
Những bài viết được đăng trên báo Tuổi Trẻ là những kỷ niệm khó quên của tôi khi trải nghiệm việc viết lách
Những bài viết trên báo Tuổi Trẻ được tôi lưu lại thành bộ sưu tập, là một ấn phẩm đặc biệt trong tủ sách gia đình để đọc lại, suy ngẫm và có thêm những trải nghiệm đáng quý về chuyện đời và chuyện nghề.
Kiến thức từ trang báo
Trong những bộ sưu tập tư liệu giảng dạy của mình, tôi còn giữ lại những bài viết, hình ảnh sưu tập trên báo Tuổi Trẻ để đôi lúc hoài niệm lại những gì gọi là ngày xưa. Những tư liệu chính thống được trích xuất từ trang báo là những minh chứng để tôi lồng ghép vào trong bài giảng và trong các hoạt động sư phạm.
Hãnh diện hơn nữa là bộ sưu tập được các bạn đồng nghiệp mượn để phục vụ cho nghiệp vụ sư phạm của mình vì lúc chưa có Internet và AI như bây giờ thì những tư liệu như thế này rất là quý.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ là một người bạn dạy lịch sử đã mượn những bài phóng sự về quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm với tên gọi Hành trình đi tìm Nguyễn Trung Hiếu của phóng viên Uyên Ly để phục vụ cho tiết thao giảng bộ môn của mình.
Ở góc độ cá nhân, tôi tích lũy được kiến thức dần dần qua những bài báo bởi đó là những thông tin đã được kiểm chứng và biên tập trước khi đưa đến công chúng.
Tiết học hôm đó, không những học sinh mà ngay cả giáo viên dự giờ lắng đọng lại với những trải nghiệm của phóng viên trong việc thu thập thông tin và trực tiếp đến Mỹ để gặp nhân vật chính trong bài báo với câu nói đầy ý nghĩa "Đừng đốt, vì trong đó đã có lửa!".
Một minh chứng rõ nét nhất là thông qua việc đọc và ghi chú lại những thông tin trong loạt bài Thế kỷ 20: Theo bước đi thời gian trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tôi đã có những kiến thức từ văn hóa, lịch sử... trải dài trong khoảng thời gian đó.
Thú vị hơn nữa khi xem những bài đầu tiên trên trang báo, ba tôi - người khuyên tôi nên đọc những bài viết trên Tuổi Trẻ để có thêm kiến thức - nhận xét: "Loạt bài này giống như quyển Việc Từng Ngày của Đoàn Thêm trước đây khi khái quát lại những sự kiện quan trọng để dễ dàng tra cứu khi cần thiết".

Những tư liệu sưu tập từ báo Tuổi Trẻ là nguồn học liệu quan trọng trong hoạt động sư phạm - Ảnh do tác giả cung cấp
Thêm kỹ năng hỗ trợ chính mình
Nhà báo nghiệp dư - bạn bè gọi vui như vậy khi thấy những bài viết của tôi đăng trên Tuổi Trẻ và được chia sẻ trên Zalo hay Facebook.
Khởi nguồn là những lá thư, bài viết giới thiệu những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để Tuổi Trẻ hỗ trợ các em trên bước đường học tập và sau đó là các bài viết về chuyện đời, chuyện nghề, bóng đá, văn hóa đọc... dần dần bén duyên với Tuổi Trẻ lúc nào không hay.
Nói không quá lời, viết cho Tuổi Trẻ không chỉ đơn thuần là thư giãn sau những giờ làm việc mà còn rất hữu ích khi có được những kinh nghiệm sống và kỹ năng cho nghề dạy học.
Không chỉ làm giàu thêm vốn từ vựng với những thuật ngữ báo chí như title, chapeau, window, box... mà công thức 5W + 1H - What (cái gì), Who (ai), When (Khi nào), Why (tại sao), Where (ở đâu) và How (như thế nào) tưởng chừng chỉ có trong việc dạy và học tiếng Anh lại xuất hiện trong kỹ năng viết báo.
Trong đó, yếu tố H (How) diễn giải và chứng minh cho người đọc biết 5W đã xảy ra như thế nào một cách chi tiết hơn, hấp dẫn hơn với những thông tin thu thập được thông qua sự diễn đạt sinh động, thuyết phục của tác giả.
Kỹ năng diễn đạt báo chí là viết sao ít chữ mà nhiều ý. Báo chí hiện đại không cần bài dài, tin dài mà chỉ cần vừa đủ và cách viết sắc sảo.
Tôi mất một thời gian dài để suy ngẫm, trau chuốt và tự làm công việc biên tập cho bài viết của mình: Đọc đi đọc lại bài viết để hiểu ý nghĩa, tìm ra các sai sót như lỗi thông tin, bút pháp, ngữ pháp. Khi cần thiết có thể kiểm tra thông tin từ những nguồn tư liệu chính thống để tránh những hạt sạn trong bài viết.
Viết báo chính là kỹ năng mềm giúp tôi có thêm sự tự tin và trải nghiệm trong cuộc sống khi những nội dung trong những bài viết được đăng báo tìm được sự đồng cảm, chia sẻ trong cộng đồng.
Tham gia những cuộc thi viết trên báo Tuổi Trẻ là một trong những niềm đam mê với thú vui viết lách của mình. Là một người luôn trân trọng và yêu mến lịch sử Việt Nam nên khi Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi "Sản phẩm mới, dịch vụ mới tôi cần" năm 2011, tôi đã hưởng ứng cuộc thi và kết quả là đoạt giải khuyến khích với bài viết Bộ đồ dùng dạy học sử ca Việt Nam.
Bài viết Những phụ huynh bá đạo trên báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1-5-2018 là một trong những kỷ niệm khó quên với tôi khi mang lại những kinh nghiệm đáng quý trong nghiệp vụ sư phạm được các bạn đồng nghiệp và cả những phụ huynh tán thưởng.
Rất nhiều những ấn tượng và kỷ niệm với Tuổi Trẻ - tờ báo luôn đồng hành với tôi trong cuộc sống, trong công việc.
Bắt đầu một ngày mới với ly cà phê và thu thập thông tin trên Tuổi Trẻ Online trước khi đọc báo giấy đã trở thành thói quen như cách sử dụng thì hiện tại đơn trong môn tiếng Anh mà tôi giảng dạy cho học trò mình.
Mời bạn tham gia cuộc thi viết Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi
Ngày 2-9-2025 đánh dấu nửa thế kỷ báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng bạn đọc. Trong nửa thế kỷ đó, Tuổi Trẻ đã xác định tôn chỉ của mình là phụng sự bạn đọc, vì bạn đọc và đã được bạn đọc yêu quý, tin tưởng.
50 năm hình thành và phát triển của Tuổi Trẻ, bạn đọc luôn ở vị trí trung tâm. Trong quá trình đọc, theo dõi và sống cùng với Tuổi Trẻ, chắc hẳn bạn đọc có rất nhiều kỷ niệm, nhiều câu chuyện khó phai cũng như nhiều tình cảm, tâm tư với một tờ báo là "món ăn tinh thần" của bạn đọc và cũng là một phần đời khó phai trong nhiều bạn đọc.

Thấu hiểu điều đó, báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành là Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) tổ chức cuộc thi viết "Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi" để bạn đọc, những người yêu, gắn bó với Tuổi Trẻ kể những câu chuyện đặc biệt, những kỷ niệm không quên, những góp ý, hiến kế của mỗi người gắn với Tuổi Trẻ trong 50 năm qua.
Cuộc thi viết nhằm lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, những dấu ấn, những kỳ vọng của bạn đọc với báo Tuổi Trẻ. Đồng thời tiếp tục làm khắng khít thêm tình yêu của bạn đọc với Tuổi Trẻ và để những người Tuổi Trẻ thêm hiểu bạn đọc, phụng sự bạn đọc tốt hơn trong hành trình phía trước.
"Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi" mời gọi tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều được tham gia. Thời gian gửi bài dự thi từ ngày 24-5 đến 30-6-2025.
Bài viết tối đa 1.200 chữ, bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video tư liệu liên quan bài viết.
Tác giả cần ghi rõ địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản để ban tổ chức liên lạc. Bài viết dự thi gửi đến email: [email protected].
Bài dự thi chưa từng tham gia cuộc thi viết nào và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Bài dự thi "Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi" sẽ được lựa chọn để đăng trên Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online, Tuổi Trẻ podcast, chia sẻ trên Tuổi Trẻ fanpage...), có nhuận bút và in thành sách (không bán), trở thành một dấu ấn nhân 50 năm Tuổi Trẻ.
Ban giám khảo gồm đại diện báo Tuổi Trẻ và một số chuyên gia, nhà nghiên cứu hoặc người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội sẽ chấm chung khảo xét giải từ các bài được chọn đăng trên các nền tảng Tuổi Trẻ.
Dự kiến sự kiện tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra cuối tháng 7-2025 tại Đường sách TP.HCM.
Giải thưởng:
- 1 giải nhất: 20 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách.
- 1 giải nhì: 10 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách.
- 1 giải ba: 5 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách. Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Bình luận hay