP.HCM, ít ai biết anh Tân, 29 tuổi, là cậu ruột và là cha nuôi của bé Tú, con người chị ruột của Tân. Ba mẹ của hai chị em Tân đều lần lượt qua đời vì bệnh sốt rét rừng nên chị em dắt díu nhau rời căn nhà nhỏ trên Tây nguyên về Sài Gòn năm 2001. Sau nhiều năm làm lụng chăm chỉ, những tưởng gia đình người chị sẽ có chuỗi ngày êm đẹp với đứa em trai côi cút, nhưng không ngờ năm 2011, cả hai vợ chồng người chị trên chuyến xe từ Bình Dương về Sài Gòn đã bị xe ben đụng chết thảm, để lại cho Tân đứa cháu gái, bé Ngọc Tú, chỉ mới vào lớp 1, lúc đó đang ở nhà với cậu.
Tân chia tay ngay người bạn gái quen đã hơn ba năm khi cô đề nghị anh đưa cháu vào cô nhi viện. Đến nay, ngày ngày Tân dậy sớm nấu cơm cho hai cậu cháu, sau đó đưa bé đến trường rồi đi làm, chiều đón bé về, hâm lại thức ăn và dỗ bé ngủ. Tân bộc bạch: “Tôi nguyện với lòng bất cứ cô gái nào đến với tôi phải yêu thương cháu tôi như con”.
Khi hỏi anh về chặng đường trước mắt cho tương lai hai cậu cháu, Tân cười: “Tôi có một người chị, giờ thì tôi chỉ có một đứa cháu. Hai chị em tôi từng là trẻ mồ côi, từng chia sẻ nhau chén cơm nguội nên tôi sẽ cố gắng không để cho cháu tôi gặp thêm những bất hạnh nào ngoài bất hạnh lớn nhất đời cháu: mất hết ba mẹ trong một ngày”.
Chia tay Tân, từ trong trái tim tôi tin Tân sẽ thực hiện được tâm nguyện đó...
Tờ lịch cũ Năm 18 tuổi, tôi được ba tặng một hộp giấy nhỏ màu hồng nhân ngày sinh của tôi. Tôi tò mò mở ra, bên trong chỉ là tờ lịch cũ đã ố vàng. Nửa trên tờ lịch có con số 22 màu đỏ, nửa dưới là con số 4 nhỏ hơn màu xanh, bên trái là dòng chữ “Tháng hai năm 19...”. Mặt sau tờ lịch có nét chữ của ba, viết bằng mực xanh với bốn câu thơ: Hôm nay con chào đời/ Nhà ta rộn tiếng cười/ Mẹ ôm con bên gối/ Như ôm lấy mặt trời. Đó chính là tờ lịch cũ ngày tôi chào đời. Ba tôi cất giữ nó trong từng ấy năm. Tờ lịch mỏng trên tay tôi bỗng như nặng hơn. 18 năm trời với biết bao sự kiện cuộc đời chất chồng, tất cả ngỡ như đã lãng quên thì nay ùa về. Tôi nhớ ngày đầu tiên ba đưa tôi đến ngôi trường tiểu học trong sự náo nức lẫn sợ hãi của cậu bé lên sáu. Tôi làm sao quên buổi chiều mùa hè năm lớp 6, tôi leo lên cây trứng cá trước sân nhà chơi trò “tặc dzăng”, bất ngờ chụp hụt cành cây khiến tôi lộn vòng xuống đất. May mà cơn mưa hồi hôm làm mặt đất còn mềm nên bộ xương chưa gãy cái nào, nhưng cổ chân trái bị trật khớp, sưng vù. Ba đã bế tôi ngồi lên xe đạp đưa tới nhà ông thầy thuốc nam nắn lại cổ chân và bó thuốc. Năm tôi học xong lớp 12, cả thành phố sống trong những ngày khó khăn nhất của thời bao cấp. Gia đình tôi cũng không tránh khỏi bữa rau bữa cháo. Tôi quyết định nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng ba động viên tôi thi vào đại học. Còn ông, ngày ngày vác chiếc bàn con ngồi bên lề đường bán vé số mà nụ cười cứ đầm ấm trên môi. Một buổi sáng, người đưa thư gõ cửa gửi giấy báo kết quả trúng tuyển. Ba tôi nhận thư. Ông nhảy cẫng lên sung sướng... Có những lúc tôi thấy mệt mỏi vì những đua chen với cuộc đời. Có những lúc tôi cảm thấy cô đơn, rất cần một lời an ủi, vỗ về... Những lúc như vậy tôi lại lấy ra tờ lịch cũ. Nó như nhắc nhở tôi biết nâng niu từng ngày đang sống. TỪ NGUYÊN THẠCH |
Bình luận hay