
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Ảnh: Quochoi.vn
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đưa ra khi giải trình tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp ngày 20-5.
Chưa rõ cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng việc sửa đổi quy định doanh nghiệp tư nhân và mô hình hộ kinh doanh đã không được đưa vào dự thảo luật. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940.000 doanh nghiệp, tức là chiếm tỉ trọng rất lớn.
"Dự thảo lần này chưa đề cập đến việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với yêu cầu rất rõ ràng, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ hình thức thuế khoán" - bà Hà nói.
Trên thực tế, bà cho rằng dù khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, nhưng số lượng hộ kinh doanh vẫn tăng đều qua các năm.
Nguyên nhân do chế độ thuế khoán đơn giản, quản lý không chặt chẽ về chứng từ kế toán và mức xử phạt vi phạm hành chính của hộ kinh doanh chỉ bằng một nửa so với mô hình doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong chính khu vực kinh tế tư nhân.
Bà Hà cũng chỉ ra một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng một năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ kế toán doanh nghiệp, nhưng có nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh thu hàng chục tỉ đồng lại chỉ bị khoán thuế và vẫn hoạt động ngoài khung pháp lý của Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, đại biểu cho rằng đây là vấn đề bất cập, cần được xử lý, nên cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 như tinh thần nghị quyết 68, cũng như ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mới gồm hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Sẽ có luật về hộ kinh doanh
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng đối tượng áp dụng Luật Doanh nghiệp là các doanh nghiệp thuộc loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, chưa áp dụng đối với hộ kinh doanh.
Thực tế, năm 2020, khi trình dự thảo Luật Doanh nghiệp và Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, nhưng ở thời điểm đó thì Quốc hội đã biểu quyết là không đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp do không phù hợp với phạm vi cũng như là tên của doanh nghiệp.
Với nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, ông Thắng nói Bộ Chính trị đã chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh cá thể.
Do đó bộ trưởng cho hay đang suy nghĩ sẽ đề xuất trình Chính phủ, Bộ Chính trị và Quốc hội có thể sẽ ban hành Luật Hộ kinh doanh cá thể để xác định pháp lý cũng như mô hình tổ chức, hoạt động cho hộ kinh doanh cá thể.
Với các chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh, bộ đã tính toán đầy đủ những giải pháp, những biện pháp để thúc đẩy khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện, khả năng chuyển sang mô hình doanh nghiệp.
Bao gồm việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập, hỗ trợ tiền thuế đất, giảm thiểu các thủ tục, điều kiện về kế toán, về lao động, về kê khai thuế.
Cùng đó là việc quản lý đối với hộ kinh doanh theo hướng bỏ thuế khoán từ năm 2026, thực hiện kê khai nộp thuế theo doanh thu thực tế như doanh nghiệp và phải xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền hay nói cách khác, việc ghi nhận doanh thu này để tính thuế thì như là doanh nghiệp.
"Rõ ràng với những giải pháp hiện nay chúng ta có thì sẽ thấy rằng các hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi nhiều, thuận lợi hơn, chúng ta hy vọng trong thời gian tới việc này sẽ đạt được hiệu quả" - ông Thắng nói.
Bình luận hay