
Hình ảnh tuýp kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body được Đoàn Di Băng quảng cáo - Ảnh chụp màn hình
Nhiều chuyên gia cho rằng nhận định này được đưa ra khi còn nhiều vấn đề cần được làm rõ.
Cần công bố không đạt tiêu chuẩn ở mức nào?
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), điểm b, khoản 7, điều 3 nghị định 98/2020 được sửa đổi bởi các nghị định số 17/2022/NĐ-CP, nghị định số 96/2023/NĐ-CP và nghị định số 24/2025/NĐ-CP quy định hàng giả là hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Trong báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai không kết luận các sản phẩm có chất lượng không đúng với công bố thông tin nêu trên có phải là hàng giả hay không mà chỉ nêu ra các chỉ tiêu rất chung chung, không có định lượng cụ thể, không nêu được hành vi vi phạm vi phạm quy định nào, không đảm bảo thì không đảm bảo ở mức nào?
Theo luật sư Hoan, để có căn cứ xử lý hành chính hay hình sự, cơ quan chức năng cần làm rõ đối với dầu gội Hanayuki Shampoo.
Theo đó, mặc dù Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM kiểm nghiệm và xác định "mẫu thử không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN và phát hiện chất bảo quản 2-phenoxyethanol nhưng không có ghi trong thành phần trên nhãn", nhưng cần phải xác định định lượng cụ thể chỉ tiêu "không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN" đến mức nào?
Công dụng có đạt trên 70% tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký? Ngoài ra cũng cần phải xác định chất bảo quản 2-Phenxyethanol có thuộc danh mục cấm, có được phép sử dụng và nó ảnh hưởng như thế nào đối với người sử dụng?
Tương tự, đối với sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body cần xác định "chỉ số chống nắng SPF là 2,4" có đảm bảo trên 70% tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký?
Trường hợp người vi phạm quy định về hàng giả nêu trên nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 10 nghị định 98/2020 được sửa đổi bởi các nghị định số 17/2022/NĐ-CP, nghị định số 96/2023/NĐ-CP và nghị định số 24/2025/NĐ-CP.
Nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả" theo quy định tại điều 192 BLHS.
Có vội vàng kết luận khi chưa làm rõ nhiều vấn đề?
Luật sư Nguyễn Quốc (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Công ty CP Nhà máy y tế EBC Đồng Nai là đơn vị sản xuất và Công ty VB Group ký hợp đồng với EBC để sản xuất và sau đó tiếp nhận, phân phối hai sản phẩm Hanayuki ra thị trường; ngoài ra, VB Group cũng quảng bá sản phẩm (qua hình ảnh người nổi tiếng Đoàn Di Băng).
Trong đó, đối với sản phẩm là kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body, trường hợp EBC Đồng Nai, VB Group và người quảng bá sản phẩm là Đoàn Di Băng biết rõ sản phẩm này chỉ có chỉ số chống nắng SPF là 2,4 nhưng lại cố tình ghi nhãn và sử dụng chỉ số trên nhãn là SPF 50 để sản xuất, bán hàng, quảng cáo bán hàng và thu lợi bất chính thì hành vi này đã có dấu hiệu của các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng.
Rõ ràng việc sản phẩm kem chống nắng chỉ có chỉ số SPF là 2,4 so với chỉ số ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa là SPF 50 (tức chỉ đạt 5%) mà Sở Y tế tỉnh Đồng Nai không làm rõ hoặc chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền để làm rõ các nội dung như: kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị và chỉ số công bố SPF của kem chống nắng là bao nhiêu, có đúng là 50 hay không?
Trường hợp nếu đúng theo kiểm nghiệm và kết quả này đúng theo công bố là 50 thì tại sao có sự chênh lệch về kết quả quá lớn của Trung tâm này với thực tế hàng hóa bán ra thị trường như vậy (là do có vấn đề tiêu cực của Trung tâm hay là do VB Group, EBC và cá nhân liên quan cố tình sản xuất, ghi nhãn và quảng bá khác đi so với kết quả kiểm nghiệm, kết quả công bố để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng thấp nhằm lừa dối người tiêu dùng và thu lợi bất chính?).
Mức thu lợi bất chính của các hành vi nêu trên của các tổ chức, cá nhân có liên quan là như thế nào?
Thay vào đó, Sở Y tế đã đánh giá sự việc ở mức vi phạm hành chính phần vội vàng và mang tính chất chủ quan của cơ quan này. Tuy nhiên, đó chỉ là việc ghi nhận kết quả kiểm tra ban đầu của cơ quan này và không loại trừ quyền khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền.
Các cơ quan công an cũng có thể chủ động vào cuộc điều tra để làm rõ một cách toàn diện, nếu phát hiện đủ dấu hiệu cấu thành tội, cơ quan điều tra có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và cá nhân liên quan và hủy quyết định xử phạt hành chính của Sở Y tế (nếu đã ban hành).
Ngày 18-3, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lấy mẫu kiểm nghiệm đối với dầu gội Hanayuki Shampoo và kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body. Kết quả kiểm nghiệm dầu gội, mẫu thử không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN và phát hiện chất bảo quản 2-phenoxyethanol nhưng không có ghi trong thành phần trên nhãn. Còn mẫu kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body có chỉ số chống nắng SPF là 2,4, thấp hơn so với công bố trên nhãn (SPF 50).
Ngày 20-5, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Đồng Nai đã kiểm tra Công ty EBC Đồng Nai. Ngày 22-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi UBND tỉnh và Bộ Y tế thông tin nhanh kết quả kiểm tra, xử lý việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt chất lượng. Trong đó, đoàn kiểm tra cho rằng vụ việc không có dấu hiệu hình sự nên đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt theo quy định.
Bình luận hay