TTCT - Sinh viên chưa tới mức ngân nga "Trong đôi mắt anh ChatGPT là tất cả", nhưng cũng có nhiều cách ví von riêng về AI. Cách ẩn dụ về ChatGPT thay đổi theo mức độ tư duy, từ dùng AI như phương tiện hỗ trợ kỹ thuật, viết văn bản đến các ứng dụng cao hơn."Dùng ChatGPT viết luận giống như mang giày cao gót: sang trọng, tôn dáng nhưng cực kỳ dễ... trượt chân trên sàn diễn học thuật". Một nghiên cứu sinh người Trung Quốc đã nói về ChatGPT hóm hỉnh như vậy. Đây chỉ là một trong số hàng trăm ẩn dụ đầy màu sắc mà sinh viên quốc tế đã dùng để mô tả mối quan hệ giữa họ và AI, theo nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Đại học Hong Kong.Theo bài báo công bố trên Computers & Education số mới nhất, các nhà nghiên cứu khảo sát 244 sinh viên sau đại học từ 14 quốc gia đang học tập tại Anh, tất cả đều từng sử dụng ChatGPT-4 trong việc viết bài. Các tình nguyện viên sẽ phải nghĩ ra một ẩn dụ để mô tả ChatGPT và vai trò của "siêu trí tuệ" này trong học thuật. Kết quả là một bức tranh không thể đa dạng hơn: AI là gương soi, là phi thuyền, là Người nhện, là chiếc cầu văn hóa, là túi thần kỳ của Doraemon, thậm chí là thức ăn nhanh và doping học thuật.Cách ví von khác nhau tùy theo mục đích sử dụng AI. Cụ thể, các sinh viên dùng ChatGPT như công cụ hỗ trợ kỹ thuật - sửa lỗi ngữ pháp hay căn chỉnh tài liệu - xem AI như lớp trang điểm cho bài viết, hay đôi giày cao gót khiến mọi thứ trông chỉn chu hơn. Những người dùng ChatGPT để tổ chức ý tưởng, gợi mở hướng viết, dẫn đường cho những bài luận và gọi nó là la bàn, là trợ lý, là chế độ tự lái của Tesla. "ChatGPT giúp tôi viết ra những khái niệm cực kỳ tinh tế mà bản thân tôi còn không biết cách diễn đạt" - một người tham gia giải thích vì sao ví ChatGPT như chiếc gương soi.Số khác khẳng định AI giúp họ vượt qua rào cản ngôn ngữ, đóng vai trò cây cầu văn hóa giữa các nền tư duy học thuật khác nhau. Hai sinh viên thậm chí gọi nó là Người nhện, vì "nó có thể đu dây vèo vèo qua mạng lưới kiến thức hàn lâm đa ngành".Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn ChatGPT với ánh mắt long lanh. Có sinh viên cảnh báo rằng dùng AI như vậy dễ khiến ta mất năng lực tư duy thật sự. Họ ví ChatGPT như một họa sĩ chép tranh, một đầu bếp đồ ăn nhanh, vô cùng tiện lợi, dễ nuốt, nhưng chẳng có dưỡng chất gì. Một người khác mô tả AI như thuốc tăng lực học thuật. Bởi, "trong môi trường cạnh tranh, không ai muốn tụt lại chỉ vì không dùng nó".Một bài viết trên Scientific American nhận định ngoài cho thấy có nhiều cách độc đáo để hình dung về AI, một điểm đặc biệt khác của nghiên cứu này là nó cho thấy chúng ta vẫn đang loay hoay tìm lời để mô tả một công nghệ mới đang thay đổi cả thế giới học thuật. Không phải tới thời AI, phương pháp ẩn dụ của người dùng đã và đang định hình cách xã hội trò chuyện về công nghệ, theo Emily Weinstein, nhà nghiên cứu công nghệ tại Đại học Harvard.Mỗi hình ảnh ẩn dụ đều mang theo cả sự hứng khởi và mối hoài nghi. Ví dụ, Người nhện cũng có thể đánh mất kiểm soát, còn giày cao gót luôn tiềm tàng nguy cơ vấp ngã. Liệu có ẩn dụ nào là "đúng" nhất?Chính nhóm nghiên cứu cũng phải thừa nhận câu trả lời là không. AI có thể là công cụ, là người hướng dẫn hay là liều thuốc. AI cũng có thể là tất cả, hoặc không là gì cả, tùy thuộc vào cách mỗi người dùng nó.Trở lại với thói quen mô tả công nghệ bằng ẩn dụ của con người. Đúng là nó giúp dễ hình dung và nhận thức về những điều trừu tượng mới mẻ, nhưng cũng có khi lối nói ví von lại cản trở tiến bộ khoa học. Nhóm nghiên cứu Đại học Hong Kong nhấn mạnh ẩn dụ, dù hữu ích, "vẫn không thể bao tròn được toàn bộ sự phức tạp trong mối quan hệ giữa con người và AI".Tương tự, một bài báo năm 2017 trên Wired cho rằng "các phép ẩn dụ công nghệ đang cản trở nghiên cứu về não bộ". Theo đó, từ thời cổ Hy Lạp, con người đã thích ví não bộ với những thứ công nghệ đương thời, nào là hệ thống thủy lực, đồng hồ cơ, rồi đến bộ vi xử lý hiện đại. Tới tận ngày nay, nhiều nhà khoa học vẫn hình dung trí nhớ như những đoạn mã nhị phân, được lưu trữ đâu đó trong các "ổ cứng nơron".Nhưng theo nhà thần kinh học Randy Gallistel, nếu não thực sự hoạt động như máy tính mã hóa thông tin theo kiểu Shannon thì nó đã quá tải và bốc khói từ lâu rồi. Gallistel và các nhà khoa học cùng chí hướng cho rằng nếu bám chặt vào hình mẫu duy nhất như máy tính, ta sẽ tự hạn chế khả năng tưởng tượng. Vì vậy, cần phải khai phá những lối nghĩ khác. "Nếu chúng ta tạo ra máy tính theo hình ảnh của chính mình, có lẽ một ngày nào đó chúng sẽ trở thành một phép ẩn dụ hoàn hảo cho bộ não" - tác giả Anna Vlasits viết. Tags: Ngôn ngữ AIAiẨn dụ
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước nào làm ăn với Nga DUY LINH 14/07/2025 Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước giao thương cùng Nga nếu Matxcơva không đạt thỏa thuận ngừng bắn Ukraine trong 50 ngày.
Khởi tố 18 bị can ở Cục An toàn thực phẩm nhận hối lộ hơn 75 tỉ đồng để cấp khống giấy tờ DANH TRỌNG 14/07/2025 Tối 14-7, Bộ Công an cho biết văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Giám đốc Công an Hà Nội: Ở thủ đô sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài phố, thay thế bằng camera AI PHẠM TUẤN 14/07/2025 Giám đốc Công an Hà Nội cho biết dự kiến đến 18-12, khi lắp đủ camera AI, giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.
Cách cựu trợ lý của cựu chủ tịch Quốc hội 'tác động' cho Tập đoàn Thuận An THÂN HOÀNG 14/07/2025 Ông Phạm Thái Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu trợ lý của nguyên chủ tịch Quốc hội, bị viện kiểm sát truy tố với cáo buộc nhận 750 triệu đồng sau khi có tác động giúp Tập đoàn Thuận An trúng thầu.