31/01/2016 09:59 GMT+7

Xuân đầu tiên không có mẹ

ĐẶNG DŨNG
ĐẶNG DŨNG

TT - Chiều cuối năm, ngồi vẩn vơ nhìn nắng ngoài hiên nhà, tôi bùi ngùi nhận ra xuân này là mùa xuân đầu tiên không có mẹ.

Tết này con không còn mẹ - Ảnh: Hoài Linh

Vậy là sẽ không còn ai nhắc lau bàn thờ, không còn ai dặn phải gửi tiền về quê mua hộp bánh, thắp nén nhang cho cậu Hòa, không còn ai bảo nhớ biếu chú Năm ít tiền xài tết, không còn vô vàn lời nhắc của mẹ - mà có lúc làm tôi bực mình “năm nào cũng nhắc, con có quên đâu?”.

Vậy là năm nay đường hoa Nguyễn Huệ - năm đầu tiên trên con phố đi bộ thênh thang chắc sẽ đẹp lắm, mà tôi lại không còn có thể mời mẹ đi chơi.

Đã mấy cái tết rồi mẹ đã yếu, không còn đi dạo đường hoa được nữa. Nhớ năm nào hồi mẹ còn khỏe, mỗi lần chuẩn bị đi xem đường hoa là mẹ con lại... lục đục.

Mẹ bảo thôi ở nhà, chẳng cần đi đâu, tốn tiền xe taxi! Tôi cằn nhằn nào có xa xôi gì, đi cho vui, cho thấy tết với người ta. Rồi mẹ cũng đi, nắm tay thằng con trai tuổi 50 dạo đường hoa.

Có anh bạn đồng nghiệp bắt gặp chụp cho tấm hình kỷ niệm. Nào ngờ đó lại là tấm hình mẹ chụp tự nhiên nhất, ánh mắt như đang cười, trở thành tấm hình thờ khi mẹ mất.

Có phải do niềm vui được đi chơi phố với con trai chăng?

Tranh minh họa.

Khi mẹ mất rồi, tôi cay đắng nhận ra mẹ mình quá ít dịp được đi chơi đây đó. Cả đời mẹ tôi, từ thời con gái đã tảo tần, vất vả, chẳng mấy khi được đi du lịch, con đường mẹ tôi chỉ là từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà.

Có lúc tôi tự bảo rằng tại mẹ quanh quẩn ở nhà mãi riết rồi quen, chẳng thích đi đâu. Đó là cách lý giải bào chữa ngụy biện, cái chính là tại thằng con quá vô tâm đó thôi!

Tết này là cái tết đầu tiên không có mẹ, tôi tự hỏi mình sẽ ra sao? Hơn nửa đời người, tóc trên đầu sợi bạc đã nhiều hơn, tôi đã đi qua những mùa xuân, những cái tết có mẹ.

Tôi nhớ những cái tết thiếu khó sau giải phóng, mẹ vẫn ráng lo cho con trai tấm áo, cái quần mới, lúc đó tôi chưa đủ lớn để nhận ra những vất vả, lo toan của mẹ. Những mâm cơm tết hồi đó có thể không đủ đầy như bây giờ, nhưng mẹ đã cố để tôi không thấy thiếu khó, tôi đã có những cái tết đầm ấm bên mẹ.

Tôi nhớ sau này khi đã lập gia đình, cùng vợ con lo tết, mẹ vẫn đứng bên chăm sóc. Những chăm sóc mà lắm khi tôi thấy “sao mẹ cứ lo quá chi cho mệt vậy?”.

Và tôi cứ bình thản tiếp nhận những chăm sóc đó như lẽ đương nhiên, như lẽ sẽ là mãi mãi, tôi đón nhận tự nhiên như hít thở khí trời mà không nhận ra đó là món quà vô giá.

Mẹ như khí trời mà ta cả đời sống trong đó, lớn lên từ đó, giữa bao la trong lành mà cứ mãi đầy ắp, bao dung.

Mùa xuân đầu tiên không có mẹ, cứ nghĩ thế là lại thấy tủi thân quá đỗi. Sẽ thật buồn cười và khó hiểu, một gã trung niên đầu bạc ngồi nhớ mẹ mắt đỏ hoe, miệng méo xệch y chang đứa con nít! Nhưng có lạ gì, với mẹ muôn đời ta vẫn ấu thơ.

Tôi lại lan man nghĩ thế cái mùa xuân đầu tiên mình có mẹ nó ra làm sao nhỉ? Chào đời tháng 9 âm lịch, tết đến mới non ba tháng, mùa xuân đầu tiên lúc đó thằng tôi còn nằm trong lòng mẹ ngủ ngon lành.

Nó bắt đầu những năm tháng hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của mẹ từ đó, để rồi cứ vô tư mà ăn học, đòi quà, dỗi hờn, lớn lên, biết yêu và cưới vợ, sinh con. Chuỗi tháng năm dâu biển có biến động tới đâu thì trong vòng tay mẹ nó vẫn an bình như đứa bé, mọi gian nan khó khăn mẹ gánh hết rồi!

Tết này không có mẹ nhưng tôi không mất mẹ. Chẳng là mẹ tôi đã đi chơi đâu đó, thật xa, đó thôi! Tôi như nghe mẹ dặn: “Mẹ đi chơi đây. Bây giờ mẹ mới được đi xa. Ở nhà ăn tết nhớ lo mọi chuyện cho tươm tất nhé!”.

Tôi như thấy mẹ, dáng mẹ bên cửa sổ nhìn xuống đường trong cái nắng cuối năm vàng vọt. Tôi như thấy tay mẹ vuốt tóc tôi qua làn gió se se năm hết: “Bạc thế này rồi con, đừng bon chen quá làm gì, nghỉ ngơi đi”.

Tôi nhìn nồi bánh chưng đỏ lửa trong con hẻm nhỏ vẫn thấy bóng mẹ tôi. Bên cành mai vàng gầy guộc bên chợ vẫn có dáng mẹ tôi. Rồi trong cái xôn xao, náo nức mua sắm chuẩn bị đón tết cũng thấy mẹ tôi, tất bật, lo âu, cằn nhằn giá cái này mắc, cái kia lên.

Và tôi nhìn thấy mẹ từ cái ngồi nhìn nắng cuối năm của chính mình!

Chiều đã tắt nắng. Gió đâu mà thổi về dữ quá. Xuân đầu tiên không có mẹ. Một gã trung niên ngồi vẩn vơ khóc cười...

Hắn nhớ mẹ quá chừng!

ĐẶNG DŨNG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Bún bò Huế O Kay nước trong, chả cua vừa béo vừa bùi, bắp bò hoa xắt lát

Quán bún bò Huế có cái tên 'ngồ ngộ' O Kay, mà theo anh chủ quán người Huế giải nghĩa là 'OK', người Huế nói 'cũng được' tức là 'được'.

Bún bò Huế O Kay nước trong, chả cua vừa béo vừa bùi, bắp bò hoa xắt lát

Show thực cảnh ở hồ Than Thở Đà Lạt về hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đơn vị vận hành Khu du lịch hồ Than Thở Đà Lạt đưa vào hoạt động show thực cảnh - nhạc nước kể về hành trình nghìn năm dựng nước, giữ nước, mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Show thực cảnh ở hồ Than Thở Đà Lạt về hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bún treo Như Ý: Sài Gòn xưa nay là vậy đấy, thương nhau qua từng bữa cơm, tô bún

Giữa lòng thành phố tấp nập, có một quán bún nhỏ nằm lọt thỏm ở phường Bình Đông (quận 8 cũ, TP.HCM), không bảng hiệu cầu kỳ, chỉ có dòng chữ bún 'treo' đầy nổi bật. Nghe thì lạ mà lại quen vô cùng.

Bún treo Như Ý: Sài Gòn xưa nay là vậy đấy, thương nhau qua từng bữa cơm, tô bún

Han Kang và Người ăn chay

Có thể nói văn nghiệp của Han Kang chỉ khởi sự rực rỡ kể từ khi xuất bản cuốn sách trên dưới hai trăm trang: Người ăn chay.

Han Kang và Người ăn chay

Như chưa hề có cuộc chia ly: Cùng 1 cái tên hai số phận

Có một người đàn ông trung niên tên Thuần ngày đêm nhớ thương khắc khoải về gia đình ruột thịt. Một người mang thân phận Thuần đã dừng cuộc sống ở tuổi 19.

Như chưa hề có cuộc chia ly: Cùng 1 cái tên hai số phận

Sôi nổi giải bóng đá gắn kết văn hóa Việt - Nhật 2025

Chiều 5-7, chương trình giao lưu bóng đá Việt - Nhật 2025 diễn ra sôi động tại làng thể thao Tuyên Sơn (TP Đà Nẵng), thu hút đông đảo khán giả đến cổ vũ.

Sôi nổi giải bóng đá gắn kết văn hóa Việt - Nhật 2025
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar