
Hình ảnh tuýp kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body được Đoàn Di Băng quảng cáo - Ảnh chụp màn hình
Thông tin toàn bộ lô sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g) bị thu hồi và tiêu hủy vì có chỉ số chống nắng SPF trên nhãn ghi 50 nhưng sau kiểm nghiệm chỉ còn 2,4 khiến nhiều người bức xúc…
Nhiều người tiêu dùng bức xúc, hoang mang về chất lượng thật sự của sản phẩm. Nhiều người yêu cầu xử lý, đặt câu hỏi về mức độ bảo vệ da và da sẽ ra sao nếu bôi phải loại kem chống nắng giả này.
Chỉ số SPF 2,4 thấp hơn 20 lần
Toàn bộ sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g) của công ty chồng Đoàn Di Băng bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy vì có chỉ số SPF ghi trên nhãn thấp hơn 20 lần so với kiểm nghiệm.
Thương hiệu kem chống nắng trên được Đoàn Di Băng đăng tải nhiều video quảng cáo và từng khẳng định bán được rất nhiều. Không chỉ kem chống nắng, cô cùng chồng và em gái quảng cáo nhiều sản phẩm làm đẹp khác liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sắc đẹp chị em phụ nữ.
Ngày 17-5, các sản phẩm kem chống nắng toàn thân Hanayuki Sunscreen Body và cả dầu gội Hanayuki Shampoo (cũng bị Cục Quản lý dược thu hồi, tiêu hủy trước đó) đã không còn trên website chính thức Hanayuki.com.vn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-5, TS Phạm Thị Uyển Nhi - phó trưởng phòng điều hành phòng kế hoạch tổng hợp, trưởng đơn vị thử nghiệm lâm sàng Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết chỉ số SPF (Sun Protection Factor) định lượng khả năng bảo vệ của kem chống nắng chống lại tia UVB. Đây là tỉ lệ giữa lượng bức xạ UV cần thiết để gây ra phản ứng ban đỏ khi có lớp lọc so với khi không có.
Theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), kem chống nắng được khuyến cáo sử dụng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, đặc biệt trong điều kiện tia UV cao như ở Việt Nam.
Với loại kem chống nắng có chỉ số SPF là 2,4 mà Cục Quản lý dược vừa thu hồi, bác sĩ Uyển Nhi cho biết chúng chỉ chặn được khoảng 53% tia UVB so với tỉ lệ 95% - 97% ở các kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 - 50, được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng để bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Bác sĩ Trịnh Minh Trang - khoa laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu trung ương - cũng cho hay chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu.
Chỉ số SPF là định mức đo lường khả năng chống tia UVB được dùng trong mỹ phẩm. Định mức này được tính theo số giờ và tỉ lệ phần trăm khi bôi kem chống nắng lên da.
Theo định mức quốc tế, 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UVB trong khoảng 10 phút. Tuy nhiên nó cũng chỉ có giá trị tương đối do phụ thuộc vào type da, cường độ ánh sáng mặt trời và lượng kem chống nắng được sử dụng.
Có thể cháy nắng cấp tính, bị lão hóa sớm, ung thư da…
Sử dụng kem chống nắng kém chất lượng hoặc có chỉ số SPF thấp thì làn da sẽ như thế nào? Bác sĩ Uyển Nhi cho hay làn da có thể bị cháy nắng cấp tính (gây đỏ, rát, phồng rộp da), tăng nguy cơ ung thư da (bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy - BCC, ung thư tế bào vảy - SCC, melanoma…).
Ngoài ra da còn bị lão hóa sớm, biểu hiện qua việc xuất hiện nếp nhăn, đốm nâu, rám má, da chùng nhão do tổn thương collagen và elastin, suy giảm miễn dịch tại chỗ, tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương da…
Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, bác sĩ Trang hướng dẫn nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF cao. Ví dụ đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50 , còn khi làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn. Việc chỉ số SPF quá thấp sẽ không đạt được mục tiêu chống nắng bảo vệ làn da.
Để chống nắng hiệu quả, bác sĩ Uyển Nhi cũng khuyến cáo cần dùng kem chống nắng phổ rộng (chống được cả tia UVA và UVB), chỉ số SPF từ 30 trở lên, có tính kháng nước. Thoa lại kem chống nắng mỗi 2 giờ hoặc sau khi đổ mồ hôi, bơi lội.
Ngoài ra tránh ra nắng từ 10h đến 14h hằng ngày vì lúc này tia UV mạnh nhất. Mặc quần áo chống nắng như áo dài tay, quần dài, mũ rộng vành, kính râm chống UV khi đi ra ngoài.
Kem chống nắng nhà Đoàn Di Băng có phải hàng giả?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng việc thông tin công bố sản phẩm không có chỉ số chống nắng nhưng sản phẩm lại ghi nhãn dán có chỉ số SFP 50 là hành vi vi phạm.
Cụ thể đây là hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng theo quy định tại điều 9 nghị định số 98/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Việc chỉ số chống nắng SFP 50 ghi trên nhãn dán mà không có thông tin trong bảng công bố sản phẩm thì được coi là ghi nhãn dán sai quy định, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, dẫn đến việc người tiêu dùng lựa chọn sai sản phẩm so với nhu cầu, mong muốn mà mình đặt ra khi lựa chọn sản phẩm", ông Bình cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, hiện đã có quy định rõ về hàng giả bao gồm hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Như vậy trong trường hợp này, tại nhãn dán sản phẩm ghi chỉ số SFP 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt 2,4 (dưới 70% so với công bố) thì đây được coi là hàng giả vì chất lượng thực tế của sản phẩm thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn chất lượng đã được ghi trên nhãn.
"Dù tại phiếu công bố sản phẩm không thể hiện chỉ số SFP 50 nhưng do tại nhãn sản phẩm đã ghi nội dung này nên vẫn được coi là hàng giả", ông Bình khẳng định.
Kiểm tra nhà máy sản xuất có kem chống nắng bị thu hồi
Liên quan hai sản phẩm bị đình chỉ lưu hành do công ty của chồng Đoàn Di Băng phân phối, ngày 20-5 Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã kiểm tra đột xuất nhà máy sản xuất sản phẩm này.
Theo báo cáo của công ty tại thời điểm kiểm tra, công ty đã có thông báo thu hồi 1.652 hộp đưa ra thị trường. Như vậy, lô sản phẩm này đã có hơn 1.600 sản phẩm được đưa ra thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều người tiêu dùng đã mua, sử dụng sản phẩm này.
Hiện nay người tiêu dùng quan tâm các sản phẩm khác chưa được kiểm nghiệm do công ty này sản xuất, phân phối liệu có có đảm bảo an toàn hay không.
Bình luận hay