17/01/2020 15:55 GMT+7

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố

LÊ PHAN - NGỌC PHƯỢNG
LÊ PHAN - NGỌC PHƯỢNG

TTO - Từ bao năm nay, khung cảnh 'trên bến dưới thuyền' mỗi dịp xuân về đã thành nét đặc trưng của người dân TP.HCM với những ghe hoa từ các tỉnh miền Tây tụ họp về dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Bức tranh thương hồ lại tái hiện.

Hành trình ghe chở hoa từ Chợ Lách (Bến Tre) về TP.HCM - Video: NGỌC PHƯỢNG - L.PHAN

Cơn mưa nặng hạt, trái mùa chiều 18 tháng chạp làm bụng ông Năm Thành (huyện Chợ Lách, Bến Tre) như có kiến bò. Sáng thức dậy, vườn mai tết của ông bắt đầu lác đác bung nở. Với người trồng mai, mai nở sớm đồng nghĩa với công sức cả năm trời đổ ao đổ bể.

Thay vì xuất phát như lịch trình hằng năm, mới chiều 19 tháng chạp, ông Năm Thành tập hợp nhân công chuyển hàng chục gốc mai cội lên ghe để chuẩn bị rời bến thẳng tiến về Sài Gòn.

20 năm đưa mai về phố

3h chiều, con nước bắt đầu lên mớn vào mạn ghe, chiếc ghe gỗ oằn mình thoát khỏi bãi bồi rồi xuôi theo kênh Vàm Mơn ra sông Hàm Luông. Người gầy sọm, cao lêu khêu, ngồi trên mui ghe ông Năm Thành bắt đầu kể cho chúng tôi nghe chuyện đưa hoa về phố mà ông gắn bó mấy chục năm trời.

Cha truyền con nối, cha ông Năm Thành vốn là dân buôn hoa có tiếng xứ Cái Mơn ngày trước. Mỗi dịp tết, thường một mình ông đánh 3 ghe chở tắc (quất) lên bày bán khắp các nẻo đường ven sông Sài Gòn.

Đến thời ông Năm Thành, gia đình chỉ còn mỗi ông theo nghề. Không buôn tắc, ông chuyển sang buôn mai và thấm thoắt cũng đã hơn 20 mùa tết ông xuôi ngược con nước.

Để đưa hoa từ Cái Mơn lên TP.HCM, các ghe hoa thường theo các kênh nhỏ ra sông Hàm Luông rồi ngược dòng lên sông Tiền, sau đó vào kênh Chợ Gạo để ra sông Vàm Cỏ. Hết sông Vàm Cỏ ghe hoa chạy theo kênh Nước Mặn tới sông Cần Giuộc và kết thúc hành trình tại kênh Tàu Hủ - Bến Nghé rồi neo tại đây bán những ngày giáp tết.

Ghe hoa của chúng tôi xuôi dọc theo kênh Vàm Mơn. Hai bên bờ, "xứ hoa" Cái Mơn đang độ vào xuân. Hoa đủ loại được tập kết để ghe tới xếp lên rồi tỏa về khắp nơi, mang xuân đến từng ngõ ngách, xóm làng.

Đêm xuống, ghe neo lại trên sông Tiền, xa xa cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang bừng sáng. Cây cầu nối vui đôi bờ, xóa đi nhọc nhằn giao thương cho người dân hai tỉnh, xóa đi cảnh "qua sông phải lụy phà".

Mâm cơm được bày trên mui ghe, có đủ tôm khô dưa kiệu, canh chua, thịt kho. Nhiều năm đón giao thừa xa nhà nên ông Năm mong anh em nhân công có chút cảm cảm giác ấm áp ngay cả lúc trên sông nước.

Đêm xuống, sương giăng khắp mặt sông, mọi người chia nhau nằm ken kín khắp mui ghe, ông Năm Thành chui vào góc khuất, quấn mền nằm cạnh mấy chậu mai, chiếc ghe chòng chành theo từng đợt sóng nước.

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 2.

Ghe chở mai của ông Năm Thành (Chợ Lách, Bến Tre) trên đường về TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 3.

Sửa soạn đầy đủ cho hành trình - Ảnh: LÊ PHAN

Đón giao thừa trên sông

Kênh Chợ Gạo nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ nườm nượp tàu, ghe, sà lan qua lại. Ghe chúng tôi chạy suốt từ tờ mờ sáng đến tận trưa mới hết con kênh.

Ông Năm Thành kể mấy chục năm trước, lòng con kênh này hẹp hơn, mỗi chuyến đi buôn chỉ thấy thấp thoáng ghe tam bản là sợ có cướp chặn đường. Có lần ghe hết dầu phải băng qua rừng dừa nước, lội qua sình lầy xa hút mới tới chỗ mua.

Giờ đây, khi đôi bờ phát triển, đường sá chạy dọc kênh, nhà san sát, cây xăng thậm chí còn làm ra phía kênh để phục vụ tàu, ghe qua lại.

Các ghe hàng chở theo đủ thứ đồ ăn, từ thịt cá, gạo muối, nước uống, xăng dầu đến những vật dụng sinh hoạt. Đôi vợ chồng trên chiếc ghe hàng cập sát ghe chở mai, một người trên ghe chúng tôi nhảy qua chọn những đồ cần mua.

Mua bán xong, chiếc ghe hàng lại trở đầu chạy tới các ghe khác đang vẫy gọi.

Chiều 20 tháng chạp, sau hành trình 24 tiếng, ghe chở mai bắt đầu tiến vào địa phận TP.HCM. Cây cối hai bên bờ lùi dần ra phía sau, nhà cửa bắt đầu xuất hiện.

Ngồi trên mui ghe, thi thoảng người dân hai bên bờ chỉ trỏ, bàn tán về chiếc ghe chở đầy ắp mai của chúng tôi. Khi những chiếc ghe hoa như thế này theo con nước vào thành phố cũng là lúc ngày tết đang đến cận kề.

Xế chiều, ghe đến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, dọc theo con kênh những bạn ghe khác đến sớm hơn đã bắt đầu bày bán hoa dọc đường Bến Bình Đông. Hoa mai, hoa giấy, cúc vạn thọ, hoa mào gà… được đặt dọc đường để người dân ghé lựa về chưng tết.

Ghe ông Năm Thành cập vào vị trí đã được địa phương cho phép, mai được chuyển lên bờ bày bán, cho thuê. Ghe sẽ neo lại đây tới trưa 30 tết rồi quay ngược trở về Bến Tre và trở lên thành phố lại vào ngày mùng 9 tháng giêng để thu lại mai đã cho thuê.

Đã hơn 20 năm nay gắn với những chuyến ghe hoa, chưa một lần ông đón giao thừa cùng gia đình. Hầu như thời khắc đất trời chuyển giao, ông và các nhân công đều còn đang lênh đênh trên sông nước.

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 4.

Mua bán nhu yếu phẩm trên sông, hình thức mua bán "độc nhất vô nhị' tại vùng sông nước miền Tây - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 5.

Ông Năm Thành (trên cùng) nhìn các nhân công chuẩn bị bữa cơm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 6.

Đưa hoa lên ghe chuẩn bị chở lên thành phố - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 7.

Bữa cơm ngay trên mui ghe giữa sông nước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 8.

Nhộp nhịp ghe hoa từ miền Tây tỏa đi các tỉnh thành - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 9.

Ghe hoa này chuẩn bị về Cà Mau bán tết - Ảnh: LÊ PHAN

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 10.

Các chậu hoa giấy rực rỡ chuẩn bị lên đường về Cần Thơ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 11.

Chuyển hoa từ trên ghe xuống bến Bình Đông để bày bán, cho thuê - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vượt dòng Cửu Long, ghe hoa về phố - Ảnh 12.

Cảnh "trên bến dưới thuyền" bắt đầu nhộp nhịp tại đường Bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bán mai nhưng có người mua thì đau lòng

Mỗi cây mai tại vườn ông Năm Thành đều có tuổi 10-20 năm, là dân buôn mai nhưng mỗi lần bán đi một cây mai ông Năm Thành lại thấy buồn như mất đi một người bạn.

Ông chia sẻ từng gốc mai từ hình dáng, vỏ, cành ra sao ông chăm sóc tới nhớ thuộc lòng nên bán đi có tiền nhưng bụng lại không vui.

​Thương hồ trên Bến Bình Đông

TTO - Năm hết, tết đến, nhiều người dân ở TP.HCM lại háo hức đổ về Bến Bình Đông (Q.8) để được tận thấy chợ hoa đậm chất sông nước giữa lòng đô thị.




LÊ PHAN - NGỌC PHƯỢNG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

19 năm về trước, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng rời quê hương Bình Phước mang theo khát vọng đổi đời ở miền đất hứa TP.HCM.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Nhiều người sau khi làm bùa yêu không chỉ mất tiền mà còn khủng hoảng tâm lý nặng nề vì bị những kẻ biến thái dụ dỗ.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Năm 1975, Sài Gòn - TP.HCM vừa trải qua chiến cuộc với hơn 3 triệu dân. 50 năm sau, thành phố đã trở thành đô thị lớn nhất nước với quy mô dân số lên đến gần 10 triệu người, và đô thị hiện đại được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu chất lượng sống.

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Thầy hứa 'hỗ trợ' khách hàng quan hệ tình dục nguyên năm

Mua bán bùa yêu là 'mỏ vàng' cho những kẻ trục lợi tâm lý yếu đuối, tổn thương tình cảm, lo âu hôn nhân.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Thầy hứa 'hỗ trợ' khách hàng quan hệ tình dục nguyên năm

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Còn nhớ năm 1978, hàng trăm ngàn tấn lúa suýt mất trắng trong đại dịch rầy nâu nhưng may mắn vượt qua được.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar