![]() |
Lê Hoàng Việt Lâm phát biểu tại diễn đàn của các giảng viên trẻ tiêu biểu TP.HCM - Ảnh: Q.L. |
“Có hiểu lịch sử mới có thể tự hào về dân tộc, đất nước mình. Nhưng trước khi yêu lịch sử thì cần phải biết lịch sử trước đã” - anh Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân TP.HCM - mở đầu cuộc trò chuyện.
Bộ sưu tập giải thưởng Hiện là giảng viên khoa Mác - Lênin Trường ĐH An ninh nhân dân TP.HCM, Lê Hoàng Việt Lâm là cái tên khá quen thuộc với các cuộc thi về truyền thống, lịch sử. Anh từng giành giải ba toàn quốc thi tìm hiểu lịch sử Đảng nhân 75 năm thành lập, giải nhì TP.HCM cuộc thi 60 năm thành lập nước, giải ba hội thi “Danh nhân đất Việt”, giải nhì thi trực tuyến “Biển đảo quê hương” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, giải nhì thi viết và thuyết trình “Từ Cách mạng Tháng Tám đến đại thắng mùa xuân 1975” cùng nhiều giải thưởng khác của Olympic các môn khoa học Mác - Lênin của Bộ Công an... |
* Hẳn là anh phải có một tình yêu rất đặc biệt với lịch sử?
- Lịch sử đã bắt đầu đi vào bộ nhớ của tôi từ những câu chuyện thường ngày giữa tôi với người thầy đầu tiên chính là cha mình, một giáo viên dạy lịch sử. Nhiều câu chuyện tưởng như cha kể một cách vô tình ấy ngấm vào tôi lúc nào không biết. Thời sinh viên tôi đã đọc được trên Tuổi Trẻ câu nói của Tổng thống Nga Putin mà tôi nhớ mãi đến giờ: “Kẻ nào quên quá khứ là kẻ đó không có trái tim”.
Tôi không giảng môn học liên quan đến lịch sử nhưng vẫn âm thầm lồng ghép vào bài giảng của mình các câu chuyện, sự kiện lịch sử bất cứ khi nào có dịp. Tôi thấy mình học được nhiều điều từ mỗi nhân vật lịch sử mình đã đọc, thấy tự hào trước lịch sử oai hùng của cha ông mình và mong được truyền cảm hứng đó lại cho đàn em, những sinh viên của tôi hiện nay.
* Nhưng lịch sử trong cái nhìn của số đông bạn trẻ vẫn là những điều khô khan, không dễ tiếp nhận và chưa hấp dẫn...
- Có một thực tế là hiện nay phần nhiều bài giảng lịch sử còn nặng nề lý thuyết, sự kiện, số liệu nên kém hấp dẫn người học. Tại sao không phải là đưa các bạn đến học lịch sử tại các bảo tàng? Sinh viên trường tôi đều có những tiết học tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi mà trước khi đến các bạn đều có đủ thông tin về nơi ấy, mục đích chuyến đi và sẽ viết bài thu hoạch theo cảm nhận của mình sau khi đến đó.
Tôi cho rằng để các bạn trẻ có thể yêu lịch sử thì họ phải biết về lịch sử trước đã. Vấn đề là sau từng hội thi, nơi các bạn đọng lại gì và những người tổ chức giúp được gì cho các thí sinh tiếp tục đến với lịch sử. Có khi nhiều bạn trả lời đúng hết nhưng chưa chắc đã nhớ được bao nhiêu sau khi kết thúc bài thi. Thi trực tuyến có cái hay khi tận dụng sự phát triển của công nghệ gần với người trẻ, tuy nhiên cũng cần có thi viết. Bởi có khi bài gửi dự thi đã được các bạn viết đi viết lại nhiều lần, sau mỗi lần chỉnh sửa tôi tin các bạn sẽ nhớ rõ, phân tích và nói lên cảm nhận của mình về sự kiện lịch sử ấy.
* “Chinh chiến” và thành công qua nhiều cuộc thi về lịch sử, anh chắc sẽ có nhiều điều muốn chia sẻ với những bạn còn “lạnh nhạt” với lịch sử?
- Từ mỗi lần dự thi, tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn nên hiện tại tôi có cho mình ngân hàng cả ngàn câu hỏi về lịch sử và sẵn sàng chia sẻ với ai cần. Chỉ cần nghĩ rằng mỗi lần dự thi hay tìm hiểu một điều nào đó liên quan đến lịch sử là các bạn đang tìm về với những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Tôi tin các bạn sẽ nhận ra lịch sử không khô khan như bạn từng nghĩ.
Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng đừng quá tham lam khi muốn người học, người thi biết quá nhiều vấn đề lịch sử cùng lúc vì như vậy sẽ không hiểu rõ, nhớ lâu. Thay vào đó, có thể chỉ một vấn đề nhưng tìm hiểu nhiều góc cạnh sẽ hay hơn, thấm sâu hơn. Chẳng hạn ngay khi cảm xúc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn đang rất lớn trong lòng mỗi người hiện nay, nếu có một cuộc thi tìm hiểu, hùng biện, viết về Đại tướng chắc rằng sẽ thu hút được sự quan tâm lớn.
Đợt thi cuối phần thi trực tuyến Từ 9g sáng thứ bảy (19-10) sẽ bắt đầu đợt 4 cũng là đợt thi cuối cùng của phần thi trực tuyến “Tự hào sử Việt” 2013. Sau đợt thi này, 400 thí sinh có kết quả cao nhất với thời gian thi ngắn nhất sẽ được chọn vào chung kết. Ban tổ chức cho biết chỉ cần 400 bạn đạt kết quả cao nhất là được chọn mà không bắt buộc những thí sinh này phải tham dự đủ cả bốn đợt thi trực tuyến như thông báo của điều lệ trước đây. Sau ba đợt thi trực tuyến, có gần 43.000 lượt thí sinh nhiều vùng miền cả nước đã dự thi. Cùng lúc đó, phần thi thiết kế sản phẩm tuyên truyền lịch sử và phần thi tiết học lịch sử hiệu quả, ấn tượng cũng đã kết thúc nhận bài dự thi. |
Bình luận hay